Nhà khoa học nữ thứ ba đạt giải Nobel Vật lý

04/10/2018
Cùng với 2 nhà khoa học nam tới từ Mỹ và Pháp, nữ tiến sĩ vật lý Donna Strickland vừa được trao giải Nobel Vật lý 2018 cho những đóng góp về lĩnh vực laser ứng dụng trong phẫu thuật. Bà trở thành phụ nữ thứ ba được trao giải Nobel Vật lý trong lịch sử 117 năm của Giải thưởng và là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel Vật lý sau 55 năm kể từ năm 1963 đến nay.

Bà cũng là người phụ nữ Canada đầu tiên đạt được giải thưởng cao quý này. Hai nhà khoa học nữ dành được giải Nobel Vật lý trước đó là Marie Curie (người Ba Lan) - người đầu tiên đạt giải vào năm 1903, và người thứ hai là Goeppert-Mayer (người Mỹ gốc Đức) được trao giải năm 1963.

Ngày 2/10/2018, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển đã trao giải Nobel Vật lý năm 2018 cho ba nhà khoa học vì “những phát minh đột phá trong lĩnh vực vật lý laze”. Đó là nhà khoa học Arthur Ashkin (người Mỹ), Gérard Mourou (người Pháp) và Donna Strickland (người Canada). Phát minh đạt giải Nobel năm nay đã cách mạng hóa ngành vật lý laser, giúp giới nghiên cứu khám phá các đồ vật cực nhỏ và quá trình diễn ra siêu nhanh. Những thiết bị cực chính xác này giúp mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y học. 

Những tiến bộ về vật lý laze giật giải Nobel 2018



Các nhà khoa học đạt giải sẽ giành được phần thưởng trị giá 1 triệu USD. Trong đó Arthur Ashkin, được nhận một nửa giải thưởng nhờ phát minh nhíp quang học, một loại bẫy ánh sáng cho phép ánh sáng điều khiển những hạt nhỏ. Nhíp quang học của Ashkin giữ chặt các hạt, nguyên tử và phân tử bằng ngón tay laser. Thiết bị có thể kiểm tra và điều khiển virus, vi khuẩn và tế bào sống khác mà không gây tổn thương, tạo cơ hội quan sát và kiểm soát các tổ chức sống.

Hai nhà vật lý Gérard Mourou và Donna Strickland được nhận nửa giải thưởng còn lại cho phương pháp tạo ra những xung quang học siêu ngắn với cường độ mạnh. Kỹ thuật này có tên Khuếch đại xung laser cực ngắn hay CPA. Chùm laser sắc bén có thể cắt hoặc khoan lỗ qua nhiều vật liệu khác nhau với độ chính xác cực cao, ngay cả với vật chất sống. Kỹ thuật giúp thực hiện những ca phẫu thuật mắt cho hàng triệu người mỗi năm. 

Trước công trình tiên phong của tiến sĩ Strickland và tiến sĩ Mourou, năng lượng đỉnh của xung laser bị hạn chế. Khi đi kèm với cường độ cao, chúng sẽ phá hủy vật liệu dùng để khuếch đại năng lượng. Để khắc phục nhược điểm này, đầu tiên nhóm nghiên cứu kéo giãn xung laser để giảm năng lượng đỉnh của chúng, sau đó khuếch đại và cuối cùng nén chặt chúng. Khi xung laser được nén lại kịp thời và trở nên ngắn hơn, ánh sáng bị dồn lại nhiều hơn vào một không gian nhỏ. Quá trình này làm tăng đáng kể cường độ của xung laser.

Donna Strickland sinh ra ở Guelph năm 1959. Nhận bằng kỹ sư tại ĐH McMaster ở Hamilton vào năm 1981, bà bắt đầu tham gia nghiên cứu công trình mang lại giải Nobel năm nay từ năm 1985 khi còn là nghiên cứu sinh làm việc cùng tiến sĩ Mourou ở ĐH Rochester, New York.

Hiện tại, tiến sĩ Strickland là giáo sư ở ĐH Waterloo (Ontario, Canada), là đứng đầu nhóm laser siêu nhanh ở ĐH Waterloo. Cùng với tiến sĩ Mourou, tiến sĩ Strickland nổi tiếng với sự phát triển một kỹ thuật được gọi là sự khuếch đại xung “chirp”, liên quan đến việc kéo dài, khuếch đại, sau đó ép các chum ánh sang laser để tăng độ mạnh của chúng.

Giải thưởng Nobel cao quý, ghi nhận công lao to lớn của những cá nhân đã đóng góp cho nhân loại, ra đời cách đây hơn 100 năm. Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình.

Giải thưởng này bắt đầu từ ý nguyện của nhà bác học, nhà sáng chế thuốc nổ đồng thời là một nhà công nghiệp kiêm doanh nhân người Thuỵ Điển - Alfred Nobel (1833-1896). Muốn dành toàn bộ thu nhập hàng năm từ khối tài sản của mình cho các công trình phục vụ lợi ích của con người, Ông đã ghi nguyện vọng đó trong chúc thư lập tại Paris năm 1895, một năm trước khi ông qua đời. Năm 1909, Quỹ Nobel được lập ra tại Stockholm dựa trên tài sản của Alfred Nobel.

TTTT tổng hợp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video