Những bông hoa xứ Mường tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước

16/07/2020
Hội nghị điển hình biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 của Hội LHPN tỉnh Hòa Bình diễn ra trong không khí tươi vui, phấn khởi với 90 điển hình tập thể, cá nhân phụ nữ tiên tiến trên mọi lĩnh vực được biểu dương, tôn vinh.
Tôn vinh các tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của Hội LHPN tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015-2020

Bà Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình cho biết, 5 năm qua, phong trào thi đua của các cấp Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã trở thành việc làm thường xuyên, được triển khai sát với thực tiễn, tạo ra những chuyển biến tích cực cả về nhận thức cũng như hành động, phát huy nội lực của phụ nữ, khuyến khích chị em nỗ lực phấn đấu, vươn lên. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực với những việc làm sáng tạo, có sức lan tỏa trong cộng đồng, đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương cũng như sự phát triển của tổ chức Hội.

Điểm nhấn của Hội nghị là chương trình giao lưu với điển hình phụ nữ tiêu biểu. Các chị đã để lại những ấn tượng sâu sắc, đẹp đẽ trong lòng đại biểu tham dự Hội nghị qua những lời tâm sự, sẻ chia, những câu chuyện về cuộc sống, công việc, sự cống hiến không ngơi nghỉ và những thành quả đáng tự hào, ngưỡng mộ mà các chị đạt được.

Bà Trần Thu Thủy, UV ĐCT, Chánh Văn phòng TW Hội LHPN Việt Nam (thứ hai trái ảnh qua) tặng hoa chúc mừng Hội nghị

Cán bộ Hội Phụ nữ năng động, tận tâm

Chị Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn đã bày tỏ xúc động khi được xem clip phóng sự về những kết quả nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hòa Bình 5 năm qua. Chị Ngợi nói: “Chặng đường 5 năm rất dài nhưng cảm giác như vừa mới hôm qua và đâu đó trong phóng sự, có những hình ảnh hoạt động mang bóng dáng của tập thể, cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Lạc Sơn. Tôi cảm thấy rất tự hào!”.

Theo chị Ngợi, để xây dựng phong trào đã khó, để phát triển phong trào lại càng khó hơn. Với suy nghĩ ấy, 5 năm qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp được Hội LHPN huyện Lạc Sơn cùng người thủ lĩnh là chị đặc biệt chú trọng, triển khai mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm hướng tới các hoạt động tiếp sức cho các mô hình kinh tế của phụ nữ, hỗ trợ nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế, khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực gia đình, giúp các chị vượt qua hoàn cảnh, vươn lên thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp thành công.

Chị Ngợi (áo xanh) tham quan triển lãm ảnh về các hoạt động trong phong trào thi đua yêu  nước của các cấp Hội LHPN tỉnh Hòa Bình

Chị Ngợi phấn khởi chia sẻ, năm 2019, Hội LHPN Lạc Sơn đã xây dựng được 25 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Ý tưởng mô hình "Trồng ớt rừng Lạc Sơn” đã đoạt giải thưởng cấp Trung ương và được hỗ trợ vốn khởi nghiệp 157,9 triệu đồng. Ý tưởng Đề án "Xây dựng phát triển sản phẩm và nhãn hiệu gà đồi Hương Nhượng" đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh. Ý tưởng mô hình "Sản xuất và chế biến hạt dổi Chí Đạo” đoạt giải cấp huyện được hỗ trợ vốn 50 triệu đồng.

Hiện nay, huyện có 7 doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ; 125 mô hình các loại với 6.000 lượt thành viên tham gia, trong đó có 7 mô hình làm kinh tế giỏi thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Sản phẩm của chị em đã có thương hiệu, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, được sản xuất theo chuỗi có sự giám sát của Hội LHPN, ngành chuyên môn như: thổ cẩm, rượu cần, thịt chua, gà Lạc Sơn, hạt dổi, ớt rừng Phú Lương, thịt lợn bản địa... Đồng thời được giới thiệu rộng rãi trên thị trường, vào siêu thị, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, tham gia các hội chợ giới thiệu, tạo cơ hội kết nối, thúc đẩy giao lưu, chia sẻ, giới thiệu sản phẩm của chị em, thậm chí vươn ra cả nước ngoài. Đặc biệt, năm 2019, Hội đã tranh thủ các nguồn lực được trên 300 triệu đồng hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp.

Gần 30 năm gắn bó với công tác Hội, chị Ngợi cảm động: “Mình đã trải qua đủ những giai đoạn thuận lợi, khó khăn, tuy nhiên, lúc khó khăn nhất, mình thường nghĩ tới những hội viên, phụ nữ khó khăn hơn, luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để hỗ trợ chị em vươn lên, có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ sự hỗ trợ của Hội, nhiều chị em đã vươn lên làm giàu, trở thành nữ doanh nhân thành đạt, có cuộc sống và gia đình hạnh phúc. Đó cũng là hạnh phúc lớn nhất đối với mình”.

Chủ cơ sở bảo trợ xã hội yêu nghề truyền thống, giàu lòng nhân ái

Chị Vì Thị Thuận – Chủ cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa - hội viên chi hội phụ nữ xóm Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, người vinh dự được nhận giải thường Kova “Hạng mục sống đẹp” lần thứ 17 với sự đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng. Chị Thuận đã mang đến cho Hội nghị câu chuyện về sức mạnh của tình yêu đối với nghề truyền thống quê hương cùng một tấm lòng nhân ái.  

