Nhận thức về bình đẳng giới ở nông thôn

09/01/2014
Những năm qua, nhờ có những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng ở các địa phương, công tác bình đẳng giới, nhất là ở nông thôn vùng sâu, vùng xa có sự chuyển biến, nhận thức của người dân nhất là nam giới đã thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, từng gia đình và toàn xã hội, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước ta. Gia đình là tế bào của xã hội nên việc gắn bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ vào công tác gia đình sẽ xóa bỏ được phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội giống nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế, xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất, thiết lập quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam và nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, gia đình. Quyền bình đẳng giới hiện đã có những tiến bộ vượt bậc, nhất là khi Luật Bình đẳng giới được đưa vào đời sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, do nhiều nguyên nhân, công tác bình đẳng giới vẫn còn nhiều bất cập. Nhận thức, thái độ và hành vi mang tính định kiến giới vẫn tồn tại ngay trong cán bộ công chức. Khoảng cách giữa quy định của pháp luật về bình đẳng giới với việc thực thi còn khá lớn, nhiều cán bộ vẫn lúng túng trong việc lồng ghép giới vào các lĩnh vực đang quản lý hoặc đang thực hiện. Về mặt pháp luật thì không có phân biệt giữa nam và nữ, tuy nhiên cơ hội để thực hiện bình đẳng giới đến với phụ nữ vẫn còn hạn chế. Không ai có thể phủ nhận vai trò của phụ nữ trong gia đình, từ thiên chức làm mẹ cho đến việc nội trợ, giúp gia đình phát triển, hạnh phúc. Tuy vậy, để bảo đảm bình đẳng giới, phụ nữ không thể chỉ lo công việc nhà mà còn phải tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Sự tiến bộ trong nhận thức bình quyền, bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội hiện đại giúp phụ nữ tiến thân, làm chủ cuộc sống của mình. Cùng với sự tiến bộ của xã hội, phụ nữ ngày nay không còn là những người chỉ quanh quẩn với góc nhà, mảnh vườn. Họ có cơ hội học hành và tiến thân ngang với nam giới, có cơ hội thể hiện hết năng lực của mình. Thực tế cho thấy, trên tất cả mọi lĩnh vực, phụ nữ đều có thể tham gia, thậm chí ở một số lĩnh vực phụ nữ thực hiện tốt công việc hơn cả đàn ông.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc, chị Lường Thị Thanh là một trong hai đội viên nữ tham gia Dự án 600 tri thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch xã của huyện Mường Ảng. Đến nay đã gần 2 năm, chị Thanh đảm nhận chức vụ phó chủ tịch xã phụ trách lĩnh vực nông - lâm xã Ảng Tở. Ảng Tở là xã thuần nông, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, chị Thanh thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình thực tế để phối hợp với cán bộ khuyến nông, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Để có thể hiểu hơn được tâm tư nguyện vọng của bà con, chị Thanh gần như dành hết thời gian cho công việc nên việc nhà phần lớn do chồng chị là anh Lò Văn Lả đảm nhiệm. Dù anh cũng là cán bộ khuyến nông của xã Ảng Cang, công việc cũng khá bận nhưng anh Lả sẵn sàng dành thời gian cho vợ tham gia các công việc. Nhiều đêm anh thức trắng trông con thay vợ. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả nhưng tình cảm vợ chồng vẫn luôn nồng ấm. Anh Lò Văn Lả chia sẻ: "Tôi cũng phải thông cảm cho bà xã và chủ động làm mọi công việc, buổi sáng thường vợ phải đi làm sớm nên tôi sẽ đưa con đi học và chiều đón con về. Nếu vợ đi làm về muộn thì tôi sẽ làm việc nhà, nấu cơm đợi vợ về ăn."

