Những câu chuyện bình dị về phụ nữ làm kinh tế giỏi

29/09/2013
Hội nghị biểu dương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi giai đoạn 2003- 2013 do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức vào dịp tháng 10 sắp tới sẽ có sự tham dự của 131 cá nhân và 72 tập thể, những người phụ nữ từ mọi miền của Tổ quốc, ở mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, rất đỗi giản dị, đời thường nhưng các chị đã cùng chung tay dệt nên bức tranh đẹp đẽ về hình ảnh năng động, vượt khó, dám nghĩ, dám làm và thành công của người phụ nữ Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế thời kỳ đổi mới.

Website TW Hội LHPN Việt Nam xin gửi tới bạn đọc một số tấm gương bình dị về phụ nữ làm kinh tế giỏi được vinh danh trong hội nghị lần này.

Người phụ nữ dân tộc thiểu số dám nghĩ dám làm

Cũng như chị em phụ nữ dân tộc thiểu số sinh sống ở Xã Thanh, một xã miền núi cao biên giới, đặc biệt khó khăn thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, chị Pỉ Thiết lấy chồng, sống trong cảnh nghèo khó với những tập tục lạc hậu. Người phụ nữ ở làng quê chị bao đời nay sống cặm cụi như con o­ng, cái kiến, cam chịu với định kiến đàn bà chỉ biết sinh con, làm rẫy, phục tùng…

Chị Pỉ Thiết không muốn như vậy. Đất nước đang phát triển từng ngày, từng giờ, cuộc sống trên mọi miền của Tổ quốc không ngừng thay da, đổi thịt, cớ sao nhân dân nơi làng quê chị mãi chịu cảnh đói nghèo? Chị quyết tâm thoát khỏi mọi định kiến, đứng lên chủ động tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Gia đình chị sẵn có đất rộng, chị cùng chồng và các thành viên trong nhà bắt tay vào trồng sắn cao sản, trồng chuối, bời lời. Được chính quyền địa phương và Hội LHPN xã tạo điều kiện cho đi học các buổi tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, chị về áp dụng vào quá trình sản xuất, lao động thay cho cách làm thủ công, kinh nghiệm. Có chí, chăm chỉ, chịu khó học hỏi, tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật mới, chị Pỉ Thiết đã thành công. Hiện nay, gia đình chị đang có 7 con bò, 17 con dê, 3 con heo nái và hơn 20 con heo thịt; trồng sắn cao sản cho thu nhập trên 44 triệu đồng/vụ, 3 hecta cây tràm và bời lời, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình với tổng thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Nhận thấy ở xã có rất ít cửa hàng tạp hóa, chị em muốn mua gì thường phải đi rất xa, chịđầu tư vốn mở thêm cửa hàng kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Cửa hàng của chị mỗi năm cũng mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng… Ở một địa phương đặc biệt khó khăn như Hướng Hóa thì thu nhập của gia đình chị là rất khá giả và hiếm người làm được. Dám vượt qua định kiến, đói nghèo để đi lên và thành công trong phát triển kinh tế gia đình, chị Pỉ Thiết không chỉ nghĩ cho riêng mình. Tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, chị tích cực tuyên truyền, vận động chị em “can đảm”, “tự tin” dám thay đổi suy nghĩ, tập tục để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chị nhiệt tình mang hết khả năng, kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của bản thân ra truyền đạt lại cho chị em, hướng dẫn chị em áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt. Không chỉ vậy, chị còn cho 5 chị phụ nữ nghèo vay vốn với số tiền 30 triệu đồng, không tính lãi; hỗ trợ 4 con heo giống, 70 cây bời lời cho 6 chị để các chị có vốn liếng ban đầu làm ăn. Các chị đều đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng kinh tế gia đình khởi sắc, có điều kiện chăm lo cho con ăn học. Ai cũng trân trọng và cảm ơn sự giúp đỡ hết lòng của chị Pỉ Thiết. Chị là tấm gương sáng bình dị của một người phụ nữ dân tộc thiểu số dám nghĩ, dám làm, vươn lên thoát khỏi định kiến, đói nghèo…

Bà giám đốc giỏi giang

 Năm 2006, công ty TNHH chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú (đóng trên địa bàn xã Tân Thạnh, huyện Rạch Giá, tỉnh Bạc Liêu) ra đời với sự điều hành, quản lý của giám đốc Hồ Thị Kiểng. Thành lập trong bối cảnh nền kinh tế đất nước nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng tác động suy thoái sâu sắc của thế giới và khu vực, công ty Thiên Phú cũng phải đối mặt với bao gian nan, thử thách về giá cả đầu vào, đầu ra, thị trường không ổn định, những đòi hỏi khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm khi tham gia xuất khẩu ra thị trường ngoài nước…

