Nhà sách Việt Nam đầu tiên ở nước ngoài

13/01/2006
Một nhà sách Việt Nam đầu tiên đàng hoàng "mọc" lên tại Thụy Sĩ, "vừa kinh doanh sách, vừa phục vụ nhu cầu giải trí và nhân tiện, tiếp thị cho văn hóa Việt Nam".

Tổng giám đốc Tổng công ty sách Việt Nam Trần Tấn Ngô cho biết.

Một nhà sách Việt Nam tại nước ngoài, ở thời điểm này có phiêu lưu không, khi các "kênh" xuất khẩu sách báo của ta đều vận hành chưa mấy hiệu quả?

Chính điều đó đã kích thích tôi. Tôi đi nhiều hội chợ sách quốc tế rồi. Càng đi càng thấy xót vì so với bạn, hoạt động của mình... lèo tèo quá, từ quy mô, số lượng đến hiệu quả.

Chúng ta chưa hề có một cuộc ra mắt "đàng hoàng" cho thương hiệu sách Việt Nam và cũng chưa hề đáp ứng được nhu cầu của độc giả. Nguyên nhân, một phần do kinh phí nhưng quan trọng hơn, do thiếu một chủ trương của Nhà nước.

Tôi biết, trong điều kiện này, làm một nhà sách Việt Nam ở nước ngoài chẳng khác gì... húc đầu vào đá. Thuê một mặt bằng tốt: không tưởng! Kinh phí vận chuyển sách: quá cao (dù Nhà nước đã trợ giá tới 50%)! Nhân lực: thiếu! Chỉ còn mong Nhà nước bù lỗ, nhưng khó lắm!

Vậy đâu là cơ sở để có thể tin vào thành công của nhà sách Việt Nam tại nước ngoài?

Nêu ra chừng ấy khó khăn là để mọi người... cảm thông! Còn có khắc phục được hay không, tôi nghĩ, nếu quyết tâm thì vẫn được. Chẳng hạn, về mặt địa điểm, có thể nhờ cậy Phòng Hợp tác văn hóa quốc tế của Sứ quán Việt Nam hỗ trợ trên tinh thần chúng ta cùng quảng bá cho văn hóa Việt.

Vừa rồi, tôi đã qua Singapore, Thái Lan, Thụy Sĩ..., thử "vận động hành lang". Kết quả rất khả quan. Vậy nên, tôi quyết định trong đầu năm nay sẽ triển khai dự án. Còn vì sao lại là Thụy Sĩ ư? Bởi tôi... quen ông Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ! Sau này, tôi sẽ nhân rộng mô hình nhà sách Việt Nam ra nhiều quốc gia khác.

Một hình dung về quy mô của nhà sách Việt Nam? Cụ thể, nó sẽ được "nâng tầm" thế nào so với các "kênh" xuất khẩu sách báo khác?

Chỉ cần "bê" y nguyên mô hình nhà sách trong nước ra nước ngoài, tôi cho thế là được. Về nội dung, trước mắt, sẽ ưu tiên cho các loại sách khoa học thường thức, khoa học phổ thông, sách giáo dục về lý tưởng sống của giới trẻ, một số bệnh thông thường... hiện đang "hút" độc giả người Việt ở nước ngoài.

Song song với hình thức bán sách tại chỗ, chúng tôi cũng sẽ thực hiện bán sách qua internet, website, qua điện thoại và thư tín... Trong nhà sách sẽ bố trí những không gian thuận tiện để độc giả có thể vừa đọc sách vừa nhâm nhi cà phê.

Ngoài ra, sẽ có một sân khấu mini chuyên giới thiệu nhạc dân tộc... Một tổ hợp kinh doanh sách kiểu như vậy, tôi chưa từng thấy xuất hiện ở nước ngoài nên chắc dự án sẽ thành công!

Nhà sách Việt Nam có hướng mục tiêu đến đối tượng độc giả nước ngoài, nơi văn học Việt Nam hãy còn là "miền đất lạ"?

Có chứ ! Lâu dài, rất có thể nhà sách Việt Nam sẽ là trung gian cho các "phiên" giao dịch sách, và mua - bán bản quyền.

Nhưng hiện tại, mỗi năm, chúng ta chỉ có giỏi lắm chừng vài đầu sách song ngữ? Không bột, làm sao "gột nên hồ"?

Vậy nên, ta rất cần một chủ trương của Nhà nước về việc tổ chức in, dịch, biên soạn sách song ngữ. Khoan nói tới chuyện tương lai của nhà sách Việt Nam, trước mắt, chỉ cần các nhà xuất bản chú tâm vào mảng sách du lịch song ngữ để phát hành ngay trong nước thôi, đã rất "ăn" rồi.

Còn đương nhiên, nếu không song song phục vụ cả hai đối tượng độc giả người Việt và nước ngoài thì sự xuất hiện của một nhà sách Việt Nam tại nước ngoài là vô nghĩa!
Tiền Phong Online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video