Những người bạn Việt Nam, hãy là chính mình!

21/01/2006
Đó là lời nhắn nhủ tha thiết mà giáo sư Luc Hens, một nhà khoa học người Bỉ thường xuyên đến Việt Nam mỗi năm 7 - 8 lần, từ Hà Nội - Hải Phòng đến Huế - Đà Nẵng và vào thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, mong Thanh Niên chuyển tới những nhà quản lý ở Việt Nam.

Giáo sư Hens vừa trở về Bỉ từ Hải Phòng sau chuyến công tác hơn 1 tuần ở Việt Nam. 

Khi tôi nói với ông: “Hôm nay em sẽ có một cuộc phỏng vấn nhỏ với thầy”. Thầy Hens vui vẻ: “Okay”. Sau khi gọi nước uống, tôi mở đầu: “Bây giờ chúng ta bắt đầu nhé!”. Thế là thầy tăng ngay âm lượng và say sưa nói về chuyến công tác thành công mỹ mãn của mình. Thầy chỉ ở Hà Nội 1 ngày vào đúng cái hôm nơi đây bị ngập lụt, cuộc họp bị trễ 2 giờ đồng hồ vì ách tắc giao thông nhưng đã kết thúc tốt đẹp. Ở Hải Phòng, cuộc hội thảo thành công ngoài mong đợi với sự tham gia của những nhà quản lý hàng đầu của các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý tài nguyên biển trên khắp cả nước. Ở đó, người ta không có đủ thời gian để bàn bạc và trao đổi các phương thức quản lý nguồn tài nguyên quý giá này.

Không muốn thầy nói mãi về điều này, tôi chuyển đề tài: “Ấn tượng lớn nhất của thầy trong chuyến đi này ở Hải Phòng là gì?”. Thầy Hens im lặng giây lát rồi giọng chùng xuống đầy xúc động: “Em biết không, chúng tôi không có thời gian để đi đâu cả ngoài Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long, em biết chứ, nó là Di sản thiên nhiên của thế giới, của nhân loại. Nhưng bây giờ nó không còn là Vịnh Hạ Long nữa, nó khác xa những gì tôi được chiêm ngưỡng cách đây khoảng 4 năm. Khi người ta tưởng rằng mọi thứ đang phát triển thì thực ra nó đang tồi tệ đi và đánh mất chính mình”.

“Điều đầu tiên em có thể dễ dàng nhận thấy là nơi đây có một sự mâu thuẫn gay gắt giữa ngành khai thác than với ngành du lịch và vịnh Cửa Lục. Nước thải của ngành than làm đen ngòm môi trường xung quanh và giết chết mọi thủy sinh vật. Còn vụn than thì được đem đổ trên các sườn đồi; mưa xuống, các vụn than này trôi đi khắp nơi. Vịnh Hạ Long trở thành cái bãi chôn chất thải của ngành khai thác than. Tôi nhìn thấy những người phụ nữ và trẻ em rất nhỏ đang lọc lấy những vụn than từ nước thải để phơi khô làm nhiên liệu. Mà em biết rồi, cái thứ chất thải ấy chứa bao nhiêu chất độc hại, nhất là các kim loại nặng”.

“Tôi còn thấy những người phụ nữ đội nón quai thao đi rao bán những mẩu san hô còn sống. Thứ sinh vật này sẽ chết vài giờ đồng hồ sau khi người ta tách chúng ra khỏi môi trường nước biển. Tôi tự hỏi: Vịnh Hạ Long đã được xếp hạng Di sản thế giới, tài nguyên của khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt, sao lại có hiện tượng này?”.

“Tôi có cảm tưởng rằng người ta ra sức tàn phá thiên nhiên nơi đây để biến nó thành một môi trường hoàn toàn nhân tạo, bằng cách hủy hoại thảm thực vật, hủy hoại các khu rừng ngập mặn, nạo vét lớp phù sa, nối những hòn đảo với đất liền bằng những cái đầm để các ca-nô, xuồng máy thể thao chạy ra chạy vào. Vịnh Hạ Long bây giờ hao hao giống như bán đảo Florida miền đông nước Mỹ!”.

“Điều tôi cảm thấy phi lý nhất là cách thức người ta phát triển du lịch và tổ chức các thú tiêu khiển nơi đây. Người ta có thể nhìn thấy ở đây một tư duy phát triển du lịch đậm màu sắc của một Disneyland. Mà Disneyland thì không thể phát triển ở một Di sản thiên nhiên của thế giới như thế này được. Cá heo và các loài thú biển được nhập từ nước ngoài về cùng với một đội huấn luyện viên xiếc thú người Nga để biểu diễn. Vậy mà đêm cuối tuần hàng ngàn người đổ xô về xem; nhưng tôi chắc trong số đó không có mấy khách du lịch nước ngoài. Người ta đem cả cây dừa nước, cây chà là... từ nơi khác đến đây. Để làm gì chứ?”.

“Chưa hết đâu, người ta  xây một tòa nhà có kiến trúc giống hệt Nhà Trắng để trưng bày các cổ vật bằng sứ, các di vật khảo cổ ! Việt Nam có các loại nhà sàn, nhà gỗ độc đáo biết bao nhiêu, sao không đem ra giới thiệu với thế giới?”.

“Còn các hang thạch nhũ của Vịnh Hạ Long, ngày xưa em phải rón rén đi vào cùng với người dẫn đường thì bây giờ trên các vách đá chi chít những ngọn đèn xanh đỏ tím vàng như một xa lộ cùng hàng trăm shop bán hàng lưu niệm. Không khí tưng bừng nhộn nhịp lắm. Chỉ cần có thê m một Michael Jackson nữa thì nơi đây lập tức trở thành một Florida, một Miami của Mỹ”.

“Thật lòng mà nói, Hạ Long đang đánh mất bản sắc của riêng mình. Không biết rồi đây có ai còn hăm hở đến tham quan di sản thiên nhiên “độc nhất vô nhị” này nữa hay không?”.

“Tôi đã đi qua rất nhiều nước đang phát triển trên thế giới, Việt Nam là một nước có chất lượng cuộc sống tốt, khoảng cách giàu nghèo không quá lớn, và quá trình vận hành vào quỹ đạo toàn cầu hóa tương đối thành công. Tuy nhiên, mọi thứ bây giờ đang bị thương mại hóa với kinh tế là mục tiêu chủ đạo. Và đến một lúc nào đó em sẽ nhận ra rằng chính tài nguyên môi trường, di sản văn hóa và các truyền thống dân tộc là thứ tài sản chính của quốc gia trên bình diện quốc tế...”.

“Và thông điệp cuối cùng của tôi dành cho đất nước mà tôi yêu quý bởi lòng hiếu khách và những truyền thống tốt đẹp rằng: Hãy tôn trọng thiên nhiên, gìn giữ môi trường, gìn giữ văn hóa và truyền thống, bởi đó là những thứ làm cho các bạn trở nên duy nhất trên thế giới”
Thục Minh (ghi và biên dịch từ Brussels) – Thanh niên Online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video