Nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Nguyện là hoa tiêu đi cùng chồng đến cuối cuộc đời

27/07/2021
Họ từng là đôi bạn học chung một lớp rồi chàng trai lên đường vào Nam chiến đấu. Khi chiến tranh kết thúc, trở về quê hương, người con trai ấy trở thành thương binh nặng khi mất một cánh tay và mù cả 2 mắt. Thế nhưng họ đã cùng nhau vượt qua khó khăn, viết nên câu chuyện cảm động.
Ông Thụy và bà Chương sống vui tuổi già
"Muốn tạo cho anh ấy một mái ấm"

Đó là câu chuyện như cổ tích giữa đời thường của vợ chồng người lính Quân đội nhân dân Việt Nam - thương binh nặng Trần Trọng Thụy (72 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Chương (74 tuổi), ở thôn Hạ Kiều (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc, Hà Tĩnh). Chuyện họ quen nhau, yêu nhau, đến với nhau, cùng với sự hy sinh đầy xúc động đã khiến không chỉ người dân làng Hạ Kiều mà cả xã Khánh Vĩnh Yên phải thán phục, thương cảm.

Là người cùng làng, cùng xã, ngay từ nhỏ ông Trần Trọng Thụy và bà Nguyễn Thị Chương đã là đôi bạn học chung cùng lớp. Ngày đó, ông Thụy học giỏi nên được bà Chương cũng như các bạn bè cùng trang lứa quý mến. Đầu năm 1971, khi đang là học sinh lớp 9/10, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Trần Trọng Thụy viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ông tham gia chiến đấu ở chiến trường B5 (Quảng Trị), Trung đoàn E229, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Còn bà Nguyễn Thị Chương do bị khuyết tật chân nên ở lại hậu phương, trở thành cô mậu dịch viên.

"Chúng tôi học cùng nhau từ cấp 1 đến hết cấp 2. Ông Chương học rất giỏi nên chúng tôi rất cảm mến. Khi ông ấy viết đơn tình nguyện đi đánh giặc theo tiếng gọi của Tổ Quốc, lúc đó tôi mới nghĩ nhiều hơn về ông ấy. Khi đó không chỉ dừng lại ở sự quý mến giữa bạn bè với nhau nữa mà còn là sự ngưỡng mộ", bà Chương chia sẻ.

Là một người lính thuộc đơn vị công binh, ông Thụy luôn cùng đồng đội của mình đi đầu trong các trận đánh. Tháng 5/1972, khi đang cùng đồng đội ngày đêm chiến đấu ngoan cường tại khu vực huyện Gio Linh (Quảng Trị) thì đơn vị ông Thụy bị pháo địch tập kích. Nhiều đồng đội bị thương và hy sinh, riêng ông bị thương nặng, cụt bàn tay trái và hỏng cả 2 mắt.

"Tôi đã ngất đi sau trận pháo kích của địch năm đó. Khi tỉnh dậy biết mình nằm trong bệnh viện dã chiến, đôi mắt không còn nhìn thấy gì, bàn tay trái cũng chẳng còn, lúc đó tôi nghĩ cuộc đời mình đã tàn phế rồi. Nỗi đau thể xác và mặc cảm thương tật khiến tôi không dám mơ tưởng tới chuyện lập gia đình. Thời gian đó, tinh thần tôi còn xuống cấp hơn là sức khỏe. Đó cũng là một trong những lý do mãi tới năm 1976, tôi mới cắt phép về thăm nhà sau nhiều năm điều trị tại nhiều bệnh viện và đơn vị an dưỡng", Thương binh Trần Trọng Thụy cho biết.

“Cuộc sống của vợ chồng giờ có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chúng tôi cũng cố gắng yêu thương đùm bọc nhau. Tuổi già, sức yếu lại thêm vết thương cũ tái phát mỗi khi trái gió trở trời nhưng tôi luôn yên tâm vì có vợ và con gái bên cạnh. Đời lính của tôi, được chiến đấu vì nước, vì dân, được trở về và có gia đình ấm êm là mãn nguyện lắm rồi”.

- Thương binh nặng Trần Trọng Thụy, xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc, Hà Tĩnh-

Thế nhưng, trong chuyến về phép ấy ông gặp được mối lương duyên của đời mình với cô bạn học ngày nào. "Lúc nhìn ông ấy trở về như vậy, tôi thương lắm. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ hỏi thăm tình hình qua người khác chứ không trực tiếp gặp ông ấy. Rồi có người mai mối dẫn ông ấy đến nhà gặp tôi đặt vấn đề... Thiên hạ gièm pha "một mù, một què" lấy nhau thì về ôm nhau chết đói. Bố mẹ tôi không phản đối nhưng cũng lo lắng cho tôi. Tuy nhiên, tôi đã quyết định và nói với gia đình: Con muốn tạo cho anh ấy một mái ấm", bà Chương kể.