Chia sẻ về bình đẳng giới cũng như bình đẳng giữa vợ chồng trong gia đình, chị Thanh cho biết: Bình đẳng là một trong những quyền cơ bản của phụ nữ, nhưng muốn được bình đẳng, phụ nữ cần phải học. Học để có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân đạo, để tự tin khẳng định mình. Chỉ có tự do, bình đẳng, phụ nữ mới thoát khỏi những rào cản mang tính định kiến của xã hội, mới có điều kiện phát huy sáng tạo của bản thân và thể hiện được tài năng, nhiệt tình cống hiến ngày càng nhiều hơn cho xã hội. Tuy nhiên, để được bình đẳng thực sự thì người vợ rất cần sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương và tôn trọng của người chồng. Vợ chồng chị Thanh là một trong gia đình tiêu biểu trong việc bình đẳng vợ chồng ở nông thôn.

Sự bình đẳng giữa vợ chồng ở một vùng nông thôn có thể xem như một biến đổi về nhận thức, để từ nhận thức dẫn đến hành động. Tuy nhiên, dù sao hai vợ chồng chị Thanh cũng là công nhân viên chức. Còn đối với những cặp vợ chồng nông dân hay các cặp vợ chồng ở vùng sâu, vùng xa, nơi vốn được xem là khó tiếp cận với cái mới thì sao. Sinh ra và lớn lên ở xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, chị Hoàng Thị Lựu, dân tộc Hoa lấy chồng là anh Quàng Văn Tâm, dân tộc Thái  ở bản Chợ. Sau hơn 20 năm chung sống, anh chị đã tạo dựng một gia đình khá giả. Ngoài bán hàng tạp hóa, anh chị còn mở một hiệu thuốc để phục vụ bà con trên địa bàn. Nhờ chịu khó làm ăn, chắt chiu, dành dụm, họ đã cùng nhau xây được một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi. Với một xã kinh tế còn khó khăn như Búng Lao, cơ ngơi nhà chị Lựu là ước mơ của bao người. Tuy nhiên, nói về cuộc sống hiện nay, điều chị vui nhất không phải là của cải, kinh tế mà là sự cảm thông giúp đỡ từ người chồng. Trong gia đình, chồng chị luôn coi vợ như bạn, đối xử bình đẳng. Anh luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ với chị việc nhà. Mọi chuyện trong gia đình vợ chồng đều bình đẳng cùng nhau bàn bạc. Nhờ thuận vợ thuận chồng, gia đình chị làm ăn khấm khá và dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống. Anh Tâm tâm sự:"Mỗi một đứa con một tính nết, vì vậy bậc làm cha làm mẹ phải theo sát và điều chỉnh kịp thời để tránh cho con những vấp ngã trong cuộc sống. Không thể khoán trắng cho người vợ và đặc biệt không thể vì con hư mà mắng vợ hay đổ trách nhiệm cho vợ."

Hội phụ nữ xã Búng Lao hiện có hơn 950 hội viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hội còn thường xuyên tổ chức xuống các chi hội triển khai, hướng dẫn các hội viên xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Chị Lường Thị Thủy - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Búng Lao, huyện Mường Ảng cho biết:"Trong thời gian vừa qua, mỗi buổi sinh hoạt chi hội đều lồng ghép bình đẳng giới cho hội viên. Tháng vừa rồi hội còn phối hợp với trung tâm học tập cộng đồng mở lớp tập huấn về bình đẳng giới cho chị em. Gắn với phong trào của hội, Hội phụ nữ xã Búng Lao còn thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con thật tốt."

Điều làm nên sự thay đổi nhận thức về bình đẳng vợ chồng ở nông thôn có lẽ đó chính là đời sống kinh tế hiện nay đã khá hơn, người dân được tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện thông tin, nên đã có sự thay đổi về nhận thức. Cùng với những tiến bộ xã hội, đặc biệt là sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các cơ hội về bình đẳng vợ chồng và hạn chế bạo hành giới ngày càng nhiều. Bình đẳng giới sẽ còn được thực hiện tốt hơn nếu công tác lãnh đạo chính quyền cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống của phụ nữ. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng của công tác quản lý nhà nước về gia đình, là cơ sở xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng và tiến bộ./.

Theo Đài truyền hình Điện Biên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video