Nhớ nữ danh cầm Margaret Baxtresser

30/11/2005
Nghệ sĩ piano nổi tiếng nước Mỹ - bà Margaret Baxtresser đã dành gần trọn 1 năm để chuẩn bị cho chuyến đi thăm và biểu diễn ở Việt Nam.

Ngày 15 tháng 2 năm 1994, bà đến Hà Nội. Sau 1 đẽm nghỉ lấy sức, sáng hôm sau bà vào ngay phòng tập piano và tập liền 8 tiếng một ngày. Đêm 20 tháng 2, buổi biểu diễn đầu tiên của bà được tiến hành tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Khán giả đến rất đông với tình cảm dành cho một nghệ sĩ lớn, sứ giả đầu tiên của nhân dân Mỹ đến Hà Nộị sau khi lệnh cấm vận buôn bán của Hoa Kỳ đối với Vlệt Nam được dỡ bỏ.

 

Sự có mặt của nhiều cán bộ cao cấp như bà Trương Mỹ Hoa, Bí thưTrung ương Đảng, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hoàng Bích Sơn, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội; Trần Hoàn, Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin; Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cùng đông đảo văn nghệ sĩ, trí thức và các đoàn ngoại giao càng làm cho không khí buổi biểu diễn trở nên ấm cúng và trang nghiêm.

 

Thật khó tưởng tượng, một nghệ sĩ đã ở vào độ tuổi ,,cổ lai hy" mà lại còn "phong độ" đến như thế.Người xem có cảm tưởng như đang ngồi trước một nghệ sĩ trẻ có đôi bàn tay mềm mại, bơi lượn trên những phím đàn. Từ “Khúc dạo đầu” cung mi thứ của Felix Mendelssohn đến các tác phẩm số 7, số 8, số 10, số 22 và số 47 của Fréderic Chopin đã được Margaret Baxtresser thể hiện rất thành công. Đặc biệt bản nhạc Etude For the Left Hand Aloneop 9, No.2- "Bản nhạc cho bàn tay trái" của Alexander N. Skrybin đã làm khán giả hết sức ngạc nhiên và khâm phục.

 

Bài "Pháo hoa" (Firework) của Claude Debussy qua đôi tay điêu luyện của Margaret Baxtresser đã tạo nên cảm giác rộn rã, vui tươi của một ngày hội với tiếng pháo tưng bừng. Nhưng khi diễn tả ba bài giáo đầu của GeorgeGershwin thì nghệ sĩ lại thể hiện rõ nét cái vui tươi, khẳng khái, bình dị và êm ả…

Khán giả Việt Nam cũng rất thú vị khi được nghe các bài dân ca Mỹ đậm đà chất trữ tình, như "Du khách ở Arkansas - Ngôi nhà trong nông trại” và “Con gà lôi trong đống rơm”. Người xem cũng rất thích thú khi xem Margaret Baxtresser diễn tấu hai bản nhạc Việt Nam của nhạc sỹ Trần Hoàn - bài "Đừng quên nhau” và “Lời người ra đi". Đây là hai bản nhạc Margaret Baxtresser tự chọn, tự phối âm và tự biểu diễn. Qua tiếng đàn piano tuyệt vời, bà đã thể hiện sự đồng điệu của hai tâm hồn nghệ sĩ Mỹ và Việt Nam, tuy họ chưa một lần gặp nhau, chưa hề quen biết nhau. Nhạc sĩ Trần Hoàn cho biết, tài nghệ của Margaret Baxtresser đã làm cho tác phẩm của ông hay hơn. Ông đã xúc động đến ứa nước mắt khi ngồi xem nữ nghệ sỹ Mỹ biểu diễn bằng tất cả trái tim mình. Còn bà Trương Mỹ Hoa thì nói: Qua tiếng đàn của Margaret Baxtresser diễn tả bài "Lời người ra đi" khiến tôi sống lại những kỷ niệm sôi nổi của tuổi trẻ, lúc đó, chúng tôi luôn hát bài này, vì nó có sức cổ vũ tinh thần tuổi thanh niên trong cuộc chiến đấu giành tự do, độc lập cho dân tộc.

