Những con đường mang tên phụ nữ Yên Sơn

21/08/2011
Ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), những con đường do Hội LHPN các xã góp công, góp của, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đang mang lợi ích thiết thân cho mỗi gia đình và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Đề án “Bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015” thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhằm triển khai một trong bốn khâu đột phá thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV. Theo đó, tỉnh hỗ trợ hoàn toàn xi măng, cống và công vận chuyển xuống tận địa bàn; chính quyền cơ sở thôn bản, tổ xóm chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng; nhân dân đóng góp vật liệu, ngày công lao động. Là huyện có địa bàn rộng nên việc phát triển nông thôn, nhất là giao thông nông thôn có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Yên Sơn. Mặc dù, phong trào mới được thực hiện từ đầu năm 2011, nhưng tới tháng 5, toàn huyện đã hoàn thành 70km đường, vượt 10km đường so với chỉ tiêu đề ra. Yên Sơn là huyện hoàn thành nhanh nhất kế hoạch đường bê tông hóa nông thôn, với sự nỗ lực đóng góp của phụ nữ trong huyện, với hơn gần 17km. Chị Đào Thị Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Sơn cho biết: “Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 21, trong đó có việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015, Hội đã triển khai chương trình tới 100% cấp Hội cơ sở với nhiệm vụ tham gia thi công và thực hiện giám sát. Đến nay, 26/31 xã có chi Hội LHPN tham gia thực hiện có hiệu quả”.

Xã Tứ Quận là một xã nghèo, mức thu nhập bình quân 805 nghìn đồng/người/tháng, có tới 33,3% hộ nghèo, nên việc vận động sự đóng góp của người dân không dễ dàng. Ban Chấp hành Hội LHPN xã nhận thấy, hội viên phụ nữ thường là người tay hòm chìa khóa trong gia đình, nếu chị em thông suốt thì phong trào sẽ mang lại kết quả cao. Do đó, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, hội viên tham gia, đặc biệt, uỷ viên BCH Hội LHPN xã gương mẫu làm trước. Chị Vũ Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã đóng góp 20 triệu đồng làm 178 mét đường bê tông, đoạn có 15 hộ gia đình đi qua mỗi ngày. Nhờ đó, chỉ một thời gian ngắn, chị em hiểu được rằng bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, chính là để phục vụ đời sống của bản thân họ và gia đình, nên nhiệt tình hưởng ứng, vận động gia đình họ hàng cùng tham gia. Điển hình, xóm Lảm huy động được 100 triệu hoàn thành 1,2 km đường, xóm Khe Đản có tới 70% hộ nghèo cũng phấn đấu hoàn thành 400 mét trong tháng 4 kịp chào mừng ngày hội bầu cử QH và HĐND các cấp trong cả nước.

Chị Nịnh Thị Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Bằng cho biết: “Tại thôn Cây Quýt 1, Hội LHPN xã đã hoàn thành đoạn đường điểm dài 1,4km, con đường giờ mang tên phụ nữ xã Mỹ Bằng. Công việc làm đường nặng nhọc vốn là của nam giới, thế nhưng vì tương lai của trẻ em tới trường, vì lợi ích kinh tế của bà con trong xã, hàng trăm phụ nữ ở Mỹ Bằng đã tự nguyện nhận phần việc vận chuyển vật liệu, san, ủi mặt bằng. Có thể nói, với 18 km đường bê tông trong toàn xã đã hoàn thành, công sức của chị em bỏ ra chiếm tới 70%. Bởi, đàn ông trong xã đến tuổi lao động đi làm ăn xa, số ít ỏi ở nhà chỉ có thể đủ nhân lực đứng máy trộn bê tông”.

Không chỉ góp tiền, góp công sức, hội viên phụ nữ còn là những người tiên phong đứng ra vận động gia đình, dòng họ hiến đất. Đường mở ra, đi qua nhà nào, gia đình ấy vui vẻ tự nguyện hiếm đất. Nhiều gia đình đã hiến cả trăm mét đất. Nếu như trước đây, nhiều đoạn đường thôn chỉ rộng chưa đầy một mét, ngày nắng bụi bặm, ngày mưa lầy lội, đi bộ nước và bùn bẩn ngập trên mắt cá nhân, có chỗ ngang đầu gối, người đi xe đạp, xe máy chỉ có cách dắt xe, thì giờ đây, đường bê tông mở rộng hơn 3 mét, hai bên đường mỗi bên mở rộng một mét, để ô tô có thể đỗ trước cổng. Người dân đã thật sự nhận ra lợi ích của việc mở đường, không chỉ thuận tiện cho việc đi lại, mà đường mở ra tới đâu, giá trị đất đai, nhà cửa không chỉ tăng lên mà còn gắn với lợi ích phát triển kinh tế của từng nhà và cộng đồng. Có đường, hàng hóa, nông sản: ngô, sắn, chè, cây giống do bà con trồng… được đem bán “tận ngọn”... Hàng chục hộ trong huyện mua xe ô tô chuyên chở nông sản cũng như phục vụ nhu cầu đi lại của bà con, hàng trăm gia đình mua máy trộn bê tông cho chính dân làng thuê làm đường bê tông, nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng mọc lên nhanh chóng…

Thênh thang trên con đường mới, cụ Nguyễn Xuân Quý (thôn Núi Cẩy, xã Hoàng Khai) vuốt chòm râu bạc, cười mãn nguyện: “70 năm sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này, giờ mới được bước chân trên con đường làng to đẹp, khang trang ở xã, người già phấn khởi lắm, mừng vì thế hệ con cháu được sung sướng hơn, nhất là trẻ con đi tới trường được sạch đôi chân. Tôi nhất định phải sống vui, sống có ích để chứng kiến quê hương Yên Sơn ngày càng giàu đẹp ”.

Theo báo Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video