Nhà báo nữ và những gian truân khi làm nghề

21/06/2022
Bất cứ khi nào có sự kiện nóng xảy ra, nhà báo nữ cũng phải sẵn sàng tác nghiệp, lên đường, dù ngày nghỉ hay lễ Tết, dù trời mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm...
Nhà báo Bảo Loan với các F1 nhí tại khu cách ly, điều trị F0 trường THPT Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM)

Những kỷ niệm khó quên

Gần 10 năm làm báo, nhà báo Bảo Loan - Báo Sức khỏe và Đời sống - có nhiều kỷ niệm vui, buồn với nghề, nhưng kỷ niệm về chuyến công tác tại TPHCM hồi tháng 8/2021 vẫn mang lại cho chị nhiều cảm xúc nhất.

Chị Loan kể, cuối tháng 8/2021, chị nhận nhiệm vụ tăng cường đến tâm dịch TPHCM. Lúc này chị vui vì được cơ quan giao nhiệm vụ quan trọng, được tác nghiệp, trải nghiệm tại một môi trường mới… Nhưng chị cũng lo lắng vì tâm dịch là nơi rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận, mình có thể lây nhiễm bệnh bất cứ khi nào và làm ảnh hưởng tới cộng đồng.

Đặt chân đến TPHCM, chị cũng như bao phóng viên khác, đã nếm trải nhiều cung bậc cảm xúc. Từ choáng váng, hốt hoảng, bủn rủn đến ấm áp, nghẹn lòng… Những ngày tác nghiệp ở TPHCM đã khiến chị nhiều lần phải rơi nước mắt. Những gì diễn ra là những điều chị chưa bao giờ từng chứng kiến - một thành phố sầm uất bậc nhất lại lâm cảnh đường xá không một bóng người. Chốc chốc, tiếng còi hú của xe cứu thương chở bệnh nhân cấp cứu lại réo lên, rồi cũng vụt đi trong tích tắc. Trên những cung đường vắng, ngoài xe tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, là những chiếc xe ô tô cỡ lớn chở y, bác sĩ đến các bệnh viện dã chiến để thay ca...

"Còn nhớ, khi vào tác nghiệp tại các khu điều trị bệnh nhân Covie-19 nặng, trong bộ đồ bảo hộ kín mít, cộng với thời tiết miền Nam mưa nắng thất thường và mùi khử khuẩn đặc trưng, tôi vô cùng khó chịu và ngột ngạt. Các thiết bị phục vụ công việc như máy ảnh, điện thoại… cũng phải bọc kín khiến quá trình lấy tư liệu gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nếu không cẩn thận, sẽ rất dễ… ra về tay trắng.

Khi chính tai phải nghe tiếng gọi tập hợp cấp cứu ca nguy kịch vang lên khắp khu nhà điều trị, tôi ước, giá như tôi là bác sĩ, tôi sẽ buông hết tất cả mọi thiết bị quay chụp trên tay để lao vào hỗ trợ cấp cứu cho người bệnh. Để truyền tải tất cả những hoạt động bên trong tâm dịch khốc liệt, một ngày 24 tiếng của tôi cùng các thành viên làm việc là không đủ, từ sáng sớm đến nửa đêm, 2-3h sáng/ngày là chuyện phải diễn ra thường xuyên.

Còn nhớ những ngày tác nghiệp nơi tâm dịch khốc liệt, bản thân tôi không phải là F1 nữa, mà trên cả F1, tiệm cận F0. Bởi 3 lần tôi trở thành F1 và 1 lần trở thành F0 "hụt". Nhưng chứng kiến những bệnh nhân lần lượt được công bố khỏi bệnh, tôi không lo lắng... Thậm chí là sẵn sàng mọi tình huống xấu nhất xảy đến với mình.

Những ngày tháng tác nghiệp ở TP HCM, tôi may mắn vì luôn được gia đình, đồng nghiệp, lãnh đạo Báo các thành viên trong đoàn công tác, y bác sĩ quan tâm, động viên hỗ trợ để hoàn thành tốt công việc và may mắn hơn là được trở thành một phần trong trận chiến có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành y. Khoảng thời gian này đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm, kỹ năng và sự kiên cường, sự trưởng thành. Đây cũng là sự vinh dự nhất với tôi trong những năm tháng làm nghề… và nếu có kiếp sau thì tôi vẫn muốn được đi làm báo", nhà báo Bảo Loan chia sẻ.

