Người “vác tù và” ở khu phố Lương Nam

11/05/2020
Trưởng khu phố, chức danh người ta hay gọi là “vác tù và hàng tổng” và thường chỉ nam giới mới đảm nhận. Thế nhưng tại khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) có một người phụ nữ đã được bà con tín nhiệm bầu giữ vị trí này hơn 10 năm nay. Đó là bà Chế Thị Thanh Xuân.
Bà Xuân (bên trái) đang trao đổi công việc với Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Lương Sơn.

Đang giữa trưa nắng, chuẩn bị lo cơm nước thì điện thoại reo. Bà Xuân tắt bếp, vơ vội chiếc áo khoác nói với chồng: “Nhà con T. đang gây lộn căng thẳng, tôi phải đến ngay” rồi tất tả bước đi. Những cuộc điện thoại tư vấn, những buổi làm việc không giờ giấc như thế của bà Xuân đã trở thành quen đối với bà, gia đình, kể cả lúc nửa đêm.

11 năm làm Trưởng khu phố, cũng ngần ấy năm là Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn, và từ năm 2019 bà kiêm luôn Bí thư Chi bộ. Cũng là ngần ấy năm mà thời gian dành cho công việc xã hội đã chiếm trọn việc nhà của bà Xuân. “Con cái có gia đình hết, chú cũng đã về hưu, mà phụ nữ có thuận lợi hơn trong việc nắm bắt tâm lý, chia sẻ những điều khó nói, nên giúp được gì cho khu phố thì cứ làm”, ông Võ Văn Hiên, chồng bà Xuân nói.

Khu phố Lương Nam có 826 hộ/3.050 khẩu. Năm 2004, sau khi tiếp nhận công việc, bà Xuân bắt tay vào việc vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong đó tập trung vào việc xây dựng gia đình văn hóa, xóa đói giảm nghèo. Bà Xuân suy luận rằng: “Nếu cấu trúc gia đình lỏng lẻo, vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột hoặc không có thời gian quan tâm chăm sóc con cái thì không thể xây dựng một xã hội tốt được. Vì thế vợ chồng nào mâu thuẫn, mình tìm đến nói chuyện với từng người một để họ hiểu tác hại của việc mất đoàn kết trong gia đình. Đứa trẻ nào có nguy cơ bỏ học, thì tâm sự với cha mẹ chúng và khuyên nhủ để gia đình hiểu học mới giúp thoát nghèo và cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Đôi chân của người phụ nữ 60 tuổi ấy ngày nắng cũng như ngày mưa, sải đều trên các cụm dân cư để nhắc nhở mọi người gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào của địa phương và tương trợ nhau trong cộng đồng. Cứ thế bà luôn sát dân, gần dân nắm bắt tâm tư, tình cảm của nhân dân.

Quê ở Nghệ An, rồi theo chồng vào Bắc Bình lập nghiệp. Thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của chị em trong xây dựng kinh tế, bà Xuân đã đứng ra làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ phát triển và Tổ góp vốn xoay vòng. Ban đầu nhận hỗ trợ nguồn vốn của Tổ chức tầm nhìn thế giới, giúp mỗi hộ 3 triệu đồng chăn nuôi bò. Sau đó tiếp tục hướng dẫn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ những kiến thức khoa học kỹ thuật được tập huấn, tài liệu sưu tầm, bà nhanh chóng triển khai cho chị em áp dụng. Đến nay khu phố Lương Nam chỉ còn 2 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế luôn đạt trên 90%.

Một vai 3 gánh, nhiều lúc không khỏi áp lực, nhưng bà Chế Thị Thanh Xuân lại nhớ đến lời Bác Hồ dạy “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp rực rỡ”. Bằng tâm huyết và trách nhiệm trong công việc, nhiều năm qua người dân trong khu phố thêm tin yêu, tôn trọng bà. Đây là món quà mà với nữ trưởng khu phố còn quý hơn cả những tấm bằng khen, giấy khen.

baobinhthuan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video