Những chiếc "ống nghĩa tình"

13/01/2010
Hầu hết các gia đình ở xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đều có bàn thờ Bác Hồ. Đặc biệt, từ tháng 2-2008 đến nay, phía dưới ảnh Bác, không ít gia đình nơi đây đã đặt thêm một ống tre. Đó là những ống đựng tiền tiết kiệm mà các chị quen gọi là "ống nghĩa tình" nhằm giúp đỡ những chị em nghèo của xã. Đây là việc làm thiết thực của phụ nữ xã hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Tiết kiệm giúp đỡ phụ nữ nghèo là một nội dung cụ thể được các cấp Hội Phụ nữ huyện Tân Kỳ lựa chọn, đăng ký thực hiện theo chủ đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2. Đến nay, 100% số đơn vị xã, thị trấn trong huyện tổ chức triển khai và thực hiện ký cam kết thực hành tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ đơn thân và phụ nữ tàn tật. Trong đó, có 266 chi hội và 100% số hội viên tham gia bằng việc làm thiết thực để hưởng ứng Cuộc vận động như: "Hũ gạo tiết kiệm", "ống tiền tiết kiệm", giúp đỡ bằng ngày công, hiện vật (gà, lợn, quần áo, chăn màn)... trong từng gia đình hội viên hoặc tại gia đình các chi hội trưởng, tổ trưởng.

Giai đoạn 2 của Cuộc vận động, tính đến hết tháng 6-2008, các cấp Hội ở huyện Tân Kỳ đã thu được: 11.278.000 đồng; 1.268 kg gạo; 174 ngày công giúp cho 65 gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 2 phụ nữ đơn thân. Các đơn vị: Tân Xuân, Nghĩa Thái, Nghĩa Hành, Tân Phú, Nghĩa Đồng, Nghĩa Phúc, thị trấn Tân Kỳ , Kỳ Tân,... là những đơn vị đã đạt kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nổi bật là xã Tân Xuân đạt 7/7 Chi hội Phụ nữ hưởng ứng Cuộc vận động với hình thức ống tiền tiết kiệm và hũ gạo tiết kiệm.

Chị em ở 6/7 chi hội ở xã Tân Xuân đã tự nguyện tiết kiệm mỗi người 100 đồng một ngày. Cứ 5 ngày một lần, số tiền 500 đến 1.000 đồng tiết kiệm từ các khoản chi tiêu hằng ngày được cho vào chiếc ống tre. Mỗi tháng, một người cũng tiết kiệm được ít nhất 3.000 đồng. Chi hội còn lại, là Chi hội Xuân Yên, hầu hết chị em là người dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên ở đây các chị chọn hình thức hũ gạo tiết kiệm. Chiếc hũ sành được đặt cạnh thùng gạo của gia đình, mỗi bữa nấu ăn, chị em bớt lại 1 nắm gạo để cho vào hũ.

Những ngày đầu triển khai cuộc vận động tiết kiệm giúp đỡ phụ nữ nghèo, không ít hội viên từ các chi hội trong xã chưa tán thành, cho rằng: "Mình cũng còn khó khăn chứ đâu chỉ những người đó". Nhưng với sự vận động thuyết phục có lý, có tình của các chi hội trưởng, tổ trưởng phụ nữ, chị em cũng hiểu ra và tự bảo nhau: "Mình khó khăn nhưng vẫn còn sức khỏe, còn lành lặn, gia đình đầy đủ, hạnh phúc". Vậy là hằng ngày, chỉ với 500 đồng hoặc 1 nắm gạo, tưởng chừng quá ít ỏi và nhỏ nhoi, nhưng, góp gió thành bão, chỉ sau một thời gian không lâu, số tiền, số gạo ấy đã được nhân lên thành tiền trăm nghìn, tiền triệu. Số tiền, gạo đó đã được chị em chuyển đến giúp đỡ những phụ nữ đặc biệt khó khăn như: bà Trần Thị Gương, 63 tuổi, vừa tàn tật, lại sống độc thân; chị Trần Thị Diên, chồng bị bệnh nặng, không còn khả năng lao động, 3 con còn nhỏ dại, đời sống cũng hết sức khó khăn và những chị em khác cũng có hoàn cảnh éo le tương tự.

Ngoài việc giúp đỡ những phụ nữ đặc biệt khó khăn, một số chi hội ở xã Tân Xuân đã sử dụng tiền tiết kiệm cho chị em vay không lấy lãi để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Chị Nguyễn Thị Vân, Chi hội trưởng Chi hội Vĩnh Đồng cho biết: Chi hội chị có 117 hội viên, trong những tháng qua, chị em đã tiết kiệm được 1.800.000 đồng. Số tiền này chị em quyết định dùng 1.000.000 đồng cho 1 chị vay không lấy lãi để mua lợn giống chăn nuôi, còn 800.000 đồng giúp đỡ những người trong thôn thật sự khó khăn.

Một số chị em khác trong thôn cũng đã bắt đầu thực hành tiết kiệm để tăng thêm tích lũy cho gia đình. Chị Đặng Thị Bình ở Chi hội Xuân Yên cũng có một ống tiền tiết kiệm. Hằng ngày, đi chợ bán được nông sản, ngoài số tiền để chi tiêu, hôm nào chị cũng cho tiền vào ống tiết kiệm, nhiều hôm chị cho đến 2.000 đồng. Với chị Xuân, bỏ tiền tiết kiệm không chỉ làm lợi cho người nghèo mà còn cho cả gia đình mình, bởi, trong số tiền đó, phần là đóng góp cho các chị em nghèo, phần là để tích cóp lấy tiền mua quần áo và cho con đi học.

Đến nay, Tân Kỳ vẫn là huyện miền núi nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn cao. ở xã Tân Xuân, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 30%, trong đó, không ít người thuộc diện đặc biệt khó khăn do neo đơn, ốm đau, tàn tật,... rất cần sự trợ giúp của cộng đồng. Vì vậy, việc Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Kỳ phát động các hình thức tiết kiệm giúp các chị em nghèo, trong đó có hình thức "Hũ gạo tiết kiệm" và "ống tiền tiết kiệm" là một sáng kiến nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời gắn kết Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với đời sống của phụ nữ ở địa phương một cách thiết thực./.

 
Theo Tạp chí cộng sản

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video