Những người nông dân năng động

23/01/2017
Những mô hình trồng trọt chăn nuôi quy mô lớn và hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều tại khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đã góp phần tạo nên một thế hệ nhà nông mới: dấn thân, quyết đoán, năng động, sáng tạo, khao khát làm giàu.

Hồi sinh đất cằn, ruộng trũng

Vùng đồi mênh mông ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì vốn cằn cỗi, hoang vu, chỉ có sỏi đá mấp mô, cỏ dại và đồi trọc, không cây con gì sống nổi. Vậy mà người phụ nữ chân yếu tay mềm Phùng Thị Thơ lại dám dấn thân, dốc toàn bộ cơ nghiệp của mình đểlàm một việc khó: “thuần” vùng đồi cằn để phát triền kinh tế hộ gia đình, tạo thu nhập cho gia đình và nuôi các con ăn học. Khát khao thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống của chị Thơ như được tiếp thêm sức mạnh khi xã Vật Lại thực hiện chủ trương khuyến khích các hộ gia đình phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM. Các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; những chương trình hỗ trợ tín dụng…đã mang lại nhiều kiến thức thực tế quý giá để chị Phùng Thị Thơ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, biến vùng đất cằn cỗi rộng 12ha trở thành một trang trại có quy mô lớn. Trên những vạt đất đồi, ngoài các loại cây “chủ lực” là bưởi, chanh và dứa, chị Thơ nuôi thêm gà, lợn rừng, đào ao nuôi cá. Cùng chúng tôi dạo bước trên con đường đã được trải bê tông rộng rãi và thẳng tắp từ trung tâm xã vào trang trại của gia đình, chị Thơ cho biết: “Từ chương trình NTM, với sự huy động tổng lực sự đóng góp của nhân dân và hỗ trợ của Nhà nước, các con đường liên thôn, liên xã đều được nâng cấp và mở rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương và là tiền đề để bà con mở rộng sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường”. Những ngày này khi Tết Nguyên đán đang đến gần, 1.000 cây bưởi diễn, 20.000 con gà đồi, hơn 100 con lợn rừng cùng hàng chục loại thủy sản trên 1ha mặt nước được nuôi trồng trong trang trại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã sẵn sàng xuất chuồng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. 10 năm đổ mồ hôi, nước mắt thuần hóa đất cằn, chị Thơ và gia đình đón mùa Xuân mới Đinh Dậu trong niềm vui và sự hân hoan khi cuộc sống ngày càng cải thiện, thu nhập từ trang trại đạt gần 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 30 lao động trong xã.

Được làm giàu trên mảnh đất quê hương mình cũng là niềm hạnh phúc của gia đình chị Nguyễn Thị Minh và các thành viên của Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Hoàng Long ở huyện Thanh Oai. Thực hiện dồn điền đổi thửa, ở thôn Tri Lễ “dôi” ra gần 2ha đất trũng nhất xã Tân Ước, lại nằm sát đê, không thể canh tác được. Trong khi nhiều hộ trong xã từ chối thì những thành viên của tổ hợp tác chăn nuôi (tiền thân của HTX chăn nuôi Hoàng Long) lại nhận thấy đây là cơ hội mở rộng sản xuất, tiến tới thành lập mô hình trang trại chăn nuôi hiện đại và quy mô lớn. “5 thành viên trong tổ hợp tác đều có công việc ổn định nhưng không muốn bỏ lỡ cơ hội hiếm có, anh em sẵn sàng gác lại việc để chuyên tâm phát triển chăn nuôi” – chị Minh nhớ lại. Sau 7 năm khởi nghiệp, vùng đồng trũng năm xưa đã được cải tạo trở thành khu chăn nuôi tập trung hiện đại với 3 tầng nhà, chia thành nhiều phân khu chăn nuôi riêng biệt như khu chăm sóc lợn con, khu chuồng nuôi lợn thịt, hệ thống hầm biogas xử lý chất thải hạn chế tác động đến môi trường, khu giết mổ tập trung hiện đại để cung cấp thịt thương phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP…Đặc biệt, chỉ có ở đây, lợn giống và thức ăn được vận chuyển lên các phân khu riêng biệt bằng…thang máy nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh. Chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào – đầu ra, thịt lợn Hoàng Long đã được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận, mang về doanh thu tới hơn 50 tỷ đồng/năm cho HTX.

