Những cô gái “tỉnh Đông” đảm đang, dũng cảm năm xưa

05/03/2015
“Yêu sao người con gái, những cô gái tỉnh Đông khéo lo toan việc nước, việc nhà…giỏi cấy cày chăm bón, giỏi tay súng dân quân…” Các thế hệ phụ nữ Hải Dương thường tự hào hát vang bài hát truyền thống “Đảm đang là gái Hải Dương” của nhạc sĩ Đức Minh. Những tấm gương như bà Mười, bà Nga, bà Kim và hàng vạn phụ nữ “Ba đảm đang” khác của mảnh đất xứ Đông đã là chất liệu quý, là những hình tượng đẹp để nhạc sĩ có cảm xúc sáng tác nên một tác phẩm âm nhạc đi vào lòng người.

Nữ đội trưởng Đội khoa hoc kỹ thuật giỏi giang

Những năm 60, Hợp tác xã Đại Xuân xã Ứng Hòe huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là đơn vị lá cờ đầu toàn miền Bắc, địa phương điển hình của cả nước về thâm canh lúa. Tháng 2 năm 1968, HTX Đại Xuân được Bác Hồ gửi thư khen. Trong thư, Bác viết: “Đại Xuân đã ra sức cải tạo đồng ruộng, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, tăng vụ, tăng mầu, đạt năng suất lúa cao và chăn nuôi giỏi…..Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các xã viên và cán bộ Đại Xuân, đã ra sức thi đua phát triển sản xuất”.

Đó là niềm vinh dự, động viên, khích lệ rất lớn đối với người dân Hải Dương, cán bộ, xã viên HTX Đại Xuân mà lúc đó đa phần là phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Mười – đội trưởng đội khoa học kỹ thuật của HTX vẫn nhớ mãi không khí thi đua lao động sản xuất của những năm tháng đó. Với tinh thần “Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với khí thế sôi nổi của phong trào “Ba đảm đang”, chị em phụ nữ đã không quản ngại khó khăn, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, thâm canh, tăng vụ, phát triển chăn nuôi, ngày làm thủy lợi, tối tập dân quân,….. Cô gái trẻ Nguyễn Thị Mười khi đó luôn đi đầu và làm nòng cốt trong việc áp dụng KHKT vào sản xuất như: nhân giống mới cho xã viên, hướng dẫn chị em cấy theo lối mới, kinh nghiệm gieo cấy lúa xuân…. Áp dụng KHKT thành công, bà Mười được mời sang các xã trong huyện và sang các huyện trong tỉnh để phổ biến kinh nghiệm gieo cấy lúa xuân. Đầu năm 1970, bà Mười cùng với bà Lư, bà Ngoãn còn được cử vào vùng tuyến lửa Vĩnh Linh hướng dẫn kỹ thuật cấy theo lối mới cho 19 xã trong thời gian 3 tháng. Bà Mười cũng đã mạnh dạn cùng chị em tự chọn, ủ và nhân giống bèo hoa dâu. Bèo hoa dâu đã được phủ kín các cánh đồng trong xã, sau đó Đại Xuân còn cung cấp giống bèo hoa dâu cho các xã trong huyện, trong tỉnh. Nhờ thả bèo, diệt được cỏ, lại giữ xốp đất, giữ ấm cho lúa, cùng với việc áp dụng KHKT năng suất lúa của Đại Xuân đã tăng từ 3-5 tấn lên “7,916 tấn/1ha” (theo thư Bác Hồ), chăn nuôi cũng được phát triển. Từ phong trào này, bà Mười đã được ngành Nông nghiệp tỉnh Hải Dương suy tôn là “Kiện tướng bèo hoa dâu”.

Trưởng thành từ HTX Đại Xuân, từ phong trào “Ba đảm đang”, là một phụ nữ giàu nghị lực, sau này, bà Mười tiếp tục thành công ở lĩnh vực chuyên môn nông nghiệp cũng như công tác lãnh đạo quản lý, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV (nhiệm kỳ 1971 – 1976), được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba và nhiều danh hiệu khác. Bà nghỉ hưu năm 2002, được sự động viên của chồng, con và sự tín nhiệm của tổ chức, hiện bà Mườitham gia công tác tại Hội Người cao tuổi tỉnh Hải Dương.

