Những mô hình tiêu biểu của Hội Phụ nữ

24/03/2015
Trên khắp cả nước, Hội Phụ nữ cơ sở đã chủ động, sáng tạo dựa vào điều kiện riêng của địa phương mình để xây dựng những mô hình hay, những cách làm hiệu quả, trong đó nhiều mô hình tiêu biểu được nhân rộng và duy trì bền vững.

Mô hình Phụ nữ bảo vệ rừng ở Cao Bằng

Tại xóm Lũng Thoong, xã Ngọc Động, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng có một khu rừng tái sinh rộng khoảng 3 ha chưa được giao cho ai trông coi. Được sự nhất trí của Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm và nhân dân, từ năm 2011, chi hội phụ nữ xóm Lũng Thoong đã nhận trông coi khu rừng này. Chi hội đã phân công các hội viên chăm sóc, trông coi bảo vệ phòng chống cháy rừng và khai thác bừa bãi; hàng năm tổ chức vận động hội viên tham gia các đợt phát quang khu rừng, tỉa cành cây vừa nhằm mục đích chăm sóc cây, vừa có thêm nguồn thu nhập quỹ Hội từ việc thu gom củi bán được. Từ nguồn quỹnày, chi hội dùng để chi cho các hoạt động thăm ốm, hiếu, hỷ; chi tổ chức giao lưu nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ như 8/3, 20/10 và làm quà biểu dương những cá nhân hội viên phụ nữ tiêu biểu vào dịp cuối năm; chi dùng cho phụ nữ nghèo vay để phát triển kinh tế gia đình… Hiện nay, mô hình vẫn đang hoạt động rất hiệu quả với 100% hội viên tham gia. Hoạt động củamô hình không chỉ là cách thiết thực để “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng sự gắn kết giữa các hội viên mà còn góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức của hội viên phụ nữ và nhân dân trong việc chăm sóc bảo vệ khai thác rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước bền vững.

Mô hình “Ánh sáng đường làng” ở Quảng Nam

Xã Đại Hòa huyện Đại Lộc, Quảng Nam có 11 thôn, trong đó hầu hết đường liên thôn, liên xóm là đường đất đá nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong mùa mưa lụt.

Trong những năm 1999 – 2002, nắm bắt chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhân dân Đại Hòa đã tập trung góp sức làm giao thông nông thôn, hoàn thành đường bê tông liên thôn, liên xóm. Tuy nhiên, do chưa có điện chiếu sáng nên tình hình tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội vẫn thường xảy ra vào đêm tối. Trước tình hình đó, đầu năm 2013, Hội Phụ nữ xã phối hợp với các đoàn thể vận động hội viên thực hiện mô hình “Ánh sáng đường làng”, vận động nhân dân đóng góp để làm hệ thống chiếu sáng công cộng. Nhờ mục đích đúng đắn và tuyên truyền hiệu quả mà khi đưa ra chủ trương này, 100% chị em hội viên phụ nữ đồng tình hưởng ứng và vận động gia đình mình tham gia thực hiện. Đến nay, ở 11/11 thôn trong xã, với tổng chiều dài 24km đường có 600 bóng đèn. Kinh phí cho chương trình này khoảng 315 triệu đồng, trong đó xã hỗ trợ 54 triệu đồng còn lại 251 triệu đồng do hội viên và nhân dân đóng góp. Nhờ có điện đường công cộng, bóng đêm không còn là nỗi lo, nhân dân tự tin hơn mỗi khi có việc làng, việc xóm phải đi sớm về tối; tình trạng trộm cắp vặt, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm giảm đi rõ rệt… Có điện đường, việc vận chuyển nông sản hay việc buôn bán những hộ kinh doanh thuận lợi hơn rất. “Ánh sáng” còn đồng hành cùng chị em khi ngày bận việc, tranh thủ sinh hoạt Hội vào tối, vào mùa mưa lũ… Quan trọng hơn,“Ánh sáng đường làng” đã tạo thêm sức mạnh, niềm tin cho cán bộ và nhân dân xã Đại Hòa, góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, xây dựng thành công xã nông thôn mới trên quê hương Đại Hòa giai đoạn 2015 - 2020.

Làng phụ nữ “4 không 5 có” ở Gia Lai

19 làng phụ nữ kiểu mẫu được xây dựng thành công trên địa bàn 16 huyện, thị xã của Gia Lai từ 2008 - 2010 với xuất phát điểm trước khi xây dựng rất thấp, Từ thành công này, năm 2011, HộiLHPN tỉnh Gia Lai chỉ đạo tiếp tục nhân rộng mô hình Làng phụ nữ kiểu mẫu trong toàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2016 gắn với các tiêu chí xây dựng là 4 không - 5 có (4 không: Không có hộ đói, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá; Không có gia đình mắc các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan và vi phạm Pháp lệnh Dân số; Không có người trong độ tuổi mù chữ; Không có người tham gia tổ chức phản động Fulrô và vượt biên trái phép sang Campuchia;5 có: Có nhà sinh hoạt cộng đồng và bộ cồng chiêng phục vụ sinh hoạt; Có điện, nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất; Có môi trường xanh, sạch, đẹp; Có người tham gia sinh hoạt vào các tổ chức Đoàn thể, đóng hội phí và xây dựng quỹ Hội; Có 100% gia đình đạt gia đình văn hoá, làng văn hóa). Sau 3 năm xây dựng, hệ thống chính trị trong các làng 4 không 5 có ngày càng được củng cố, tỷ lệ đảng viên tăng, đặc biệt là tỷ lệ đảng viên nữ tăng lên; tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trong các làng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm, 100% hộ dân trong các thôn làng có điện thắp sáng và phục vụ sản xuất; 84% hộ gia đình có hệ thống nước sạch, nhà tắm, hố xí đảm bảo hợp vệ sinh theo Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Số trẻ em trong độ tuổi đến trường của 19 làng đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ hội viên phụ nữ tham gia học lớp xóa mù chữ ngày càng cao… Mô hình“Làng phụ nữ kiểu mẫuđã góp phầnquan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai. Đã có 16 tập thể và 16 cá nhân có thành tích trong xây dựng, triển khai thực hiện mô hình này đã được tặng bằng khen của Hội LHPN Gia Lai.

Thu Hằng, Nguyễn Thiên, Hồng Minh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video