Nhiều phụ nữ chưa biết đòi quyền

30/12/2010
Đề cập đến bất bình đẳng giới trong gia đình, nhiều người cho rằng nguyên nhân phần nhiều là do có những nam giới chưa sẵn sàng “trao quyền” cho phụ nữ. Tuy nhiên, trong thực tế còn nhiều phụ nữ chưa nhận ra đâu là “quyền” của mình.

Tôi có một cô bạn tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh. Cách đây không lâu, cô ấy thường được bạn bè lấy làm tấm gương về việc biết “điều hành” gia đình để bình đẳng giới.

Cô ấy được chồng ủng hộ và tạo điều kiện học hành, đào tạo, công việc. Cô ấy cùng chồng đứng tên trong tất cả các giấy tờ liên quan đến tài sản trong gia đình. Cô ấy luôn cùng chồng đưa ra những quyết định mang tính quan trọng trong gia đình. Thậm chí, cả những vấn đề liên quan đến việc tế nhị phòng the vợ chồng cũng luôn được hành xử dựa trên yếu tố liên quan đến sự tôn trọng và “quyền bình đẳng”...

Cuộc hôn nhân của họ diễn ra đã được gần 4 năm. Một lần đến chơi nhà người khác, cô ấy chứng kiến cảnh hai vợ chồng nhà kia vừa tiếp khách vừa ngồi trước màn hình tivi.

Khi người chồng loay hoay tìm kiếm một hồi rồi quay ra hỏi vợ: “Em ơi, cái điều khiển ở đâu”.

Vợ trả lời: “Sao em biết được”.

Chồng: “Em không biết thì còn ai biết?”...

Cô bạn tôi lên tiếng: “Chị hay xem tivi lắm à?”.

Người phụ nữ lắc đầu, cười: “Không hay xem lắm. Nhưng mọi người thường đùa mình là người có vị thế cao nhất trong nhà. Mình luôn được dành quyền cầm cái điều khiển tivi, không ai được can thiệp. Mình có quyền được bật xem bất kỳ kênh truyền hình nào mà mình thích”...

Chi tiết nhỏ ấy khiến cô bạn tôi giật mình. Cô ấy chợt nhớ những thời khắc ở nhà. Chồng cô mới là người luôn có quyền với cái điều khiển tivi. Có những ngày, chỉ vì chồng thích xem bóng đá, xem phim truyện Việt Nam, chồng cứ dứt khoát chuyển kênh và khiến cô phải ngậm ngùi bỏ mất chương trình mà mình rất yêu thích.

Cô ấy tự hỏi: “Mình nể, nhún nhường chồng hay là mình tự nguyện tước đi cái quyền được hưởng thụ nhu cầu giải trí của chính mình?”.

Và gần đây nhất, trong một lần lên mạng tìm kiếm thông tin, tình cờ cô bạn tôi đọc được một nghiên cứu của Viện Tâm lý học khảo sát về vấn đề liên quan đến việc ai là người chủ động xin nghỉ phép, nghỉ việc khi gia đình có việc cần giải quyết. Kết quả, so với nam giới, nhiều phụ nữ chủ động nghỉ việc để giải quyết việc gia đình hơn (44,9% so với 22,1%).

Đặc biệt, không một phụ nữ nào tham gia khảo sát lại chủ động đề nghị chồng mình làm việc này (ở nam giới chỉ số này là 8,8%). Trong khi đó 63,2% số nam giới có gia đình cho rằng họ đã bàn bạc với vợ để xem ai nên nghỉ việc, nhưng chỉ có 50% số phụ nữ lựa chọn phương án này...

Và cái kết luận đưa ra: Sự sẵn sàng chấp nhận những hi sinh, tự nguyện xin nghỉ việc như thế đã thể hiện định hướng giá trị về vai trò giới của bản thân những người phụ nữ.

Điều đó càng củng cố quan điểm phân biệt giới trong quan hệ với việc làm của phụ nữ và nam giới. Nó tạo cơ hội làm nảy sinh và phát triển tính ỷ lại ở người đàn ông. Người đàn ông thường có tâm thế “nhờ cậy” phụ nữ trong việc nhà...

Bạn tôi đọc xong, cứ ngẩn người ra vì thấy rằng “lần nào có việc nhà, mình cũng là người chủ động/tự nguyện xin nghỉ phép chứ không phải chồng”...

Có lẽ vì thế mà bây giờ, mỗi khi có ai lấy mình ra làm gương về “bình đẳng giới” trong gia đình, cô bạn tôi đã nhún nhường hơn và bảo: “Thôi, đừng nói như vậy nữa. Mình còn phải cố gắng nhiều”.

Theo thegioidanong (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video