Nắm bắt cơ hội, phát huy nội lực

Những nhà nông như chị Thơ, chị Minh đều lập nghiệp ở tuổi ngoài 40, cả đời cần cù canh tác trên quy mô nhỏ, “trắng tay” cả vốn lẫn kiến thức nhưng ý chí vượt khó, tinh thầm ham học hỏi của họ lại rất đáng trân quý và họ đã thành công. Chị Phùng Thị Thơ không quên những ngày đầu làm trang trại, hai vợ chồng chị khăn gói lên Viện Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc tại tỉnh Phú Thọ để học hỏi kỹ thuật trồng cây và suốt một thời gian dài sau đó, không buổi tập huấn nào của huyện, của thành phố mà chị vắng mặt. Còn những thành viên của HTX chăn nuôi Hoàng Long thì tấm tắc với một bài học kinh nghiệm. Đó là muốn tổ chức sản xuất lớn, nhà nông không thể dựa vào “tay quen” theo kiểu cha truyền con nối mà phải làm bài bản và chuyên nghiệp. “Ở tuổi trên dưới 50, anh em chúng tôi chia nhau đi học, mỗi người học một mảng: quản lý, kỹ thuật chăn nuôi, tiếp thị sản phẩm, nghiên cứu thị trường.. .” – chị Nguyễn Thị Minh nhớ lại.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn…Nhà nông đi học không chỉ để nắm bắt công nghệ mà từng bước “hiểu” nhu cầu thị trường để thay đổi tập quán canh tác. Chị Thơ quyết định tổ chức sản xuất sản phẩm sạch bằng việc thả 20.000 con gà “chạy bộ” dưới tán bưởi râm mát, ăn ngô, ăn sắn….; các chú lợn rừng được nuôi bằng thân cây dứa và bã bia nên chắc thịt, chất lượng tốt, năng suất ổn định, góp phần đảm bảo đầu ra. Tại huyện Hoài Đức, nhà nông Triệu Tiến Ích đã nhân giống nhãn muộn quý hiếm để tạo thành hàng hóa thương phẩm cung ứng ra thị trường với số lượng lớn. Tại huyện Đan Phượng, gia đình anh Bùi Văn Lâm thay trồng lúa giá trị thấp bằng trồng hoa ly hiện đại, tạo thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Còn HTX chăn nuôi Hoàng Long “đoạn tuyệt” với thức ăn công nghiệp thay thế bằng thức ăn sinh học được ủ từ bắp, khoai, cám gạo, rau...để lên men. “Phải mất 7 tháng trang trại mới thu được 100kg lợn hơi, kéo dài hơn 2 tháng so với thức ăn công nghiệp nhưng bù lại chất lượng thịt ngon hơn, đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn” – chị Minh cho biết thêm.

Sau 5 năm bứt phá xây dựng NTM, Hà Nội tự hào là địa phương dẫn đầu cả nước, trong đó có sự đóng góp của những nhà nông năng động, có ý chí và khát vọng làm giàu. NTM vì thế nên ngày càng trở nên thực chất, đưa vai trò của nhà nông trở về đúng vị trí là chủ thể chính của phong trào chứ không phải là thụ động tiếp nhận. Nhờ vậy, trên 157 cánh đồng mẫu lớn, các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với năng suất và giá trị kinh tế cao đã ra đời. Tại 76 xã chăn nuôi trọng điểm đã có 3.232 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đó là chưa kể đến một diện tích rộng lớn chuyên canh rau an toàn, cam Canh, bưởi Diễn, vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại các huyện Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức...Tất cả những điều kiện này đang là tiền đề để Hà Nội tiếp tục phát triển và mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.

Theo: Báo PNTĐ (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video