Sự hy sinh lặng thầm

Quyết định đến với ông Thụy, bà Chương đối diện muôn vàn khó khăn khi chỉ ở được cùng chồng 3 tháng, bởi ông bệnh tật nên phải trở lại đơn vị an dưỡng. Đó cũng là lúc bà biết mình mang thai đứa con đầu lòng. Với phụ nữ bình thường sinh con một mình đã vất vả, với người khuyết tật như bà thì việc đó khó khăn hơn bội phần. Tuy nhiên, bà vẫn cố gắng động viên ông đi điều trị.

Nhờ sự giúp đỡ của anh em nội ngoại, năm 1977, bà Chương đã hạ sinh thành công con gái đầu lòng. 3 năm sau, bà lại sinh con gái út khi ông về phép. Biết vợ một mình chăm sóc con vất vả, ông Thụy cố gắng xin phép về nhà thường xuyên hơn. Đến năm 1985, khi tỉnh có chủ trương đón thương binh về địa phương, ông Thụy xin về hẳn ở nhà.

Cuộc sống bình dị của bà Chương bên người chồng không lành lặn.

Dẫu khó khăn chồng chất, thế nhưng bà Chương không chút nề hà trong cuộc sống với người chồng thương binh mà luôn động viên ông phải lạc quan để sống. "Ông ấy mù lòa nhưng ông ấy có một tấm lòng nhân hậu, ấm áp. Quan trọng là dù có khó khăn đến đâu đi chăng nữa, chỉ cần vợ chồng tôi đồng lòng thì khó mấy cũng vượt qua được. Tôi nguyện là đóa hoa tiêu để cùng chồng đi đến cuối cuộc đời", bà Chương chia sẻ.

Cũng chính vì vậy mà ông Thụy cho biết, cuộc đời ông như chết đi sống lại khi gặp được người cùng cảnh ngộ, dám hy sinh tất cả để đến với con người tật nguyền như ông. Không chỉ lo toan cuộc sống cho gia đình, vợ ông còn lo cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho ông. Người phụ nữ bất hạnh với thân hình nhỏ bé ấy đối với ông Thụy không chỉ là người vợ mà còn giống như 1 người mẹ hiền.

Theo ông Thụy, vào thời điểm những năm từ 1985-2000, trong bối cảnh chung của đất nước, gia đình bà Chương cũng rất khó khăn, chế độ của chồng ít ỏi, 2 con còn nhỏ, gia đình nội ngoại đều khó khăn, không giúp được gì nhiều. Bà Chương nuôi lợn, mở quầy tạp hóa ở chợ rồi một mình xoay xở, cáng đáng để trang trải cuộc sống gia đình. Thời gian đó, ông Thụy cũng được động viên tham gia công tác xã hội với vị trí là Phó Chủ tịch Hội Người mù Can Lộc (1990-2012).

Chị Trần Thị Thêu - con gái cả của ông bà, hiện công tác tại Trường THCS Lam Kiều (xã Khánh Vĩnh Yên) - chia sẻ: "Trong chiến tranh, bố tôi là lính công binh tiên phong dẫn đường cho các đoàn quân ra trận, thì thời bình, mẹ lại làm hoa tiêu cho bố. Mẹ tôi tuy di chuyển không nhanh nhẹn nhưng rất tháo vát nên bà đã cáng đáng mọi việc trong gia đình. Bà vừa mưu sinh kiếm sống để nuôi con lại vừa phải chăm chồng ốm đau, bệnh tật thường xuyên".

Giờ đây, các con của ông bà đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và sinh cho ông bà những đứa cháu kháu khỉnh. Ngoài cô con gái đầu Trần Thị Thêu ở cùng bố mẹ, con gái thứ 2 cũng đã có gia đình ổn định ở nước ngoài. Đặc biệt, ông Thụy luôn cảm thấy tự hào khi có người con rể (chồng chị Thêu) là Thiếu tá La Văn Anh nối nghiệp lính của mình. Hiện anh đang công tác ở quần đảo Trường Sa. Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn ở tuổi xế chiều nhưng trong ngôi nhà của ông bà vẫn luôn đầy ắp tiếng cười bởi sự lạc quan và tình yêu thương.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video