Những bông hoa Champa trên đất Đồng Nai

03/03/2010
Nói rành tiếng Việt và mạnh dạn khi giao tiếp với sinh viên Việt Nam. Đó là đặc điểm của các du học sinh Lào sau 2 năm được đào tạo tại Trường đại học Lạc Hồng...

* Con đường đến với tiếng Việt

 

Đầu năm 2008, 20 du học sinh tỉnh Champasak, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã được Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa tạo điều kiện đưa sang Đồng Nai đào tạo tại Trường đại học Lạc Hồng. Đây là một trong những hoạt động của tỉnh Đồng Nai nhằm hỗ trợ tỉnh Champasak có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế cho địa phương này.

Một tiết học tiếng Việt tại Trường đại học Lạc Hồng      
  của sinh viên Lào.

Ở trong khu ký túc xá của Trường đại học Lạc Hồng, các du học sinh Lào học tập khá chăm chỉ. Phone Xay, còn được các sinh viên Việt Nam gọi là Tuấn, cho biết: "Ngày mới qua Việt Nam, em chỉ biết mấy câu tiếng Việt đơn giản. Đã có lúc em nghĩ chắc phải bỏ cuộc vì học tiếng Việt khó quá. Nhưng nhờ được giáo viên và các bạn Việt Nam rất nhiệt tình dạy tiếng Việt nên giờ em đã có thể học chung lớp, giao tiếp với các bạn sinh viên Việt Nam bằng tiếng Việt tốt hơn nhiều. Em là trưởng nhóm du học sinh Lào tại Trường đại học Lạc Hồng nên hàng tháng, thay mặt các bạn, em sang Công ty Tín Nghĩa (đơn vị hỗ trợ) báo cáo tình hình học tập, ăn ở, sinh hoạt của nhóm du học sinh Lào". Ngoài số tiền học phí, ký túc xá, mỗi tháng các du học sinh Lào còn được Công ty Tín Nghĩa hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng tiền ăn và tài liệu học tập.

 

Trong số 20 sinh viên Lào được Công ty Tín Nghĩa đưa sang Đồng Nai đào tạo lần này, có 11 sinh viên nữ. Khác với những sinh viên nam, nữ sinh viên Lào luôn nổi bật và dễ dàng nhận ra hơn cả bởi các trang phục truyền thống của mình.

 

Khi được hỏi đâu là điều khó khăn nhất khi sang Việt Nam học tập, Khamsay (khoa quản trị) cho hay:"Khó khăn lớn nhất là học tiếng Việt, vì chỉ khi nào học tốt tiếng Việt mới nghe được giảng viên giảng kiến thức chuyên ngành. Giờ đây ai cũng đã nghe, nói, viết được tiếng Việt".

 

Ông Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết:"Đây là lần đầu tiên nhà trường tiếp nhận và đào tạo du học sinh nước ngoài. Các em tiến bộ qua từng học kỳ và không có em nào bỏ cuộc phải về nước".

 

* Nối dài nhịp cầu hữu nghị Việt - Lào

 

Luôn chăm chỉ học tập, nhưng các du học sinh Lào còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa do Đoàn, Hội Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng tổ chức. Samrieng Seng Khiya Vong, sinh viên khoa quản trị, cho biết: "Mỗi khi chúng em tham gia hoạt động của Đoàn, Hội Sinh viên, các bạn sinh viên Việt Nam đều rất tò mò, hứng thú tìm hiểu về văn hóa dân tộc Lào".

 

Khamsay thì tâm sự: "Chúng em luôn tìm cơ hội để giới thiệu văn hóa Lào ngay tại Đồng Nai. Ngày Tết Bunpimay của dân tộc Lào thường diễn ra vào giữa tháng tư (dương lịch), do bận học, nên Tết Bunpimay được chúng em tổ chức ngay tại trường và mời các bạn Việt Nam cùng tới dự, nhân tiện giới thiệu một vài nét văn hóa Lào, như: phong tục té nước, thắt chỉ cổ tay, múa Lamvong...".

 

Không chỉ giới thiệu về văn hóa dân tộc Lào cho sinh viên Trường đại học Lạc Hồng, các du học sinh Lào cũng rất thích thú khi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Yoksa May tâm sự: "Chúng em đều đã thuộc bài Quốc ca của Việt Nam. Trong nhóm sinh viên nữ còn có 2 bạn biết hát và múa bài"Việt Nam quê hương tôi".

 

Ông Nguyễn Đức Phụng, Phó giám đốc tổ chức nhân sự Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa cho biết: "Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần để du học sinh Lào yên tâm học tập. Sau khi hoàn thành khóa học, các em sẽ được thực tập và được bố trí công việc ngay tại các dự án mà Công ty Tín Nghĩa đang triển khai hợp tác tại Lào". Còn TS. Trần Hành, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng thì nói: "Các du học sinh Lào học tập tại trường là nhịp cầu nối lớp trẻ của hai dân tộc Việt - Lào anh em, gieo tiếp những hạt giống mới cho tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Chúng tôi dự kiến, hè 2010 này sẽ có một đoàn sinh viên của Trường đại học Lạc Hồng sang tham gia công tác tình nguyện tại Lào...".

Theo báo Đồng Nai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video