“Kiện tướng - vận động viên cấp I” cấy lúa giỏi

Năm 1971, hàng chục cặp thợ cấy giỏi trên khắp miền Bắc tụ hội về cánh đồng Con Cá thuộc làng Gạch, xã Lai Cách (nay là thị trấn Lai Cách), huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương để tham dự Hội thi cấy giỏi toàn miền. Thật vui mừng khi ngay tại cánh đồng quê hương, cặp cấy Hoàng Thị Huệ và Trần Thị Nga ở xã Lai Cách huyện Cẩm Giàng đã đạt giải Nhất: mỗi người cấyđược 3 sào 12 thước/ngày (8 tiếng) với tiêu chuẩn: nông gốc (2-3cm), 3 rảnh mạ/khóm, 45 – 50 khóm/1m2 và đúng phương pháp ngửa tay, chăng dây thẳng hàng. Với thành tích này, bà Huệ, bà Nga đã được Tổng cục Thể dục thể thao trao tặng danh hiệu “Kiện tướng – vận động viên cấp I”.

Trong phòng khách của gia đình bà Nga còn treo trang trọng tấm ảnh phóng to do các phóng viên chụp tại Hội thi. Trong ảnh, bà Huệ vác ga cấy (dụng cụ làm bằng tre dài khoảng 2m, trên mỗi ga đóng 10 cái đinh cách đều nhau 20cm để mắc dây và đó cũng là khoảng cách của hàng sông khi cấy) còn bà Nga thì cầm dây cấy (dây cấy thường làm bằng nhựa, rỗng để nổi lên mặt nước; hai người cấy từ 2 bên dồn vào giữa ruộng, ga đặt ở 2 bờ, cứ được 3 hàng thì lại chuyển dây). Cả hai bà đều đang cười rạng rỡ, nụ cười của những cô gái tuổi mười tám đôi mươi. Hiện nay, bà Nga vẫn cấy 3 sào ruộng. Con cháu đã trưởng thành, ông bà có thể an hưởng tuổi già nhưng bà bảo còn sức khỏe, vẫn muốn gắn bó với ruộng đồng. Mỗi dịp con cháu sum vầy, bà lại kể chuyện về những ngày thi cấy, về tinh thần hăng say lao động của tất cả mọi người, không nghĩ gì cho mình, tất cả cho tiền tuyến để nhanh nhanh đánh thắng giặc Mỹ.

Nữ Trung đội trưởng đội nữ dân quân được thưởng Huy hiệu Bác Hồ

Bác Đào Thị Kim là người nữ Trung đội trưởng Trung đội dân quân đánh địch 34 trận và 2 lần bắn rơi máy bay Mỹ ở tỉnh Hải Dương. Kể chuyện về Trung đội của mình bác Kim cho biết: Được thành lập vào cuối năm 1967 với 14 thành viên toàn chị em phụ nữ là người Công giáo. 11h30 phút ngày 23/2/1968, Trung đội của Bác đã bắn cháy máy bay Mỹ ở cống Bá Thủy, xã Long Xuyên, huyện Bình Giang. Chiến công này đã mang lại niềm vui, hãnh diện và sự động viên lớn lao cho các thành viên trong Trung đội. Là một đơn vị cơ động, tác chiến trên địa bàn toàn tỉnh, sau chiến công lần đó, chị em tiếp tục di chuyển sang Tứ Kỳ, Ninh Giang. Đêm 31/3/1968, Trung đội lập thêm thành tích bắn rơi máy bay A64 của Mỹ tại trận địa Ninh Giang, bên bờ sông Luộc. Những chiến công liên tiếp của một Trung đội nữ dân quân đều là người công giáo và đều còn rất trẻ (từ 16 đến 20 tuổi) đã làm nức lòng người dân Hải Dương. Trung đội được Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Hai, 5 phái đoàn của các nước Liên Xô, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia đã đến thăm và học tập kinh nghiệm của Trung đội, cả 14 thành viên của Trung đội cũng đã được Hội LHPN tỉnh Hải Dương trao tặng Huy hiệu “Ba đảm đang”, riêng bà Kim còn có vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ.

Khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom bắn phá miền Bắc (1/4/1968), bà Kim cùng đồng đội lại trở về địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp. 14 chị em đều tham gia đội kỹ thuật giống của huyện Bình Giang, bà Kim được cử phụ trách đội. Tham gia công tác Đoàn, rồi làm Bí thư xã Đoàn và 10 năm liền là Chủ tịch Hội LHPN xã Tráng Liệt, ở cương vị nào bà cũng nhiệt tình, tâm huyết. Những thành tích trong quá trình công tác và một gia đình hạnh phúc, 4 người con trai, gái là bác sĩ, giáo viên... là nguồn động viên lớn lao giúp bà luôn sống vui, sống khỏe. Mỗi năm một lần, bà Kim và các đồng đội lại họp mặt vào ngày 31/3 để ôn lại những kỷ niệm của một thời gian khổ mà hào hùng, để chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. 

Thùy Lâm, Hội LHPN tỉnh Hải Dương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video