Những dấu ấn về một vùng biên cương

27/11/2020
Được sự phân công của Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình, tôi tham gia đoàn công tác đến xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa – một xã Hội LHPN tỉnh Ninh Bình nhận giúp đỡ trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.
Đoàn công tác chụp ảnh cùng hội viên, phụ nữ vùng biên Yên Khương

Từ thành phố Ninh Bình, theo quốc lộ 12B, đường mòn Hồ Chí Minh, sau khoảng hơn 3h ngồi trên xe ô tô, đoàn chúng tôi đã về đến nhà khách huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Chiều tà, nắng đã tắt, thị trấn miền sơn cước thật thanh bình. Lang Chánh tuy đã có thêm nhiều nhà hai, ba tầng, nhiều cửa hàng cửa hiệu, quần áo trẻ con, người lớn xanh đỏ đủ màu, nhưng vẫn còn giữ được dáng vẻ đáng yêu của một phố núi: Những cây đào, cây mận sà xuống mái hiên, ngõ phố thấp thoáng váy áo thổ cẩm sặc sỡ của các bà các chị, một vài lưng gùi địu măng rừng vừa hái...

Một chị cán bộ Hội Phụ nữ huyện Lang Chánh ra đón đoàn, niềm nở nói: “Hôm nay đoàn sẽ nghỉ lại ở đây, sáng mai các chị đi Yên Khương. Sẽ vất vả hơn đấy”.

Hôm sau, đoàn công tác khởi hành sớm tới Yên Khương – xã nằm ở phía tây của huyện Lang Chánh, dọc theo hai bờ sông Thao, một chi lưu của sông Âm. Đây là xã biên giới duy nhất của huyện Lang Chánh, có chiều dài đường biên là 7 km và dù xa xôi hẻo lánh nhưng cũng đã có đường ô tô đến tận trung tâm xã. Tuy nhiên,  đường lên xã, đặc biệt Đồn Biên phòng Yên Khương rất hẹp, ngoằn nghèo và xóc. Những vạt đồi nham nhở đất đá, những ổ voi, ổ gà trên đường - Vết tích của những trận sạt lở đất trong mùa mưa bão hằng năm.

Anh tài xế của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình điều khiển xe ô tô 16 chỗ căng mắt về phía trước với tốc độ rùa bò. Qua 1 chiếc cầu nhỏ, anh bảo: “Mùa mưa bão năm 2017, trên đường đi kiểm tra tình hình lũ lụt, hỗ trợ bà con, khi quay trở về đồn, bất ngờ nước lũ sông dâng cao đã cuốn trôi chiếc xe ô tô của cán bộ chiến sĩ đồn Biên Phòng Yên Khương xuống dòng sông này, khiến 2 cán bộ chiến sĩ hy sinh”. Cả đoàn chùng xuống khi nghe anh kể. Phải mất hơn 2h đồng hồ đoàn mới đến UBND xã Yên Khương và mất gần 4 tiếng để lên được Đồn Biên phòng.    

Ký kết chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tỉnh Thanh Hóa  

Những cô gái Thái trong váy áo rực rỡ cùng nắng vàng ríu rít đón chúng tôi ngay từ bậc thềm nhà hóa xã. Sau những cái bắt tay thân mật, hồ hởi, đoàn công tác được đưa đến thăm bản Giàng - nơi đây trên 98% đồng bào sinh sống là dân tộc Thái. Vui vẻ, ríu rít cùng đồng bào trên đoạn đường bê tông mới láng sạch đẹp - Công trình do Hội LHPN tỉnh Ninh Bình hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ninh Bình cùng các anh chị trong đoàn tranh thủ hỏi thăm tình hình sức khỏe, đời sống của đồng bào, đặc biệt chị em phụ nữ Thái ở Bản Giàng.

Bà con cho biết: Ngoài trồng lúa, đồng bào Yên Khương chủ yếu trồng keo, luồng, vầu. Một bộ phận chị em phụ nữ đi làm ăn xa, làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung đời sống của đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn.

Chia tay những nếp nhà sàn thấp thoáng lưng chừng đồi, những khuôn mặt hiền hậu, thật thà chất phác, những nụ cười tươi rói, các chị ở Bản Giàng bịn rịn nắm tay chúng tôi: “Các chị về, chúng em đau khổ lắm!”. “Sao lại đau khổ lắm!”, tôi bụm miệng cười hỏi nhỏ chị Lò Thị Tương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Khương. À, các chị em muốn nói: Các chị về thì họ rất buồn đấy ạ!

Đến thăm cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Yên Khương, qua trò chuyện chúng tôi được biết, Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 7 km đường biên giới, 3 mốc quốc giới tiếp giáp với nước bạn Lào; 13 thôn, bản thuộc địa bàn xã Yên Khương. Đây là một trong những địa bàn vùng xa và khó khăn nhất của huyện Lang Chánh, giao thông đi lại còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trong nhiều năm qua, để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, hầu hết các anh rất ít được về thăm gia đình. Ngoài nhiệm vụ canh gác, tuần tra bảo vệ biên giới, trấn áp tội phạm, các anh luôn nêu cao trách nhiệm chính trị, bám bản, gần dân, không ngừng thắt chặt tình cảm gắn bó máu thịt quân dân, với cấp ủy, chính quyền địa phương theo phương châm “5 cùng”: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc và cùng bảo vệ biên giới” để giúp dân nâng cao nhận thức, hành động, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trên địa bàn đóng quân...

Hội LHPN tỉnh Ninh Bình tặng sinh kế cho phụ nữ Yên Khương

Trong 3 năm "Đồng hành cùng PN biên cương", Hội LHPN tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ xã Yên Khương số tiền gần 400 triệu đồng (Bao gồm: Hỗ trợ xi măng xây dựng 130m đường bê tông và giúp 30 hộ dân sửa, láng nền nhà, xây dựng công trình vệ sinh; tặng 1 bộ máy tính, hơn 1.000 suất quà cho Phụ nữ, trẻ em nghèo, học sinh trường Tiểu học và THCS, 10 sổ tiết kiệm cho phụ nữ nghèo; phối hợp với Sở Y tế Thanh Hoá, tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc cho 700 người dân tại xã).

Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do TW Hội LHPN Việt Nam phát động là một chương trình nhân văn, ý nghĩa, giúp cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh Ninh Bình có cơ hội được đến và chia sẻ 1 phần những khó khăn, thiếu thốn đối với đồng bào dân tộc của 1 xã vùng biên giới, giúp bà con có cuộc sống ngày càng khởi sắc, ấm no.

Đinh Thị Lệ Hằng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video