Nhiễm HIV chưa phải là hết

19/12/2010
Bất cứ người nào khi mới biết bị nhiễm HIV cũng đều trải qua diễn biến tâm lý từ sốc, thất vọng, chán chường, đau khổ đến tuyệt vọng. Đây là giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất đối với người nhiễm HIV. Một chấn động mạnh về tâm lý lâu dài dễ phát sinh nhiều tiêu cực nếu người nhiễm HIV không biết chế ngự và làm chủ mình.

Để vượt qua giai đoạn này, người không may bị nhiễm HIV cần phải biết chấp nhận, chấp nhận một điều mà mình không bao giờ mong muốn để tiếp tục sống, chiến đấu với bệnh tật chứ không phải buông xuôi, phó mặc cho đời. Dù bị nhiễm HIV với bất cứ lý do gì đi nữa thì sự chấp nhận sẽ giúp bạn nhanh chóng ổn định tinh thần. Càng qua nhanh giai đoạn này, người nhiễm HIV càng có nhiều cơ hội chăm sóc sức khỏe để tiếp tục sống.

Tiếp theo người nhiễm HIV cần tìm cho mình một địa chỉ để được hỗ trợ về mặt chuyên môn. Hiện nay ở tất cả các tỉnh, thành phố đã có trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, phòng tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt trong những năm qua, ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai các phòng khám, điều trị và tư vấn cho người nhiễm HIV của các dự án do Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ.

Đến những địa chỉ này, người nhiễm HIV sẽ được miễn phí hoàn toàn như tư vấn cụ thể về bệnh lý, cách phòng tránh lây nhiễm, chế độ ăn uống, lao động và luyện tập thích hợp. Ngoài ra, người nhiễm HIV còn được khám và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, tư vấn và theo dõi quá trình dùng thuốc kháng vi-rút (ARV), hỗ trợ các phương tiện phòng, chống lây nhiễm như bao cao su, bơm tiêm, găng tay…

Người nhiễm HIV nên tạo cho mình cuộc sống lành mạnh cả về suy nghĩ lẫn hành động và tích cực gia nhập vào nhóm của những người có HIV như: nhóm bạn giúp bạn, bạn và tôi, nhóm đồng đẳng hay bất cứ nhóm nào của những người nhiễm HIV tại địa phương. Gia nhập vào những nhóm này, người nhiễm HIV sẽ được thông tin, được hỗ trợ về mặt xã hội để tự tin hơn trong quá trình hòa nhập cộng đồng.

Người nhiễm HIV cần tìm cho mình một công việc phù hợp, không làm các việc thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nhiều tác nhân gây bệnh như các công việc tiếp xúc với rác, chất thải, nước bẩn, bụi hoặc trong môi trường bị ô nhiễm. Cũng không nên làm các công việc có tiếp xúc với dịch cơ thể hoặc máu của người khác như bác sĩ, thợ cắt tóc… để đề phòng lây nhiễm HIV cho người khác. Đồng thời, người HIV nên tìm cho mình một chế độ tập luyện thích hợp, chơi những môn thể thao nhẹ nhàng đòi hỏi sự khéo léo hơn là thể lực.

Một điều rất quan trọng là người nhiễm HIV phải vệ sinh cơ thể hằng ngày để phòng các bệnh ngoài da, có một chế độ ăn uống thích hợp, đủ chất. Người nhiễm HIV hằng ngày cần có lượng protein và năng lượng nhiều hơn người bình thường để chống lại vi-rút.

Tuy nhiên, người có HIV lại dễ bị ngộ độc thức ăn và nhiễm bệnh qua đường tiêu hóa, do đó cần ăn gấp đôi người bình thường, thức ăn phải bảo đảm vệ sinh và nhiều dinh dưỡng, tránh dùng các chất gây nghiện, kích thích như: cà phê, rượu, bia, thuốc lá…

Người nhiễm HIV cần ăn ít nhất 6 lần mỗi ngày, nếu không có điều kiện tổ chức ăn thường xuyên thì ngoài bữa ăn chính trong ngày, các bữa khác có thể ăn kẹo, bánh, trái cây hoặc thức ăn nhẹ.

Người có HIV cần biết các quyền cơ bản của mình như không bị phân biệt đối xử, quyền được khám và chữa bệnh, có việc làm, tự do cư trú, đi lại, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Đó là cơ sở pháp lý cho người có HIV trong quá trình tìm việc làm, lao động và sinh hoạt. Một công việc, chế độ ăn uống thích hợp và luyện tập hợp lý sẽ giúp cho người có HIV có một tinh thần lạc quan, sức khỏe tốt để hạn chế sự phát triển của bệnh cũng như phòng ngừa các bệnh lý thông thường.

Người có HIV nên đi khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị thích hợp, không nên tự ý mua và dùng thuốc kháng vi-rút khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Một cuộc sống với tinh thần lạc quan, nghị lực mạnh mẽ, thường xuyên tập thể dục và ăn uống, làm việc thích hợp sẽ giúp người có HIV sống khỏe mạnh lâu dài./.

Theo baocamau (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video