Chị Thuận (trái ảnh) giao lưu tại hội nghị

Chị Thuận tâm sự, vốn có tình yêu và ấp ủ truyền dạy để giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê hương; cùng với  sự thương cảm, xót xa khi tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo, chị gặp một số em gái khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, không có nghề nghiệp, việc làm. Chính từ đó, đầu năm 2006, chị đã bàn bạc với gia đình đón các em khuyết tật về cưu mang, dạy nghề dệt thổ cẩm cho các em. Những ngày đầu gây dựng, cơ sở chỉ là mái nhà tranh, vách liếp, vừa là nơi ở vừa là nơi học nghề của 11 em nữ khuyết tật đầu tiên. Đến năm 2008, khi các em đã tạo ra được nhiều sản phẩm, vừa bán tại nhà vừa tham dự các cuộc triển lãm, hội chợ, nhờ đó đã được chính quyền biết đến, tạo điều kiện cho thành lập Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa.

Hiện nay, cơ sở của chị Thuận đang có trên 40 lao động nữ dân tộc thiểu số, trong đó có 11 chị em khuyết tật, sản xuất ra hơn 20 mặt hàng lưu niệm và tiêu dùng với mẫu mã đa dạng, có thương hiệu, tem mác, logo HoaBan+. Sản phẩm của cơ sở đã có mặt tại thị trường 15 tỉnh/thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang thị trường châu Âu như Đức, Anh, Pháp, và một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Cơ sở còn mở rộng thêm dịch vụ du lịch homestay với 2 căn nhà sàn và 5 phòng khép kín, thường xuyên đón khách du lịch quốc tế và trong nước, qua đó tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho chị em với thu nhập bình quân từ 3,5 triệu – 5 triệu/người/tháng.

Giám đốc HTX quyết tâm đưa sản vật quê hương lên tầm cao mới

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, giám đốc Hợp tác xã 3T, Nông sản Cao Phong (HTX 3T farm) gây ấn tượng mạnh với đại biểu tham dự hội nghị bởi nghị lực, quyết tâm đưa sản vật quê hương lên đẳng cấp mới.

Chị Thủy cho biết, HTX 3T nông sản Cao Phong thành lập vào năm 2018. Từ 13 thành viên ban đầu, đến nay số thành viên tham gia HTX đã tăng lên 25 hộ, diện tích đất trồng cam đạt 43,9 ha.

Chị Thủy bộc bạch: Để có được sự ổn định và phát triển như ngày hôm nay, chị và ban lãnh đạo HTX cùng các thành viên đã đồng tâm hiệp lực với mục tiêu nâng chất cho sản phẩm, góp phần “nâng hạng” cho sản phẩm cam Cao Phong.

Thành viên Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong chăm sóc cam. (nguồn ảnh: baohoabinh.com.vn)

Để làm được điều đó, toàn HTX phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chỉ sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ để chăm sóc và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Cũng chính nhờ đó, năm 2018 tổng sản lượng cam của hợp tác xã đã đạt khoảng 300 tấn với doanh thu hơn 6 tỷ đồng. HTX còn kết nối với trường Đại học Bách khoa Hà Nội lắp đặt mô hình rửa, phân loại, xử lý bọc màng sinh học bảo quản sản phẩm; đồng thời dán nhãn tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, đảm bảo sự cam kết về chất lượng cũng như hình thức. Đặc biệt năm 2019, với sự quan tâm của các cấp Hội Phụ nữ, HTX có cơ hội tham gia Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai nền kinh tế xanh” năm 2019 với ý tưởng “Cam – Quà tặng cao cấp gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh”. Ý tưởng của 3T Farm đã được lựa chọn là 1 trong 35 dự án xuất sắc của cả nước và vượt qua 740 dự án để được nhận giải thưởng với tổng trị giá là 125 triệu đồng.

Chị Thủy (thứ 3 phải ảnh sang) tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến

Không chỉ sạch, đảm bảo chất lượng mà cam của HTX còn được đóng gói đẹp mắt với bao bì thân thiện với môi trường, tinh tế, sang trọng và đính kèm một câu chuyện nói về nguồn gốc lịch sử của trái cam Cao Phong, tạo sự bất ngờ, ngạc nhiên và yêu thích cho khách hàng...

Những chia sẻ rất đỗi chân thật, xúc động, câu chuyện của các chị đã phần nào chuyển tải được sự nỗ lực, đam mê, sự cống hiến và đóng góp đáng trân trọng của 90 điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu được biểu dương tại hội nghị hôm nay nói riêng, hàng nghìn phụ nữ Hòa Bình nói chung. Các chị chính là điển hình tiêu biểu của người phụ nữ trong thời đại mới, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để vượt khó vươn lên, truyền cảm hứng cho cộng đồng, góp phần tô đẹp thêm cho bức tranh thi đua yêu nước của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Hòa Bình.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương tặng hoa chúc mừng hội nghị

Các đại biểu dự hội nghị

Nữ doanh nhân tỉnh Hòa Bình với màn trình diễn Áo dài- di sản văn hóa Việt Nam 

Hiệp hội nữ doanh nhân tỉnh Hòa Bình tặng 50 bộ áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video