 

Trong phần hai của chương trình, nghệ sĩ Margaret Baxtresser đã phối hợp với các nghệ sĩ Việt Nam: Ngô Văn Thành- violon, Nguyễn Anh Tuấn - violon và Nguyễn Ngọc Hiền - cello, diễn tấu những tác phẩm của Ludwig van Beethoven: Quarter in Eb ma-jor, Op 16/tứ tấu khúc, cung mi trường, grave, Allegro ma non/troppo/trang trọng, vui tươi, vừa phải, Andamte Cautabile/bình điệu ca, Allegro ma non troppo vui tươi, vừa phải.

 

Những ông hoàng, bà chúa của âm nhạc dưới những bàn tay tài hoa, điêu luyện của người nghệ sĩ lão thành của nhân dân Mỹ và những nghệ sĩ trẻ Việt Nam không những đã thể hiện rõ tinh thần những kiệt tác của nhạc sĩ thiên tài Beethoven mà còn tạo nên bức tranh tuyệt mỹ về tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Mỹ.

 

Chúng tôi được biết, không phải ngẫu nhiên mà nữ danh cầm Margaret Baxtresser là nghệ sĩ Mỹ đầu tiên đến biểu diễn ở Việt Nam. Đã nhiều thập kỷ qua, bà dày công sưu tập những tư liệu, những bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp để trưng bày trong gia đình mình. Bà cũng là người đứng ra thành lập Quỹ tài trợ những tài năng âm nhạc Việt Nam. Bà đã tự tay mình đóng thùng và gửi tặng Nhạc viện Việt Nam nhiều tài liệu âm nhạc quý, góp phần đào tạo tài năng âm nhạc Việt Nam. Ở Mỹ, bà kết bạn với các nhạc sĩ Nguyễn Thuyết Phong, Tôn Nữ ThanhTuyền..., luôn trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp và nghiên cứu sâu về âm nhạc Việt Nam. Điều đó giải thích vì sao bà thể hiện rất thành công những nhạc phẩm Việt Nam. Thật hiếm thấy cuộc biểu diễn âm nhạc nào lại diễn ra trong không khí trang nghiêm, thân tình và nồng nhiệt như đêm diễn của Margaret Baxtresser tại Hà Nội. Hàng chục bó hoa tươi thắm được trao tặng bà từ tay các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, Giám đốc nhạc viện.

 

Đặc biệt, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đã trao tặng bà một quả bưởi lấy từ quê hương Bác Hồ. Hôm chia tay trở về Mỹ, bà Margaret Baxtresser đã bổ quả bưởi này ra mời các nghệ sỹ Việt Nam cùng ăn nhưng bà giữ lại tất cả hạt dẻ mang về ươm trên đất Mỹ. Với tấm lòng yêu quý Việt Nam, bà đã không quên may 1 bộ áo dài thật đẹp để mặc trong những buổi trình diễn ở Mỹ. Bà nói: Sắp tới đây tôi sẽ biểu diễn nhiều bản nhạc Việt Nam nên phải mặc áo dài để cho khán giả Mỹ hiểu tâm hồn Việt Nam đẹp biết nhường nào...

 

Tuy là một nghệ sĩ nổi tiếng, là khách mời của Bộ Văn hoá – Thông tin Việt Nam, nhưng Margaret Baxtresser xin được tự đài thọ toàn bộ chi phí của chuyến đi thăm và biểu diễn vì bà biết rằng Việt Nam còn nghèo lắm. Đến thăm Viện sân khấu Việt Nam, thấy ở đây có nhiều tư liệu quý nhưng việc bảo quản quá so sài, bà tặng Viện 200 USD để mua máy hút ẩm. Bà còn hứa khi về Mỹ sẽ quyên góp đề mua phương tiện kỹ thuật tặng Viện sân khấu Việt Nam và sau đó đã gửi gần ngàn đô la giúp Viện chuyển những phim tư liệu về tuồng từ phim nhựa sang phim Vi deo để tiện phổ cập. Bà cũng dành thì giờ đến thăm Hội Liênhiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, tìm hiểu và nghĩ cách quyên góp ủng hộ Bảo tàng phụ nữ và Quỹ bảo trợ trẻ em nghèo.

