Những “bông hoa” tham dự Đại hội phụ nữ toàn quốc

14/03/2012
Tích cực học tập, lao động sáng tạo, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào phụ nữ Việt Nam, đó là thành tích mà đại hội đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc mang đến Đại hội

* Nữ chủ trang trại “ngược đời”

Ảnh minh họa
Đó là chị Cấn Thị Thìn, hội viên Chi hội 3, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Quê gốc ở Hà Tây (cũ) nhưng sau khi lấy chồng, chị theo chồng lên Phú Thọ làm công nhân lâm nghiệp. Nhưng do sức khỏe yếu chị về nghỉ hưu sớm trong khi cuộc sống khó khăn, 3 con trai đang tuổi ăn, tuổi lớn, tiền học hành tốn kém. Quyết chí lập nghiệp, xây dựng kinh tế cho con ăn học đến nơi đến chốn, năm 1993, với số tiền 50 triệu bán nhà, 2 vợ chồng chị vào núi mua trang trại trồng cây, nuôi lợn. Thời điểm đó ai cũng bảo chị “hâm”, “ngược đời”, nhiều người ái ngại cho hoàn cảnh của chị.

Khó có thể kể hết những vất vả, nhọc nhằn, khó khăn mà gia đình chị đã trải qua. Để cải tạo đất và phủ xanh đất trống, chị trồng cây ăn quả, cây keo, dùng phương thức lấy ngắn nuôi dài. Nuôi lợn để lấy phân ủ bón cho cây, cho đất. Sau đó, được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị đã được vay thêm tiền để mở rộng trang trại, xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp, cung cấp nguồn cây giống đang khan hiếm cho người dân trong vùng.

Với sự táo bạo và liều lĩnh nhưng có tính toán cẩn thận đó, anh chị đã làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hiện nay, gia đình chị đã có hơn 30ha trồng keo, một trang trại gồm 150 con lợn nái và 800 con lợn thịt. Trang trại của chị tạo việc làm cho cho 20 người, khi thời vụ có thể lên đến 50 người. Các con chị nay đã trưởng thành. Cả 3 con trai đều đã học xong Cao học ở nước ngoài, cậu thứ 2 còn chuẩn bị làm nghiên cứu sinh. Cả đời ít học, lam lũ vất vả, giờ đây chị đã toại nguyện mơ ước khi các con được học hành, thành đạt.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Thìn còn thường xuyên giúp đỡ 15 hộ nghèo gần trang trại bằng cách cung cấp lợn giống, giúp đỡ kỹ thuật, cho vay vốn không lấy lãi để bà con chăn nuôi thuận lợi, từng bước phát triển kinh tế. Về dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần này, chị Thìn rất vui mừng và phấn khởi, chị hy vọng rằng, các cấp hội sẽ tạo điều kiện hơn nữa để chị em được vay vốn, giúp đỡ về khoa học, kĩ thuật để có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

 

* Chị Phạm Thị Hôm (dân tộc Thổ), thôn Yên Thắng, xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

 Ảnh minh họa
Chị là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, hết mình vì con cái. Chồng chị mất sớm khi 4 con còn nhỏ dại với lời dặn lại rằng phải cố gắng cho con ăn học nên người. Cả 2 vợ chồng chị đều hiểu rằng ở vùng đất nghèo khó, nếu không học sẽ không thể nào thay đổi nổi cuộc đời, vì thế dù vất vả, khổ cực đến đâu chị cũng quyết cho con đi học. Với 6 sào ruộng cấy lúa, 6 sào chè, suốt ngày, chị không lên đồi chè thì lại xuống ruộng lúa. Ngoài ra, chị nuôi dê, làm đậu phụ để lấy bã nuôi lợn, nuôi gà. Không phụng sự kì vọng của cha mẹ, các con chị cũng ra sức học hành. Hiện nay 4 con chị đều đã học xong Đại học, đi làm ổn định. Chị tâm sự “Những người phụ nữ khác giàu có, thành đạt, còn tôi chỉ có 4 đứa con làm của đề dành và thay tôi đóng góp trí tuệ, công sức cho đất nước”. Về dự đại hội phụ nữ lần này, chị hy vọng rằng hoạt động của phụ nữ ngày càng có hiệu quả, đến đại hội lần sau số lượng phụ nữ được báo cáo biểu dương sẽ tăng lên nhiều hơn, cuộc sống sẽ tốt hơn, tiến tới ấm no, hạnh phúc.

Phạm Hồng ghi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video