Ra đường bất kể ngày đêm

"Hơn 10 năm gắn bó với nghề báo, tôi thấm hết những truân chuyên của nghề. Nhất là phụ nữ, để theo và làm được nghề cần phải nghị lực hơn rất nhiều. Bởi ngoài phần lớn quãng thời gian dành cho công việc thì còn phải cân đối hài hòa với yếu tố gia đình. Là nhà báo nữ, lại làm mảng thời sự, nội chính tôi thấm thía hơn ai hết những nỗi vất vả ấy. Do đặc thù nên phóng viên làm gần như không có ngày nghỉ. Bất cứ khi nào có sự kiện nóng xảy ra cũng phải sẵn sàng tác nghiệp, lên đường, dù ngày nghỉ hay lễ Tết, dù trời mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm.

Có những khi sự kiện thời sự dồn dập, tôi ra khỏi nhà đi làm từ sáng sớm và trở về nhà lúc đêm đã về khuya. Chỉ có một chút thời gian cho công việc cá nhân, tôi lại phải ôm chiếc máy tính làm việc. Còn nhớ khi con còn nhỏ, con rất quấn mẹ, nhưng khi mẹ về nhà vẫn không dứt nổi chiếc máy tính. Vì thế, mỗi lần thấy mẹ về là con lấy máy tính ngồi lên trên để cho mẹ không dùng máy làm việc được. Những lúc như thế, thương con vô cùng vì không dành được nhiều thời gian cho con. Bởi vậy, mỗi buổi tối tôi luôn cố gắng dành thời gian chơi với con, chờ đến khi con đi ngủ mới tiếp tục ra làm việc", nhà báo Nguyễn Hiền - Báo điện tử VOV chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Hiền phỏng vấn ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH)

Đối với các nữ nhà báo, phóng viên chưa lập gia đình lại có những trăn trở, suy nghĩ mà tưởng chừng khó có ngành nghề nào cảm nhận hết cung bậc cảm xúc khi tiếp xúc với nhân vật, với câu chuyện hay vụ việc. Với họ, sự trải nghiệm đặc thù của nghề không đơn thuần chỉ là khai thác thông tin, tư liệu mà ở đó là sự đồng cảm, sẻ chia.

Nhà báo Nguyễn Ngoan - Báo Tổ quốc chia sẻ: "Nhớ về những ngày đầu tiên làm báo, tất cả những gì trong tôi lúc đó là tuổi trẻ, xông xáo. Sau những lần tác nghiệp đầu tiên, tôi nhận ra đó là thế mạnh nhưng cũng đồng thời là hạn chế của tôi. Bởi nghề báo không chỉ đòi hỏi sự năng động mà còn phải có kiến thức sâu rộng về bất cứ mọi vấn đề mình tiếp cận".

Từ một cô gái nhút nhát, Ngoan đã trở thành một cô gái đầy mạnh mẽ, ở cái tuổi ngoài đôi mươi có thể một mình chạy xe máy như bay giữa trưa hè nắng gắt để đến hiện trường tác nghiệp. Tuy gian nan vất vả nhưng khi nhìn thấy thành quả của mình xuất hiện trên mặt báo hàng ngày, đó là hạnh phúc lớn nhất của Ngoan với nghề nghiệp này.

"Có khi trong cuộc sống sống hằng ngày buộc bản thân phải quên đi rằng mình là con gái, mà chỉ quan tâm đến sự kiện, làm sao lên bài cho kịp giờ. Ngày qua ngày, nghề báo giúp tôi nhận ra nhiều điều mà nếu không trải nghiệm, sẽ không thể nào biết hoặc thấu hiểu sâu sắc. Đó là những chuyến đi, những lần đồng cảm với nỗi bất hạnh của nhân vật hoặc phẫn nộ với tội ác, với sai phạm hoặc tự hào về những điều mà nhân vật của mình đã cống hiến cho xã hội", nhà báo Nguyễn Ngoan bộc bạch.

Báo PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video