 

Cũng chính trong dịp này, Margaret Baxtresser đã gặp em bé làm thơ Hà Phương Loan từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm Hà Nội. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Hà Phương Loan đã tặng bà Margaret Baxtresser bài thơ ngẫu hứng của em, khiến bà rất xúc động. Margaret Baxtresser đã tặng em nhiều dụng cụ học tập và làm thơ, hứa sẽ mang bài thơ của Hà Phương Loan về nước giới thiệu cho bạn bè, công chúng và giới trẻ Mỹ. Trước khi về nước, Margaret Baxtresser đã tha thiết mới Hà Phương Loan làm khách danh dự của buổi tiệc chia tay.Các chị Trương Mỹ Hoa, Trần Thị Thanh Thanh, Võ Thị Thắng đã dành tấm lòng thiện cảm của phụ nữ Việt Nam cho người phụ nữ Mỹ tài năng này.Đến thăm Tổng cục Hàng không Việt Nam, bà Margaret Baxtresser rất sung sướng vì được gặp một anh hùng quân đội nổi tiếng, nay trở thành người lãnh đạo của ngành kinh tế đặc biệt này. Bà mong rằng, đường bay Mỹ - Việt Nam sớm mở ra để nhân dân Việt Nam và Mỹ được thuận lợi hơn trong việc trao đổi văn hoá và kinh tế. Bà rất vui sướng khi Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Nhị hứa sẽ mua một chiếc piano tốt để mỗi lần đến Hà Nội sẽ mời bà biểu diễn cho cán bộ ngành Hàng không Việt Nam xem...

 

Nghệ sĩ piano Margaret Baxtresser đã trở về Mỹ, nhưng âm vang những tiếng đàn kỳ diệu của bà vẫn còn phảng phất trong ký ức của đông đảo khán giả Việt Nam. Đó là tiếng lòng, tiếng nói tâm tình và tha thiết từ một sứ giả tinh thần đầu tiên của nước Mỹ mang đến Việt Nam.

 

Tình cảm của nữ danh cầm Mỹ Margaret Baxtresser đối với Việt Nam không bao giờ nguôi ngoai. Tháng 10 năm 2004, bà đã cùng gia đình gồm con gái, em trai, em dâu đến Việt Nam và được Phó Chủ tịch nước tiếp thân mật. Cũng trong chuyến đi này, bà Margaret Baxtresser cùng gia đình đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy VHDT và Tạp chí Văn hiến Việt Nam. Margaret Baxtresser đã tự viết đơn gia nhập Trung tâm như một thành viên danh dự. Sau khi về nước, bà đã gửi tiền hỗ trợ trang bị phương tiện làm việc cuả Văn phòng Trung tâm và Toà soạn Văn hiến Việt Nam, hứa sẽ làm hết sức mình cho đến cuối đời vì sự phát triển và mối bang giao hữu nghị giữa nhân dân và hai dân tộc Việt Nam – Hoa Kỳ.

 

Nhưng những ý tưởng tốt đẹp của nữ danh cầm Margaret Baxtresser đã không được thực hiện trọn vẹn. Vì tuổi cao sức yếu, ngày 7/6/2005 bà đã qua đời tại quê nhà sau một cơn đau đột ngột. GS. TS Nguyễn Thuyết Phong từ Mỹ điện về cho biết: Bà Margaret Baxtresser thanh thản ra đi, để lại ngôi nhà mà trong đó hầu hết là trưng bày hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và một số danh nhân văn hoá Việt Nam, cùng nhiều tư liệu về nghệ thuật dân tộc Việt Nam.

 

Vô cùng thương tiếc nữ danh cầm Mỹ Margaret Baxtresser - một trái tim yêu Việt Nam đã ngừng đập.

 

GS. Hoàng Chương - Tạp chí Hữu Nghị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video