Nhớ về nhà Việt Nam học Vera Vaxiliêva

20/06/2006
Từ năm 1925 đến năm 1939, sinh viên Việt Nam theo học tại trường Đại học Tổng Hợp Cộng sản dành cho những người lao động phương Đông (KUTV), Viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa (NIINKP), trực thuộc KUTV và Trường Quốc Tế Lênin (MLS), tổng số lên tới 60 người.

Trực tiếp giảng dạy cho các lớp sinh viên Việt Nam thời đó có bà Vera Iakôvlepna Vaxiliêva, dạy môn công tác xây dựng Đảng và những vấn đề Đông Dương; A.L.Radumova, Dạy môn công tác Đảng – quần chúng; GS Etmôđô Pêluđo, người Italia, dạy lịch sử cận đại và lịch sử Quốc tế cộng sản. Bản thân các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam cũng tham gia giảng dạy: Nguyễn Khánh Toàn (bí danh là Minin, nghiên cứu sinh đề tài “Chiến tranh nông dân ở Đông Dương vào thế kỷ XVIII, khởi nghĩa Tây Sơn) dạy môn chính trị – kinh tế học; Nguyễn ái Quốc (bí danh là Lin, đang nghiên cứu đề tài “Cách mạng nông nghiệp ở các nước Đông Nam á) dạy về Đông Dương học...

 

Ngoài công tác giảng dạy, Vera Iakovlepna Vaxiliêva còn chịu trách nhiệm về lớp sinh viên Việt Nam tại KUTV, là trưởng phòng Đông Dương và Xiêm trong NIINKP. Bà đã đứng đầu phòng này trong suốt thời gian tồn tại.

 

Các sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên Inđônêxia, Nhật Bản, Trung Quốc, ả Rập lúc đó sống trong ký túc xá như một gia đình thân ái. Mơ ước được trở về tổ quốc, tham gia tích cực công tác cách mạng, cũng như tất cả mọi người dân Xô Viết, họ tham gia những ngày thứ bảy cộng sản chủ nghĩa, vào những ngày chủ nhật họ đi ra khỏi thành phố và lao động tại các cơ sở sản xuất phụ cùng với hàng trăm nghìn người dân Maxcơva hồ hởi trên đường phố Gorki tràn đầy hoa, khẩu hiệu biểu trưng ngày hội... Tối tối họ kéo nhau tới rạp chiếu phim “Trung ương” trên quảng trường Puskin xem các thước phim thời sự cháy bỏng về chiến trường Tây Ban Nha, vui sướng và đau khổ cùng các chiến sĩ Cộng hoà Tây Ban Nha bước vào cuộc chiến quyết tử với ôn dịch phát xít. Hàng bao lần họ trầm trồ thán phục xem đi xem lại bộ phim “Tsapaev” huyền thoại – bấy giờ vừa xuất xưởng được đem ra trình chiếu, người ta kéo nhau từng phân xưởng, nhà máy đơn vị quân đội đi xem”.

 

Là cô giáo, lại là người phụ trách Phòng Đông Dương và Xiêm, trong mọi hoạt động trên, Vera Vaxiliêva luôn luôn sát cánh cùng các sinh viên Việt Nam, để lại cảm tình trong lòng mọi người. Cùng với trách nhiệm của người Trưởng phòng, Vera Vaxiliêva còn để lại bút tích trong bản “Kế hoạch phân phối công tác năm 1937” (lưu giữ ở khu lưu trữ QTCS) với chữ ký ở những việc làm được phân công cho các cán bộ Việt Nam như Nguyễn ái Quốc (Lin), Nguyễn Khánh Toàn (Minin)...

 

Theo các hồ sơ của Nga, năm 1950, sau chiến dịch giải phóng biên giới Cao Bắc Lạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm Matxcơva để trao đổi công việc với đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô. Trong chuyến đi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có dịp gặp lại người phụ trách và là cộng sự của mình tại phân viện NIINPK những năm 1937, bà Vera Vaxiliêva đã có nguyện vọng đi sâu vào nghiên cứu để viết một công trình sâu sắc hơn về cách mạng Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Bà đã có thư gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, trình bày dự kiến này. Bà được Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời qua bức thư đề ngày 4 tháng 8 năm 1958, được cháu gái của Vera Vaxiliêva là I.M.Dorka lưu giữ, đã đồng ý cho công bố:

 

“Đồng chí Vaxiliêva thân mến,

 

Tôi đã nhận được thư và đề án cuốn sách mà đồng chí Nguyễn Khánh Toàn đã chuyển cho. Chân thành cám ơn đồng chí!

 

Tôi và các đồng chí Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh chuyến đi thăm Việt Nam của đồng chí. Tôi tin tưởng rằng, đồng chí sẽ có đóng góp lớn cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Chính tôi đã quyết định để Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa thuộc bộ Văn hoá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phụ trách việc mời đồng chí sang Việt Nam.

 

Về vấn đề cuốn sách chào mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 15 tuổi, các cán bộ khoa học Việt Nam sẽ nghiên cứu và trả lời trực tiếp đồng chí. Các đồng chí Việt Nam sẽ có vinh dự lớn được cộng tác với các nhà khoa học Xô viết và sẽ gắng sức trong công việc này.

 

Chúc các đồng chí mạnh khoẻ. Hồ Chí Minh”

 

Có thể nói, cùng với các giáo sư khác như A.A.Guber, Nôvikôv Mkhitarian, bà Vera Iakovlepna Vaxiliêva ngay từ những năm 30 giảng dạy tại NIINKP đã bắt đầu đi vào công việc nghiên cứu Việt Nam, có ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành ngành Việt Nam học ở Liên Xô như một môn khoa học độc lập. Việt Nam học ở Liên Xô từ những năm 60 trở đi đã phát triển mạnh mẽ, đáng kính nể.

 

Là một trong những nhà Việt Nam học đầu tiên ở Nga, đáng ra Vera Vaxiliêva còn có thể đống góp nhiều cho ngành Việt Nam học Liên Xô sau này với các kinh nghiệm cũng như những công trình nghiên cứu sâu sắc, được thể hiện ở các đề án như trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc đến ở trên. Tháng 4 năm 1959, lần thứ hai đến Bắc Kinh, Vera Vaxiliêva đã có kế hoạch sang Hà Nội. Cái chết đột ngột đã cắt ngang dự định của bà. Sự ra đi của Vera Vaxiliêva là một tổn thất to lớn đối với nghành khoa học giáo dục Xô viết nói chung và càng to lớn đối với ngành Việt Nam học ở Nga lúc đó, đang ở giai đoạn khởi đầu, cũng như sự phát triển tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc Nga – Việt.

 

 

Đỗ Quyên - Tạp chí Hữu Nghị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video