Nhà khoa học một đời dấn thân vì… muỗi

29/10/2018
Nuôi muỗi, cho muỗi đốt chính mình để nghiên cứu về các vector truyền bệnh sốt rét – là câu chuyện đầy đam mê, dấn thân vì khoa học của nữ PGS. TS. Ngô Giang Liên, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tế bào, khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia HN.

Cả sự nghiệp dấn thân vì khoa học, PGS. TS. Ngô Giang Liên vẫn nguyên những cảm xúc bồi hồi, ánh mắt ngời sáng khi kể lại những ngày bà cùng đồng nghiệp dám cho muỗi đốt chính mình để nghiên cứu về các vector truyền bệnh sốt rét. Không có sự dũng cảm đó, cuộc chiến chống các bệnh do muỗi truyền ở Việt Nam có thể khó có những bước đột phá và Việt Nam có thể chậm hơn rất nhiều trong việc chủ động kiểm soát dịch bệnh so với hiện nay.

Đối mặt với tử thần

Nhắc đến PGS. TS Ngô Giang Liên, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tế bào, khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc ĐH Quốc gia HN, các đồng nghiệp vẫn luôn cảm phục sự can đảm, tinh thần vượt khó để ứng dụng các phương pháp nghiên cứu phục vụ cho phân  loại muỗi mà trước đó chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam. Năm 1994, cô giảng viên đang độ tuổi trưởng thành trong nghề của trường ĐH Tổng Hợp đọc được thông tin về việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ chọn lựa cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu của cán bộ khoa học trẻ. Cô mạnh dạn gửi đề xuất về “Nghiên cứu xác định các vector truyền sốt rét tại Việt Nam bằng phương pháp phân tích kiểu nhân”, nhằm giúp các nhà hoạch định đưa ra các biện pháp phòng chống  hiệu quả. Gửi đề xuất đi, chẳng ngờ 6 tháng sau đó, đề tài được hội đồng khoa học của WHO tuyển chọn. Khoản tài trợ 30.000 USD từ WHO bấy giờ không phải là nhỏ khi mà các dự án khoa học cấp cho cán bộ trẻ ở Việt Nam lúc đó chỉ vài triệu đồng. Niềm vui vỡ òa với sự ngỡ ngàng vì lần đầu tiên nhận đề tài hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới mẻ, phải thực hiện ở phòng thí nghiệm, ngoài thực địa đầy gian khổ và rủi ro nhiễm bệnh. 

Với tâm thế vừa mừng vui chen lẫn lo lắng, cô Liên cùng các  đồng nghiệp vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Được sự giúp đỡ của đội nghiên cứu khảo sát sốt rét, cô lên đường vào vùng rừng thiêng nước độc Khánh Phú (Khánh Hòa), nơi phần lớn muỗi độc và các vector chính truyền bệnh ở Việt Nam đều có mặt để thu mẫu. Chuyến đi dự kiến một tuần  mang muỗi về Hà Nội nuôi, thu bọ gậy làm tiêu bản để phân tích nhiễm sắc thể.  Nhưng việc đi lại khó khăn, chắc chắn số lượng muỗi no máu bị chết do va đập trong quá trình vận chuyển là đáng kể. Cô quyết định ở lại Khánh Phú thực hiện dự án nghiên cứu không chỉ khâu thu mẫu mà còn nuôi muỗi và làm tiêu bản ngay trên thực địa. 

Vậy là “phòng nuôi muỗi ngoài tự nhiên” được thiết kế,  muỗi được nuôi trong các chiếc bát sứ thô sơ đặt dưới  các tán lá xanh ở rừng Khánh Phú để duy trì độ ẩm gần như ở phòng thí nghiệm. Đêm mưa bão, các anh chị đội nghiên cứu phải lao vào rừng để đem bọ gậy tránh mưa. Những kỷ niệm đáng nhớ này đi cùng cô suốt cả cuộc đời làm khoa học. Đó không chỉ là sự hàm ơn khi được đồng nghiệp giúp đỡ lúc gặp khó khăn mà còn thôi thúc cô tìm kiếm học hỏi thêm được phương pháp mới mang tính đột phá trong nghiên cứu di truyền về loài côn trùng nguy hiểm này.  Những chuyến đi vào bản của người dân tộc thiểu số khảo sát sốt rét thật sự nhớ đời. Cán bộ phải nhường màn cho người dân bị sốt rét. Có chuyến đi đồ ăn chỉ mang đủ 3 ngày, nhưng khảo sát kéo dài hơn 1 tuần, đoàn cũng tự tìm rau xanh, ăn uống kham khổ, có những lúc nhịn đói nhịn khát. Ban đêm, cô giảng viên trẻ không nề hà, cùng các giáo sư, các đàn anh đi bắt muỗi, đoán giờ muỗi đi tìm mồi, cho muỗi đốt chính mình rồi lấy ống nghiệm bắt lại ngay thủ phạm đó để nghiên cứu.

