Những đổi thay trong truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình

25/11/2015
Năm 2015, công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã có sự tập trung và hướng tới sự đổi thay rõ nét.

Chú ý hình thức truyền thông chuyển đổi hành vi

Năm 2015, tại Việt Nam, khi nói đến hoạt động truyền thông nhằm xóa bỏ BLGĐ, người ta hay nhắc đến thông điệp “Hãy hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”. Tức là trước đó, trong hầu hết các hoạt động tuyên truyền, chúng ta mới chú ý tới việc “nâng cao nhận thức”. Giờ đây, mục tiêu của truyền thông đã hướng tới một cấp độ cao hơn, đòi hỏi phải có sự thay đổi, phải “hành động”. Các hoạt động tuyên truyền đã hướng tới việc khuyến khích cộng đồng phải lên tiếng, phải can thiệp, ngăn chặn khi chứng kiến bạo lực và bày tỏ thái độ không khoan dung, không chấp nhận hành vi bạo hành phụ nữ và trẻ em gái.

Theo đánh giá tổng kết “Kế hoạch hành động phòng, chống BLGĐ giai đoạn 2008-2015” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TTDL), hầu hết các địa phương đã có sự chỉ đạo, chủ động triển khai hoạt động truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi phòng, chống BLGĐ với những nội dung và hình thức phong phú, đa dạng. Nội dung truyền thông cụ thể, chọn lọc, hướng tới việc giúp cộng đồng dễ nhận diện và can thiệp như: Truyền thông giúp nhận diện hành vi BLGĐ, nguyên nhân - hậu quả của BLGĐ; truyền thông về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống BLGĐ; truyền thông về quyền lợi của người tham gia phòng, chống BLGĐ cũng như các kỹ năng can thiệp, xử lý, giáo dục người gây ra BLGĐ; truyền thông về công tác hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, tư vấn hòa giải trong phòng, chống BLGĐ…

Chú trọng truyền thông bằng “mô hình”

Trong năm, hoạt động của “Mô hình phòng, chống BLGĐ” tiếp tục được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Hoạt động của Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững với Nhóm phòng, chống BLGĐ và địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm 3 mục tiêu: phòng (hoạt động của CLB Gia đình phát triển bền vững); chống, ngăn chặn và chấm dứt, xử lý kịp thời hành vi BLGĐ (chức năng của nhóm phòng, chống BLGĐ) và hỗ trợ nạn nhân (địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, nơi tạm lánh, tư vấn, hỗ trợ điều kiện tối thiểu cho nạn nhân). Các hoạt động truyền thông của mô hình dần đi vào chiều sâu, hướng đến sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng, tạo ra sự tương tác với cộng đồng. Theo tổng kết mới nhất của Vụ Gia đình, Bộ VH, TTDL (tháng 11/2015), dựa trên chỉ số về số vụ BLGĐ hàng năm và hiệu quả của các mô hình tính chung trong phạm vi toàn quốc: địa phương nào có nhiều mô hình thường xuyên hoạt động thì số vụ BLGĐ xảy ra ít hơn so với địa phương có ít mô hình và số vụ giảm rõ rệt (Điện Biên, Sơn La, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Tiền Giang…).

Năm 2015, Hội LHPN VN cũng có nhiều hoạt động tích cực, triển khai mô hình nhằm cung cấp, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, trẻ em và các thành viên trong gia đình về phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội đã cho nhân rộng, xây dựng mới các CLB “Cha mẹ nuôi dạy con tốt”, “Người cha tốt của con”, “Khi mẹ vắng nhà”, “Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Giáo dục và đời sống”, “Nhóm cha mẹ”, “Cha là tấm gương sáng của con”, “Gia đình 4 chuẩn mực”, “Gia đình không bạo lực”… Tính đến năm 2015, Hội đã xây dựng được hơn 30 ngàn địa chỉ tin cậy, hỗ trợ được trên 8.000 trường hợp bị BLGĐ tại cộng đồng. Ngôi nhà Bình yên của TW Hội đã cung cấp dịch vụ tư vấn cho khoảng 6.000 lượt người tham vấn về BLGĐ. Theo đánh giá của Ban Gia đình – Xã hội, TW Hội LHPN VN, qua thực tiễn, nhiều mô hình đã huy động được sự tham gia tích cực của nam giới, nâng cao nhận thức và hành vi cho người dân và phụ nữ về vai trò của gia đình, phòng chống BLGĐ, các vấn đề về tội phạm và phòng chống tệ nạn xã hội…

Theo Hiền Chi, Báo PNVN (TN)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video