Những bà mẹ nuôi con một mình

20/12/2007
Ngoài những bà mẹ vì hoàn cảnh phải đơn thân nuôi con, cũng có những người phụ nữ vì lý do riêng đã chủ động quyết định chuyện “vượt biển một mình”. Dù trong trường hợp nào, đơn thân nuôi con là một sự hy sinh rất lớn và không phải ai cũng đủ bản lĩnh, nghị lực để vượt qua khó khăn, nuôi dạy con khôn lớn…

Nỗi khát khao làm mẹ!

Sự chênh lệch giới tính trong các công ty dệt may, da giày hiện nay khá lớn. Công nhân nữ luôn chiếm tỉ lệ hơn 70% số lao động. Ngoài giờ làm việc, tăng ca, hầu như công nhân không có chỗ vui chơi, giải trí, gặp gỡ kết bạn. Công nhân nữ tuổi ngoài 30 vẫn chưa lập gia đình chiếm số đông. Sợ tuổi già hiu quạnh, một số chị em tìm cách có được một đứa con bằng mọi giá.

Chịu kiếp chồng chung

Như trường hợp chị T.L, công nhân may ở KCX Linh Trung 1, tuổi khá cao nhưng vẫn còn độc thân. Những khi đi ngang qua đầu hẻm nghe tiếng anh xe ôm trêu ghẹo chị chỉ đi thẳng, không dám ngoái nhìn. Nhưng lâu ngày, chị nảy sinh tình cảm dù chị biết được anh ta đã có vợ con đề huề ở quê. Chỉ một cái gật đầu, hai người dọn về ở chung một phòng trọ, chẳng cần cưới xin, thông báo với bạn bè, họ hàng. Nhiều người biết được, hết lời khuyên can nhưng chị L. vẫn bảo vệ lý lẽ: “Mình tuổi đã lớn lại không xinh đẹp, không vốn liếng, thôi thì chịu kiếp chồng chung, kiếm một đứa con hủ hỉ tuổi già”. Tưởng đâu có “chồng”, chị L. bớt vất vả, nào ngờ chị thêm đầu tắt mặt tối. Bụng chửa vượt mặt chị vẫn phải đến công ty làm cho đến ngày sinh. Ngày con chào đời, chị vui mừng khôn xiết nhưng cũng là ngày người đàn ông trở về với vợ cũ vì chị không đi làm, không có tiền để cung phụng cho hắn. Tiền nhà, tiền ăn, tiền sữa cho con... một mình chị xoay xở. Vất vả, thiếu thốn nhưng chị vẫn rất vui vì thực hiện được ước mơ “có một đứa con”.

Là phụ nữ, ai cũng khao khát được làm mẹ, nhất là với những người có bệnh tật, ước mơ này càng cháy bỏng hơn. Bạn bè cùng lớp dù đã ra trường vẫn thường quyên góp tiền cho mẹ con T.M, một nữ sinh viên sinh con khi đang học năm cuối trường ĐH KHXH&NV TPHCM. T.M vốn có tiền sử bị bệnh động kinh, nên cô luôn lo lắng mình không thể có con. Khi gặp và yêu một doanh nhân khá giàu có, dù đang học nhưng T.M quyết định tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, cận kề ngày cưới, chú rể đã cao chạy xa bay để mặc cô dâu với cái thai đã được 3 tháng tuổi. Nỗi ám ảnh về bệnh tật và khát khao làm mẹ khiến T.M không dám tới bệnh viện, dù nhiều người khuyên cô nên phá thai để tiếp tục việc học. Trở lại lớp học với cái bụng lùm lùm, bạn bè ai cũng cứ nghĩ cô đã cưới chồng, mãi đến khi T.M gần sinh, cô mới khai thật sự việc và nhờ bạn bè giúp đỡ để đủ tiền vào viện sinh con.

Trăm bề cực khổ

Dù thời đại ngày nay, nhiều người có cách nhìn thoáng hơn về chuyện phụ nữ đơn thân có con, nhưng các bà mẹ này vẫn phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình và dư luận. Khi biết Th.L, giáo viên một trường trung cấp tại Nghệ An, có mang với một học viên thua Th.L 3 tuổi, gia đình lập tức bắt cô vào viện phá thai. Nhưng Th.L đã kiên quyết giữ lại đứa con, cô lấy của gia đình 10 triệu đồng và bỏ nhà đi vào TPHCM tìm chốn nương thân trong lúc chờ sinh con. Bố là một cán bộ cấp cao, nên chuyện Th.L có thai và bỏ nhà ra đi là một cú sốc rất lớn với ông. Ông đã tuyên bố từ bỏ Th.L và cấm gia đình liên lạc với cô. Khó mà nói hết nỗi vất vả của Th.L trong những ngày đầu đứa con chào đời, không được kiêng cữ như những bà mẹ khác, Th.L phải tự đi chợ nấu ăn, giặt giũ cho mình và cho con. Được khoảng hai tháng, những đồng tiền cuối cùng còn giữ được, cô mua một ít trái cây và bế con ngồi bán trước cổng một ngôi chợ nhỏ ở Thủ Đức.