“Nghiên cứu bệnh bằng bộ nhiễm sắc thể là lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện. Vậy mà thành công là quá hạnh phúc” - bà Liên kể. “Nuôi muỗi trên thực địa cũng là phương pháp chẳng ở đâu làm. Ở trường chúng tôi có lab nuôi muỗi hiện đại do Hà Lan viện trợ, nhưng vào thực địa không thể mang theo. Trong Khánh Phú, sáng ra có được những con bọ gậy to khỏe, từ đó làm tiêu bản nhìn thấy rất rõ hình thái bộ nhiễm sắc thể, đó là thành công đầu tiên làm tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Giờ ngồi nhớ lại, cảm giác tuyệt vời ấy vẫn nguyên vẹn”. Chuyến đi  thu mẫu 1 tuần nay đã là 3 tháng, trước Tết nguyên đán chỉ vài ngày, cô rời Khánh Phú với chiếc ba lô toàn những  hộp tiêu bản nhiễm sắc thể về muỗi trước sự ngỡ ngàng, cảm thông chia sẻ của chồng con sau biết bao ngày chờ đợi.

“Lúc đó chúng tôi chỉ có sự đam mê vô tận, cống hiến không có điều kiện nào cả, thậm chí đối mặt với hiểm nguy, rủi ro nhiễm bệnh” - bà Liên nhớ lại. “Nhiều bác nhiều anh trong đội nghiên cứu  ở Khánh Phú đi làm với tinh thần trách nhiệm  rất cao. Thù lao cho cán bộ khoa học làm việc ngoài  thực địa quá ít ỏi so với công sức, thời gian và  những thử thách mà họ phải chịu đựng”. Say sưa với con muỗi, nhóm làm việc ở Khánh Phú không ai nghĩ đến việc khi về nhà sau đó, có tới 80 - 90% thành viên mắc sốt rét. Thật sự là rủi ro khi phải đối mặt với tử thần nếu phải dính vào muỗi mang ký sinh trùng sốt rét ác tính. Cô Liên cũng vậy, xinh đẹp, da trắng, môi hồng, nhiễm bệnh thì môi thâm, da thành tái mét. Những cơn  đau đầu vật vã, sốt lúc nóng lúc lạnh khiến cô lại càng hiểu hơn cuộc sống của người dân sống trong vùng có sốt rét.

Bước ngoặt lớn

Đoàn chuyên gia của WHO khi đến Khánh Phú rất ngạc nhiên khi gặp nữ giảng viên trẻ mà lại tham gia một công việc nặng nhọc như thế. Đánh giá rất cao sự dấn thân của các đồng nghiệp Việt Nam nhưng họ cũng không đồng ý với rủi ro mà các cán bộ ở đây phải đối mặt. Họ đề xuất để cô Liên sang Anh học  về kỹ thuật sinh học phân tử, một phương pháp mới, hiện đại hơn, giúp khắc phục những hạn chế của phương pháp truyền thống. Hội đồng Anh đã rất tận tình hỗ trợ để cô được học tập nghiên cứu tại môi trường mới dưới sự hướng dẫn của các giáo sư đầu ngành ở Viện Y học Nhiệt đới Liverpool và Viện Bảo tàng Lịch sử London, Anh. Được tiếp cận với kỹ thuật mới, cô Liên được trang bị thêm nhiều kiến thức, công cụ, phương pháp làm việc mới, thay đổi tư duy khoa học, mở rộng kết nối với các nhà khoa học trong khu vực và thế giới. Chương trình Liên kết giữa các nhà khoa học Anh - Việt của Viện Y học Nhiệt đới Liverpool và Trường ĐHKHTN đã được thiết lập dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh và các tổ chức quốc tế.

