Những “bông hoa” của các dân tộc Việt Nam

24/09/2015
Các chị là những phụ nữ dân tộc thiểu số giỏi giang, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình và có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm Thị Giôn dân tộc S’Tiêng

Chị là Thị Giôn, người dân tộc S’Tiêng, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Lồ Ô, xã Thanh An, Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Từ đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, những họa tiết hoa văn truyền thống của người S’Tiêng được chị thể hiện hài hòa, bắt mắt trên từng mét vải thổ cẩm. 2 năm liền 2012 – 2014, sản phẩm thổ cẩm của cơ sở chị được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Ngay từ khi 6 tuổi, Thị Giôn đã được làm quen với khung cửi, sợi bông, xa quay, nhuộm sợi… Đến năm 10 tuổi, cô bé Giôn đã tự tay dệt cho mình những tấm vải choàng, khăn quàng cổ, áo, váy. Với truyền thống gia đình nhiều đời làm nghề dệt thổ cẩm, lại có đam mê chịu khó học hỏi từ nhỏ, nên chị không chỉ biết dệt thổ cẩm thông thường như áo cộc tay, váy ngắn, váy dài, khố mà còn dệt được những sản phẩm thị trường hiện nay ưa chuộng như: Túi xách, ví, tranh treo tường, tấm rèm…

Hơn 35 năm gắn bó với nghề, chị luôn tâm niệm rằng phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong các ấp, sóc, buôn làng. “Để thực hiện được điều đó, tôi đã vận động từng chị em trong ấp giữ lại nghề. Mặt khác, tôi tự nguyện mở các lớp truyền dạy nghề miễn phí, vận động chị em phụ nữ trẻ người S’Tiêng theo học để bảo tồn một trong những di sản văn hóa vật thể độc đáo trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương”, chị Giôn chia sẻ.

Chị đã mở được 2 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho 62 chị em nữ; mở cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống tại gia đình, thu hút 30 phụ nữ S’Tiêng tham gia. Những chị em không có điều kiện tham gia ở cơ sở, chị Giôn động viên, khuyến khích và hỗ trợ để chị em tham gia dệt tại nhà. Những sản phẩm của chị em làm ra đều được chị thu gom, mua lại đem đi bán, hoặc giới thiệu sản phẩm ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Năm 2010, chị mạnh dạn đứng ra xin thành lập cơ sở dệt thổ cẩm và may các loại trang phục thổ cẩm, tạo việc làm cho 23 chị em trong chi hội, đồng thời hỗ trợ cho 3 chị đi học may để nâng cao tay nghề. Chị đã chủ động liên hệ với các siêu thị, hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của cơ sở chị được bày bán tại các tỉnh: Bình Phước, Bạc Liêu, Đắk Nông, Bình Thuận.

Với vai trò là Chi hội trưởng phụ nữ ấp Lồ Ô, chị Giôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và gương mẫu chấp hành, vận động gia đình cán bộ, hội viên và quần chúng phụ nữ thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; các quy định của thôn, ấp; chấp hành tốt điều lệ và nghị quyết của hội phụ nữ. Bên cạnh đó, chị còn gần gũi, sẻ chia, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em để kịp thời động viên, giúp đỡ chị em phát triển kinh tế gia đình, yên tâm sinh hoạt hội.

Với những cố gắng, nỗ lực của bản thân, năm 2012 chị được UBND tỉnh công nhận là nghệ nhân dệt thổ cẩm; năm 2015 chị được Hội LHPN tỉnh giới thiệu là đại biểu điển hình của phụ nữ tỉnh tham gia Đại hội thi đua yêu nước Hội LHPN toàn quốc lần thứ ba

 

Bông hoa Bản Lác

Chị là Vì Thị Mai, dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu) - khu du lịch sinh thái văn hóa nổi tiếng tỉnh Hòa Bình.

Bằng việc giữ gìn, phát triển nếp nhà sàn, các phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào người Thái Mai Châu, dịch vụ du lịch nghỉ ngơi và ăn uống của gia đình chị đã góp phần phát triển du lịch cộng đồng Bản Lác. Du khách đến với dịch vụ nghỉ dưỡng của gia đình chị ngày càng đông không chỉ bởi sự nhiệt tình, thân thiện, thái độ phục vụ mà còn từ ấn tượng tốt đẹp về ẩm thực và các nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà dịch vụ của gia đình chị mang tới.

 Ảnh minh họa

Chị Mai đang giới thiệu nét đẹp truyền thống dân tộc với khách

Làm tốt dịch vụ nghỉ dưỡng không chỉ nâng cao thu nhập gia đình, chị Vì Thị Mai còn đã tạo việc làm cho 4 hội viên trong Bản có việc làm ổn định với thu nhập ổn định hàng tháng trên 3.000.000đ/ tháng và góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế tại địa phương.

Chị và gia đình cũng làm tốt công tác tương thân, tương ái. Hàng năm, vào các dịp lễ tết, chị đều dành những món quà tết để động viên, thăm hỏi và chia sẻ với các gia đình khó khăn. Tích cực ủng hộ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhân đạo, từ thiện với số tiền trị giá hàng chục triệu đồng. Chị Mai đã phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đông Dương (Indochina, Travelland) giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm và bể nước, và một số đồ gia dụng khác. Nhiệt tình hưởng ứng và tham gia tích cực các hoạt động của Hội phụ nữ.

Chị Vì Thị Mai là một trong những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Hoà Bình, được Hội LHPN tỉnh Hòa Bình biểu dương tại Hội nghị biểu dương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.

Theo binhphuoc.gov; Hội phụ nữ Hoà Bình

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video