Với vai trò lãnh đạo, chị Kiểng quyết tâm tìm mọi cách để đưa công ty vượt qua khó khăn và phát triển. Để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng thủy hải sản, chị đã nỗ lực nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật đổi mới về công nghệ thực phẩm vào quá trình chế biến đồng thời chỉ đạo và giám sát chặt chẽ để đảm bảo kỹ thuật nghiêm ngặt trong các khâu sản xuất, vì vậy sản phẩm của công ty Thiên Phú có chất lượng tốt, tạo được uy tín và tìm được chỗ đứng trên thị trường, đạt lợi nhuận cao. Qua 7 năm hoạt động, hiện nay, công ty có 400 lao động, trong đó số lao động nữ chiếm 60%. Đời sống của cán bộ, công nhân viên ổn định, bình quân mức lương lao động từ 5,5 - 5 triệu đồng/tháng, cán bộ quản lý 8 - 10 triệu đồng/tháng. Ngoài thị trường trong nước, công ty đã xuất khẩu ra 15 thị trường trên thế giới ổn định và tạo được uy tín với khách hàng. Lao động ở công ty chị được quan tâm, chăm lo đời sống, được tạo điều kiện học nâng cao tay nghề, đặc biệt còn được lo nhà ở tập thể ổn định để yên tâm lao động. Là một lãnh đạo nữ, chị Kiểng thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nữ công nhân; kịp thời giúp chị em tháo gỡ khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống, xây dựng được tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Không chỉ là một nữ giám đốc năng động, tài giỏi, chị Hồ Thị Kiểng còn rất tích cực phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác từ thiện, an sinh xã hội. Nhiều Mái ấm tình thương cho bà con nghèo có công lao góp sức của chị; nhiều lao động được chị tạo công ăn việc làm; nhiều gia đình khó khăn được chị tài trợ vốn để làm ăn. Đặc biệt, chị rất quan tâm, giúp đỡ bà con ở vùng sâu, vùng xa, giúp bà con làm đường bê tông; kết hợp với Hội Phụ nữ xã đi thăm, tặng quà, tặng tiền đồng bào nghèo ở các ấp, xã với số tiền chị tài trợ lên đến hàng trăm triệu đồng. Đã 8 năm qua, chị Kiểng đang nuôi 4 gia đình không còn sức lao động, mỗi gia đình 40kg gạo và 500 ngàn đồng/tháng.

 Vượt qua chính mình

Là một phụ nữ không may bị tàn tật từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Mai Hoa, phường Hà Huy Tập, TP vinh, Nghệ An không chịu để tâm lý tự ti, sự mặc cảm, buồn chán hành hạ mình. Chị tự nhủ, bản thân mình tuy tàn tật nhưng không vì thế mà an phận, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Không thể lao động nặng, chịchọn cho mình con đường kinh doanh. Thấy chị em phụ nữ luôn vất vả vì công việc bếp núc, nội trợ. Sau mỗi bữa cơm gia đình lại phải hì hụi rửa sạch cả đống bát đĩa, xoong nồi, trong khi nhiều sản phẩm nước rửa chén trên thị trường không rõ nguồn gốc hoặc chứa nhiều hóa chất có hại cho sức khỏe cũng như da tay của chị em. Từ suy nghĩ đó, chị Hoa đã chia sẻ với chồng và được anh ủng hộ, năm 2006, hai vợ chồng quyết định sản xuất nước rửa chén hương chanh Mỹ Hoa. Chị Hoa cùng chồng mua tài liệu về nghiên cứu, học tập, tìm tòi kinhnghiệm của người đi trước, lắng nghe ý kiến các hộ kinh doanh, người tiêu dùng về mong muốn của họ đối với sản phẩm nước rửa chén. Rồi anh chị tìm mua nguyên liệu sản xuất của các cơ sở có uy tín, thiết kế kiểu dáng, bao bì, làm các thủ tục đăng ký sản xuất… Sản phẩm nước rửa chén hương chanh Mỹ Hoa ra đời cùng bao hy vọng, công sức say mê nghiên cứu, tìm tòi của chị. Sản phẩm rửa rất sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, đặc biệt không làm hại da tay của chị em khi hàng ngày tiếp xúc, rửa chén bát… Tuy nhiên, với sự cạnh tranh của rất nhiều nhãn hiệu nước rửa chén lâu năm đã có trên thị trường cũng như các loại nước rửa chén không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc giá cực rẻ được chào bán tràn lan, sản phẩm của chị đã rất khó khăn khi tìm chỗ đứng trên thị trường, thậm chí còn nhận về sự nghi ngờ, ngần ngại của người tiêu dùng. Không nản chí, với quyết tâm kiên trì khẳng định thương hiệu, uy tín bằng chất lượng sản phẩm, khoảng 1 năm sau, sản phẩm nước rửa chén hương chanh Mỹ Hoa của chị đã có thị phần đáng kể ở địa bàn thành phố Vinh, sau đó lan rộng ra các huyện nông thôn, miền núi trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, xưởng sản xuất của chị Hoa sản xuất được khoảng 6000 lít nước rửa chén, trừ mọi chi phí cho lãi hàng chục triệu đồng. Người lao động ở xưởng sản xuất của anh chị đa số là các bạn sinh viên, làm việc theo ca, tranh thủ ngoài giờ học và tiền công được trả theo sản phẩm. Công việc sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển của chị Hoa không chỉ góp phần xây dựng kinh tế gia đình mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của phường Hà Huy Tập. Với những nỗ lực của bản thân, chị Hoa đã vươn lên, “tàn mà không phế”, trở thành người có ích cho xã hội. Chị vinh dự được là đại biểu của Nghệ An tham dự Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 2; được biểu dương là “Người tàn tật phấn đấu tốt”; nhiều lần nhận Giấy khen của UBND thành phố, UBND phường, Hội LHPN phường...

Vũ Hoa- TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video