Những cách làm sáng tạo của Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau

28/09/2016
Với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, những mô hình của Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, chăm lo thiết thực cho đời sống của hôi viên, phụ nữ.

Thực hành tiết kiệm trong cán bộ, hội viên phụ nữ xây dựng Quỹ học bổng 20/10.

Trong những năm qua, tình trạng trẻ em bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn phải là vấn đề thực tiễn gây ra nhiều hệ lụy ở địa phương, khiến các ban, ngành, đoàn thể trăn trở, day dứt. Không có cơ hội học hành, các em sớm phải bước vào cuộc sống trong khi nhận thức còn non nớt, chưa phân biệt được đúng sai, các em dễ bị sa ngã, dính phải các tệ nạn và nghiêm trọng hơn nữa là trở thành gánh nặng của xã hội. Khi các em trưởng thành và có con cái, thế hệ sau lại tiếp tục lớn lên trong thiếu thốn và vòng luẩn quẩn của cái nghèo và thất học. Trong khi đó, một bộ phận phụ nữ và gia đình chưa có ý thức chăm lo cho việc học hành của con em, chưa quan tâm, quản lý tốt, bắt con bỏ học giữa chừng để lao động kiếm sống. Trước thực trạng đó, Hội LHPN huyện Trần Văn Thời đã thực hiện nhiều chương trình hoạt động để góp phần tiếp sức các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động, tuyên truyền cán bộ, hội viên, phụ nữ quan tâm đến việc học tập, chăm lo cho tương lai của con em mình. Để chung tay giúp sức tiếp thêm sức mạnh vật chất, tinh thần, thắp sáng niềm tin cho các em học sinh có ý chí vượt khó, học tập tốt; vận động, tuyên truyền cán bộ, hội viên, phụ nữ là những người mẹ, người chị luôn hướng về các em học sinh nghèo hiếu học, Hội đã phát độngphong trào “Thực hành tiết kiệm trong cán bộ, hội viên phụ nữ xây dựng Quỹ học bổng 20/10”. Từ năm 2013 đến nay, được chị em đồng tình hưởng ứng tiết kiệm, đã vận động tiết kiệm được 114 triệu đồng. Hằng năm vào dịp 20/10, đã tổ chức lễ trao học bổng, đã trao được 228 suất học bổng (trị giá 500 ngàn đồng/suất) cho học sinh nghèo hiếu học là con em của hội viên phụ nữ của 13 xã, thị trấn.

Hùn vàng chuộc đất, trả nợ ngân hàng giúp hội viên, phụ nữ có đất sản xuất, không còn thiếu nợ ngân hàng.

Là huyện nông thôn vùng sâu của tỉnh Cà Mau, có 11 xã, 02 thị trấn, trong đó có ba xã khó khăn và một xã đảo, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo cao. Đời sống của hội viên, phụ nữ ở các xã, thị trấn gắn liền với đất sản xuất nông nghiệp, mảnh đất,thửa ruộng được xem tư liệu sản xuất chủ yếu, là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình. Tình trạng hội viên, phụ nữ thu nhập thấp, nhiều hộ gia đình do con đông, việc làm không ổn định lâm vào hoàn cảnh túng thiếu phải cầm cố đất sản xuất để được vay vốn khá phổ biến dẫn đến không có đủ khả năng để chuộc lại đất và trả được nợ ngân hàng, phải làm thuê, mướn lại đất hoặc chạy vạy mọi cách để sinh sống cũng như đóng lãi. Từ tình hình trên, năm 2008, chị Nguyễn Hồng Diệu, chi hội trưởng phụ nữ ấp 8, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời đã nảy ra sáng kiến, mạnh dạn vận động hội viên, phụ nữ thành lập mô hình tổ phụ nữ “Hùn vàng chuộc đất” có 14 chị tham gia.

 Ảnh minh họa

 Chị Trần Thị Hoa hội viên ở khóm 6, thị trấn Trần Văn Thời, là thành viên tổ phụ nữ “Hùn vàng trả nợ ngân hàng” vui mừng vìtrả được nợ ngân hàng mang sổ đất về nhà


Cứ 6 tháng, sau thời điểm thu hoạch lúa, các chị trong tổ mỗi người tiết kiệm góp vào 0,5 chỉ vàng và bắt thăm cho 01 chị mượn để chuộc đất. Tổ đã xây dựng công khai quy chế hoạt động đưa ra các quy định cụ thể, rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm của mỗi thành viên hùn vàng và trách nhiệm, quyền hạn của người thừa kế khi nhận, và sử dụng vàng, các thành viên thống nhất ký tên có sự chứng kiến của chính quyền ấp, khóm. Hội viên được nhận vàng phải có người thừa kế đồng ký tên và chịu trách nhiệm; số vàng được tổ trưởng tổ phụ nữ giữ và đưa đến hộ “cầm” đất để đạt được mục đích chuộc đất. Nhận thấy mô hình có khả năng huy động được nguồn vốn lớn để đảm bảo giải quyết cho chị em là chủ hộ chuộc lại đất sản xuất và trả được nợ ngân hàng, Hội LHPN huyện Trần Văn Thời mạnh dạn triển khai nhân rộng mô hình. Hiện nay, mô hình trên được vận dụng sáng tạo thành tổ phụ nữ “Hùn lúa”, trả nợ ngân hàng, chuộc đất, cất nhà cơ bản v.v… Kết quả của mô hình đã đáp ứng được mong đợi của hội viên, phụ nữ huyện nhà, được các cấp, các ngành trong huyện và Hội LHPN tỉnh đánh giá cao sự tác động của mô hình đến công tác xóa đói, giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, góp phần đáng kể vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của huyện.

Hội LHPN huyện Tân Thời

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video