Những “chị hiệu” giữ hồn cho Bài Chòi phố Hội

03/10/2018
Trong không gian lung linh đèn lồng của những đêm phố cổ, từng hồi trống Bài Chòi vang lên cùng những âm thành phát ra từ nhạc cụ dân tộc đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho khách du lịch bốn phương.

Từ một trò chơi dân gian mộc mạc, đơn giản, qua bao thăng trầm cùng năm tháng, đến nay Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để có được danh hiệu cao quý này, có một phần công sức không nhỏ của những “chị hiệu” mang lời ca, tiếng hát thổi hồn cho Bài Chòi Hội An.

Với khuôn viên gồm 9 chòi tre vây quanh một khoảng sân rộng, mỗi chòi có từ 5-7 người chơi, hội Bài Chòi là một trò chơi mở, càng đông càng vui. Trong mỗi chòi có một ống tre đựng quân bài, cờ hiệu và một chòi trung tâm cho ban nhạc gồm đờn cò và trống. Bộ bài sử dụng để chơi Bài Chòi gọi là bài trùng, có 27 cặp với những tên gọi dân dã, dễ nhớ như: Nhất trò, Nhì nghèo, Ba gà, Tam quăng, Tứ cẳng… Quân bài được in bằng giấy bìa, dán lên thẻ tre. Bộ bài được chia làm 2 phần, một nửa chia cho người chơi, một nửa đặt ở chòi cái. Mở đầu cuộc chơi, anh/chị hiệu (người cầm trịch) sẽ hô to lời thai. Anh/chị rút ngẫu nhiên một quân bài trong ống tre và ngâm nga một đoạn vè - gọi là hô thai, sao cho cuối đoạn vè lời ngâm sẽ “ứng” với quân bài rút được. Con bài người chơi nào trùng với con bài rút ra từ ống tre của chòi cái thì người ấy gõ mõ hoặc hô báo hiệu và được phát một cây cờ. Người chơi nào có 3 cờ nhanh nhất sẽ được tặng một chiếc đèn lồng Hội An để làm kỷ niệm.

Sự thành công của hội Bài Chòi có sự đóng góp quan trọng của người cầm trịch. Nếu anh hiệu Hội An mang đến những câu hát dí dỏm, hài hước thì các chị hiệu lại khiến không gian hội Bài Chòi trở nên du dương với những làn điệu dân ca mộc mạc, đằm thắm.

Các chị sống được cùng nghề, thăng trầm cùng nghề bởi ngọn lửa đam mê dân ca được nhen nhóm từ khi còn là những cô bé được theo chân những đoàn văn nghệ thôn khối phố xem hát Bài Chòi mỗi độ Tết đến xuân về. Từ đó, niềm yêu thích trở thành đam mê khi nào không hay. Các chị trở thành những chị hiệu được bà con và du khách gần xa yêu mến. Hội An ngoài đèn lồng và phố đi bộ thì nay còn có thêm không gian âm nhạc dân gian với hội Bài Chòi.

Các chị chia sẻ, không phải dễ gì thuộc lòng và ứng biến linh hoạt với từng thẻ bài. Đó là những tháng ngày ăn ngủ cùng Bài Chòi để những lời ca ăn sâu vào máu thịt. Lúc trăng thanh gió mát, khách chơi đông thì bản thân mỗi người cũng có thêm hưng phấn để diễn, đó là hạnh phúc của những anh/chị hiệu.

Chị hiệu Phùng Thị Ngọc Huệ (nghệ danh Ngọc Huệ), từ nhỏ đã mê hát ru, 19 tuổi tham gia đoàn biểu diễn nghệ thuật lưu động phục vụ nhân dân. Đến nay, đã hơn 33 năm đi theo Bài Chòi nhưng khi nói về loại hình này, nghệ nhân Ngọc Huệ vẫn tràn đầy nhiệt huyết như những ngày đầu.

Chị cho biết: “Các tác phẩm Bài Chòi phần nhiều là được sưu tầm từ Bài Chòi cổ được truyền miệng trong dân gian và không có tác giả. Bài Chòi hiện đại có thêm một số tác phẩm được sáng tác cho phù hợp”. Theo nghệ nhân Phùng Thị Ngọc Huệ, để trở thành anh hiệu, chị hiệu, ngoài việc có chất giọng tốt, khỏe, người nghệ nhân cần có “cái duyên”. Cái duyên ở đây chính là nét biểu cảm khuôn mặt, sự uyển chuyển trong các động tác hình thể… Nếu hiểu Bài Chòi chỉ có sức sống trên sân khấu phục vụ du khách và người dân hàng đêm ở Hội An sẽ là thiếu sót. Bởi từ lâu, món ăn tinh thần này đã ngấm vào máu người dân phố cổ từ các thế hệ đi trước, và truyền cho các thế hệ đi sau. Bên cạnh chị Ngọc Huệ, chị Thu Hương cũng đang làm hồ sơ công nhận là Nghệ nhân ưu tú.

Để Bài Chòi Hội An sống mãi cùng năm tháng, địa phương cũng đã quan tâm đến việc ươm mầm cho các em học sinh. Tại một khoảng sân nhỏ vuông vắn ngay chân chùa Cầu, cứ 19h30 hằng đêmlà thời gian bắt đầu một lớp học đặc biệt. Đứng lớp chính là các chị hiệu Ngọc Huệ, Thu Hương, học sinh là các cô bé, cậu bé mới chỉ học lớp 6, 7 và môn học chính là các làn điệu dân ca, các trích đoạn của các lời hát Bài Chòi. Em Võ Thị Hoàng Thơ (lớp 6/3, THCS Nguyễn Duy Hiệu) thích thú khoe: “Ngoại trừ những hôm có nhiều bài tập hoặc bận, còn lại đêm nào em cũng ra đây để cùng tập hát với các bạn và hát cho các du khách đến với Hội An nghe”.

Buổi tối bên dòng sông Hoài, dọc vườn tượng An Hội, du khách đứng đông kín các chòi để thưởng thức tung hứng những điệu hát dí dỏm của anh hiệu/chị hiệu. Bên kia sông, các “chị hiệu” cùng hơn chục học sinh đang ê a những câu hát dân ca, các lời ru, điệu hò. Phố cổ Hội An dù nắng hay mưa cũng tấp nập du khách, không ai không nán lại để lắng nghe một hội hát Bài Chòi hay một làn điệu dân ca, để quay về với nét bình yên, dân dã của tuổi thơ và lắng nghe hơi thở cuộc sống cũng như nét văn hóa phố cổ. Và các chị hiệu là người đã góp phần giữ gìn linh hồn cho Bài Chòi Hội An, cho phố cổ trăm năm.

Anh Thơ- Mẫn Vy, Hội LHPN TP Hội An, Quảng Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video