Những đánh giá tốt đẹp của thế giới về nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam

26/09/2005
Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước.

Hiện có tới 27,31% đại biểu nữ trong Quốc hội (cao nhất ở châu Á) và là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất thế giới; tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sỹ 33,95%, tiến sỹ 25,96%. Đây là những con số chứng minh hiệu quả của những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển. LHQ xem bình đẳng giới là góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Phụ nữ chiếm 52% lực lượng lao động ở Việt Nam. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) góp phần tạo thêm nhiều việc làm và việc làm tốt hơn cho nữ thanh niên Việt Nam thông qua dự án nâng cao nhận thức và xây dựng tài liệu đào tạo chủ yếu về những nội dung như kiến thức cơ bản về luật pháp, kỹ năng sống, vấn đề giới và phát triển doanh nghiệp. Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) hiện đang hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cho phụ nữ trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm. Theo bà Pascal Brudon, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam: “Việc tăng cường bình đẳng, công bằng giới và tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia quyết định các vấn đề sinh đẻ, tài chính và gia đình của mình sẽ cải thiện sức khoẻ và cuộc sống của phụ nữ và nam giới ở Việt Nam”. WHO giúp nữ thanh niên tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ thanh niên, cho phép họ kiểm soát việc sinh đẻ của mình. Đạt được bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở khu vực nông thôn đã tạo ra chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cao hơn, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hội nhập của ngành để thực hiện thành công những mục tiêu phát triển đã đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2001-2010. Nếu xét các chỉ số phát triển con người như tuổi thọ trung bình, tỷ lệ biết chữ và tỷ lệ nhập học dưới góc độ bình đẳng giới, Việt Nam có thể sánh vai, đôi khi vượt các nước khác trong khu vực.

 

Thực hiện bình đẳng giới và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ là một trong tám mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã được các nước thành viên LHQ cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 9/2000. 10 năm qua, cộng đồng quốc tế đã cam kết mạnh mẽ về việc đảm bảo bình đẳng giới và nâng cao vai trò, địa vị của phụ nữ tại Hội nghị Phụ nữ Thế giới tại Bắc Kinh năm 1995, Hội nghị Bắc Kinh+5 và Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ năm 2000; Chiến lược tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam; Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ đã cụ thể hoá các mục tiêu và các chỉ tiêu về bình đẳng giới cần đạt được vào năm 2005 và 2010. Để thực hiện các cam kết về bình đẳng giới, ngày 21/1/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt “Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đến năm 2010”. Ngày 18/8/2005, T.W Hội LHPN Việt Nam đã soạn thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo lần thứ 2 Luật bình đẳng giới gồm 6 chương, 48 điều quy định về nguyên tắc về bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, gia đình; các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới, quản lý Nhà nước về công tác bình đẳng giới …Theo ông Jordan Ryan, hỗ trợ bình đẳng giới là mảng hoạt động rất triển vọng của LHQ.

 

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đại hội đồng LHQ ngày 14/9/2005, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa giới thiệu, chia sẻ với các nước kinh nghiệm để đạt được những thành tựu trong việc thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt là thành tích xoá đói, giảm nghèo đạt mục tiêu trước thời hạn 10 năm của Việt Nam. Bằng cách bảo đảm bình đẳng giới, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả hơn công cuộc XĐGN và phát triển kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích cho mọi thành viên trong xã hội. Có chính sách và tập quán tốt về bình đẳng giới nên tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật và các vấn nạn khác thấp hơn, đồng thời có khả năng khai thác đầy đủ lao động nữ phong phú và có năng suất cao. Báo cáo Phát triển Thiên niên kỷ của LHQ về Việt Nam chỉ rõ rằng tình hình chung về kinh tế - xã hội của phụ nữ đã được cải thiện đáng kể. UNDP coi bình đẳng giới là một trong những nguyên tắc chủ đạo và UNDP tại Việt Nam phấn đấu đặt các vấn đề giới vào trung tâm của tất cả các chương trình, dự án của mình, từ khâu xây dựng đến khâu kiểm điểm đánh giá, nhằm đảm bảo rằng những nhu cầu của cả phụ nữ và nam giới đều được phát hiện và đáp ứng. Trong khi Việt Nam tăng cường quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, UNDP còn phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp của LHQ (UNIDO) trong việc tăng cường năng lực của phụ nữ để họ có thể tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. UNDP còn là một thành viên tích cực của nhóm Đối tác về giới, với sự tham gia của các Bộ và các cơ quan Chính phủ như UBQGVSTBPNVN, Hội LHPN, Hội LHTN nhằm hỗ trợ toàn diện về mặt chiến lược cho việc thực hiện Kế hoach Hành động quốc gia lần thứ 2 vì sự Tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

Theo báo Phụ nữ Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video