Thông qua Chương trình Liên kết này, hàng loạt các khóa tập huấn, các cuộc trao đổi khoa học, các khóa bài giảng của những chuyên gia đầu ngành về sốt rét được tổ chức cho nhiều đối tượng là cán bộ, sinh viên từ trung ương đến địa phương,  cán bộ  y tế các tỉnh thành, cán bộ Viện Vệ sinh Dịch tễ  tham dự trong suốt giai đoạn 2000 - 2010. Kỹ thuật sinh học phân tử  (PCR) mang tính đột phá, giảm chi phí thời gian, công sức, cho kết quả nhanh và chính xác. Không chỉ áp dụng cho nghiên cứu xác định vector  truyền bệnh sốt rét, mà PCR còn  được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác: Y học, công nghệ thực phẩm, khoa học hình sự… nên được đông đảo mọi người tham gia. Chương trình cũng chia sẻ kinh nghiệm và truyền đạt cái mới trong nghiên cứu về vector sốt rét cho cả các đồng nghiệp từ Thái Lan, Malaysia,Trung Quốc, Indonesia, Campuchia, Lào cùng sang Việt Nam tham dự.  Đó là thời kỳ bệnh sốt rét hoành hành ở Việt Nam cũng như ở các nước này, những khóa học như vậy đã giúp nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt Nam và các nước láng giềng có chung tình trạng  cùng đồng hành trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Nếu năm 1994 có hơn 4.000 người trong cả nước chết vì sốt rét, thì giờ đây Việt Nam đã phòng bệnh (cả sốt rét lẫn sốt xuất huyết) một cách chủ động.

Luôn luôn theo đuổi phương châm sống chịu khó học hỏi, nhưng bà Liên cũng cho rằng nghiên cứu cần gắn liền với thực tế. “Chỉ có gắn với thực tế, nhà khoa học mới có phản hồi phù hợp với đất nước mình. Tôi đi nhiều nơi miền núi, miền Trung, cao nguyên, nơi muỗi sốt rét sinh sống, gặp các em bé còn rất nhỏ đã bị sốt rét, gia đình lại nghèo, việc chữa trị vô cùng phức tạp, thật thương cảm vô cùng. Lúc đó nước mình còn nghèo, mơ cũng không có được trang thiết bị và kinh phí để làm về  sinh học phân tử, nếu không làm nhiễm sắc thể thì không thể chẩn đoán bước đầu được thủ phạm gây bệnh” - bà Liên tâm sự.  “Nhìn lại câu chuyện của mình, tôi vẫn thấy bồi hồi. Trong đời tôi, bên cạnh rủi ro lại gặp được may mắn, chi phối cả cuộc đời làm khoa học’’.

Từ đó đến nay, bà Liên rất mừng vì khoa học Việt Nam đã thay đổi một trời một vực. Những năm nửa đầu thập niên 1990 ấy, phòng thí nghiệm của trường còn rất đơn sơ. Bà Liên đã trích hẳn 10.000 USD trong 30.000 USD được WHO tài trợ để mua kính hiển vi “sang chảnh”, chụp tiêu bản bộ nhiễm sắc thể để bà và đồng nghiệp không phải gửi mẫu sang cơ quan khác hoặc gửi mẫu cần chụp ra nước ngoài nữa. “Ngày mang chiếc kính về, cả phòng, ban chúc mừng. Còn bây giờ, các phòng thí nghiệm trọng điểm trong trường gần như ngang bằng  khu vực và quốc tế. Các phương pháp mà sinh viên và đồng nghiệp của tôi sử dụng thì quốc tế và khu vực cũng đang sử dụng, đó là bước tiến rất xa” - bà Liên nhận xét. “Nền khoa học của ta tiến bộ rất nhiều, kể cả trong nghiên cứu cơ bản cũng như ứng dụng. Trước kia, khoa học cơ bản chỉ thuần túy về lý thuyết, nhiều khi tôi băn khoăn vì kết quả nghiên cứu xong lại nằm trong ngăn kéo, còn bây giờ có sự gắn kết nghiên cứu cơ bản với ứng dụng. Được làm việc trong các labo với  trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, tôi có thể tin tưởng vào năng lực của thế hệ trẻ ngày nay”.

Nhưng nhà giáo, nhà khoa học đầy đam mê tâm huyết ấy vẫn còn nhiều băn khoăn suy nghĩ. Bà cho rằng, khoa học Việt Nam phát triển nhanh chỉ khi nào chúng ta có được  cơ chế quản lý và xét duyệt đề tài một cách công tâm, khách quan, minh bạch để các dự án đến tận tay người có thực lực đảm đương và  đưa ra ứng dụng. “Điều đó không chỉ  tạo niềm hứng  khởi say mê nghiên cứu của cán bộ trẻ mà còn mang tính cạnh tranh cao, tạo ra bước đột phá, thúc đẩy nhanh cho sự phát triển khoa học Việt Nam. Nếu không, với cơ chế như hiện giờ, chúng ta sẽ bị tụt hậu” - bà trăn trở.      

daibieunhandan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video