Hầu hết những bà mẹ quyết định một mình sinh con đã xác định phải đương đầu với mọi thách thức cuộc sống, kể cả điều tiếng. Tuy nhiên, có người không chịu đựng nổi phải chuyển chỗ ở đến nơi khác hoặc về quê. Như trường hợp của cô công nhân K.H (KCN Bình Chiểu) lỡ chung sống với một anh chàng đồng hương mà chưa cưới xin. Hằng ngày, H. đi làm với cái bụng bầu bó chặt. Một số bạn bè trong công ty nghi ngờ báo lên chủ tịch CĐ. Nhưng trước mặt cán bộ CĐ, H. vẫn khăng khăng mình bị bệnh chứ không hề mang thai. Chủ tịch CĐ quyết định đưa H. đến bệnh viện khám và cái thai đã hơn 7 tháng. Mọi người khuyên H. nên bỏ nịt bụng và chuyển sang môi trường khác làm việc, không độc hại để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Và cuối cùng đứa bé chào đời hoàn toàn khỏe mạnh, bụ bẫm. Lúc này, gia đình người thanh niên nhất quyết không xem cô là dâu mà cũng không nhận cháu. Họ bắt buộc con trai phải về quê. Đau đớn, tủi nhục nhiều lúc H. nghĩ hay đem con cho một gia đình giàu có nào đó để con có được cuộc sống sung sướng, đầy đủ nhưng trái tim người mẹ không cho phép H. làm vậy. Thiếu thốn cộng thêm điều tiếng của mọi người xung quanh, cô đành ôm con về quê xin bố mẹ tha thứ.

THẠC SĨ TÂM LÝ NGUYỄN THỊ OANH, CHUYÊN VIÊN TƯ VẤN HỌC ĐƯỜNG:

Trẻ sinh ra rất dễ tủi thân, mặc cảm

Từ thẳm sâu trong suy nghĩ của người phụ nữ luôn khát khao một gia đình trọn vẹn với tiếng cười nói bi bô của con trẻ. Nếu như vì hoàn cảnh đẩy đưa hay tự mình quyết định một mình nuôi con thì người phụ nữ vẫn phải đương đầu với những thách thức rất lớn: dư luận xã hội, áp lực gia đình, công việc - tài chính và quan trọng là việc giáo dục con trẻ.

Người phụ nữ dù yêu thương con hơn chính bản thân mình cũng không thể nào đảm đương được vai trò người cha một cách trọn vẹn. Họ có thể đem đến cho con đầy đủ về mặt vật chất nhưng trong đời sống tinh thần, đứa trẻ luôn luôn khiếm khuyết. Khi lớn lên, nhìn bạn bè đồng lứa có đủ cả bố mẹ, trẻ rất dễ tủi thân và sống trong nỗi mặc cảm. Vì vậy, những đứa trẻ của những bà mẹ đơn thân thường có xu hướng sống khép kín, ngại giao tiếp. Đối với những phụ nữ nuôi con một mình mà không thể chủ động về mặt tài chính thì quả là một thách thức ghê gớm. Họ phải hy sinh rất nhiều thứ, phải vắt kiệt sức mình và đối mặt với sự túng quẫn, ốm đau... Khi bất lực trước hoàn cảnh, không lo được tương lai cho con, người phụ nữ thường quay lại dằn vặt mình...

GIÁO SƯ XÃ HỘI HỌC TƯƠNG LAI:

Nhiều thiệt thòi khi làm mẹ một mình

Trong xu hướng hiện nay, dư luận không còn quá khắt khe với quyền được làm mẹ và đơn thân nuôi con của người phụ nữ. Có nhiều vấn đề cần phải bàn khi người phụ nữ một mình nuôi con, nhưng tôi muốn đề cập đến những thiệt thòi và rắc rối mà họ thường gặp phải. Vì hoàn cảnh hay chủ động quyết định có con, họ đều chịu điều tiếng rằng “không chồng mà chửa”. Ngay từ đầu, việc một mình mang nặng đẻ đau đã là sự thiệt thòi không gì bù đắp được. Bên cạnh đó, gia đình ít ai tán thành việc con cái họ có con một mình. Cả hai mẹ con thực sự cô độc.

Chỉ với những việc rất nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, người mẹ một mình xoay xở đã quá sức, huống hồ với những trường hợp vừa phải lo kinh tế vừa phải chăm sóc con. Đây quả thực là một quyết định hệ trọng và khó khăn, không chỉ tác động đến cuộc sống của người mẹ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời đứa trẻ. Vì thế cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định một mình nuôi con.

N.Hà ghi

Báo NLĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video