Những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

15/05/2018
- Sơn La: Khuyến khích phụ nữ dân tộc mạnh dạn thử sức với mô hình trồng cam
- Bắc Kạn: Phát triển kinh tế từ mô hình du lịch cộng đồng

Sơn La: Khuyến khích phụ nữ dân tộc mạnh dạn thử sức với mô hình trồng cam

Khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số - vốn đã quen quanh năm chỉ trồng ngô, khoai, sắn, thu nhập thấp mạnh dạn chuyển hướng, phát triển những loại cây trồng có tiềm năng kinh tế cao là một trong những mục tiêu quan trọng trong phong trào xây dựng nông thôn mới của chính quyền xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Đến nông hộ chị Đinh Thị Uyên, người dân tộc Thái tại bản Đông Tà Lào, là một trong những hộ đầu tiên đầu tư chuyển đổi sang trồng cam. Cây cam là một loại cây “không dễ tính”, chính vì vậy, để thử sức với cam, chị Uyên đã chịu khó học hỏi kỹ thuật cũng như kinh nghiệm từ nhiều nơi trong và ngoài địa phương để cây cam có thể phát triển tốt, cho năng suất cao, không bị sâu bệnh.

Với diện tích ban đầu là 1 héc ta, chị đầu tư gần 300 triệu đồng để trồng hơn 100 gốc cam Vinh. Qua 3 năm (từ năm 2009), đến nay, chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý như cải tạo đất bằng vôi bột, dùng phân vi sinh, hoặc phân trâu bò để lót, hạn chế sử dụng phân hoá học, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường và làm hỏng đất. Để phòng ngừa dịch bệnh chị đã sử dụng các chế phẩm sinh học và các chế phẩm này được dùng phù hợp, đúng chỉ dẫn, đúng liều lượng sẽ giúp phòng tránh 1 số bệnh gây thối rẽ, vàng lá, còi cọc, kém phát triển trên cây cam.

Hiện tại, gia đình chị đã mở rộng trồng hơn 500 gốc cam với diện tích 3 héc ta đất đồi, mỗi vụ cho gia đình chị thu nhập ổn định từ 50 - 70 triệu đồng.

Khi đã thành công với mô hình này, chị Uyên nhiệt tình tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong chi hội bản Đông Tà Lào cùng tham gia chuyển đổi sang trồng cam đồng thời hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho các chị em trong hội. Hiên nay, mô hình trồng cam đã được nhân rộng ra 7 hộ lân cận, bước đầu khẳng định một hướng đi đúng đắn, khởi sắc trong phát triển kinh tế của địa phương.

Bắc Kạn: Phát triển kinh tế từ mô hình du lịch cộng đồng

Phát triển kinh tế hộ từ mô hình du lịch cộng đồng là điểm sáng của chi hội phụ nữ thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, được cấp ủy, chính quyền, Hội LHPN xã Nam Mẫu đánh giá cao.

Nằm trong khu du lịch Hồ Ba Bể, có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, chi hội phụ nữ Pác Ngòi đã vận động chị em lấy du lịch cộng đồng là một hướng đi mới cho phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Chi hội đã tích cực vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ chị em tham gia mô hình mô hình du lịch cộng đồng; đồng thời, vận động chị em tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng hướng dẫn du lịch, nấu ăn, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ… để chị em tự tin đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Với sự vận động, hỗ trợ của chi hội, 23 chị đã mạnh dạn đầu tư cải tạo, mở rộng, nâng cấp nhà sàn để xây dựng mô hình kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, giải trí... Ngoài phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ, đi lại thăm quan của du khách thì hoạt động văn hoá, văn nghệ để tìm hiểu các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cũng được đẩy mạnh. Chi hội phụ nữ Pác Ngòi thành lập và duy trì 5 đội văn nghệ để biểu diễn phục vụ khách du lịch với các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống (hát then, hát sli, lượn, đàn tính, múa khèn…).

 Ảnh minh họa

 Câu lạc bộ Phụ nữ hát then của Pác Ngòi


Đã có nhiều điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình thông qua mô hình này như: chị Hà Thị Thập, chị Lường Thị Tầm, Hoàng Thị Sao, Dương Thị Thỏa, Hoàng Thị Thuần… mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.

Hiện, mỗi năm Pác Ngòi thu hút khoảng 5 - 7 nghìn khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, khám phá văn hóa người Tày. Đi cùng với hiệu quả về kinh tế, các hộ gia đình nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng, giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương và góp phần thúc đẩy ngành thương mại du lịch trên địa bàn thì ý thức “làm sạch” môi trường nhằm thu hút đông đảo du khách đến với bản làng cũng được chi hội chú trọng. Chị em tích cực tham gia thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới với các hoạt động cụ thể như quét dọn nhà ở, vệ sinh đường làng ngõ xóm, vận động bà con không nuôi, nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, xây dựng công trình vệ sinh xa nhà ở, thu gom rác thải đúng nơi quy định, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp…

Mô hình du lịch cộng đồng của chi hội phụ nữ thôn Pác Ngòi đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhiều gia đình hội viên, phụ nữ; đồng thời giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

An Là, Hứa Đẹp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video