Những người phụ nữ ở một đơn vị Anh hùng lao động.

14/11/2011
Bệnh viện Trung ương Huế có 1.531 cán bộ, công nhân viên chức là nữ trên tổng số 2.300 cán bộ, chiếm 62%. Với lực lượng nữ như vậy, các chị đã góp phần quan trọng trong việc khám bệnh, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và đem lại thành tích cao quí cho bệnh viện: Bệnh viện Anh hùng thời kỳ đổi mới, và một trong 4 bệnh viện trong cả nước được Bộ Y tế công nhận Bệnh viện hạng đặc biệt.

Tận tình với bệnh nhân

Do đặc thù nghề nghiệp, công việc của các chị gắn chặt với tính mạng bệnh nhân nên luôn làm việc với áp lực trách nhiệm lớn.

Đặc biệt là các chị ở khoa Nhi. Trẻ em thường có nhiều bệnh diễn biến nhanh, đòi hỏi bác sĩ không chỉ vững chuyên môn mà còn phải chuẩn đoán nhanh, chính xác. Nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm, có thể tử vong. Không chỉ thế, bác sĩ còn chịu áp lực từ phía phụ huynh. Khi con mình chưa tìm ra bệnh, không ít người đã nóng nảy, xúc phạm bác sĩ. Dù trong hoàn cảnh nào, bác sĩ cũng phải ân cần giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu rõ vấn đề.

Khoa Hồi sức - cấp cứu, là khoa “Đầu sóng ngọn gió”, nơi xử lý, cứu chữa bệnh nhân nặng nhất được chuyển từ các khoa khác đến. Công việc hết sức vất vả, bác sĩ nữ khó có thể đảm nhận được trọng trách, nên khoa chỉ có bác sĩ nam. Nhưng đội ngũ điều dưỡng, hộ lý ở đây đa số là phái yếu. Nói yếu, nhưng thực sự không phải vậy. Tôi đã nhiều lần chứng kiến hai liễu yếu đào tơ đã khiêng một bệnh nhân nam nặng khoảng 80kg từ xe đẩy chuyển qua giường điều trị. Do đặc thù, bệnh nhân ở đây đều nặng, đa số mê man, bất tỉnh nên tất cả bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý đều phải thường xuyên đi quanh các giường bệnh để khám bệnh, theo dõi, chăm sóc bệnh nhân. Nghĩa là công việc của họ luôn trong tư thế đi, đứng, rất hiếm khi được ngồi và hàng ngày tiếp xúc với những cơ thể bệnh nhân bất động, da tím ngắt, đa số phải thở bằng máy trong những bức tường lạnh lùng. Phải có thần kinh thép mới chịu được. Tôi nghĩ vậy. Nhưng các chị lại bảo rằng: Phải có cái tâm, cái tâm lớn mới trụ lâu ở khoa này. Công việc của họ là theo dõi mạch nhiệt, huyết áp từ 15 phút - 30 phút một lần, tiêm thuốc, hút đờm dãi, thay băng, xoa bóp, cho ăn, vệ sinh cho bệnh nhân… “Công việc vất vả, phải luôn làm việc cả những ngày lễ, ngày cuối tuần, nhiều lúc còn bị người bệnh nhân nặng nhẹ, nhưng khoa chúng tôi là nơi cuối cùng chăm sóc bệnh nhân nặng nhất chuyển từ các khoa khác đến. Mọi hy vọng, niềm tin của người nhà bệnh nhân đặt cả vào chúng tôi, vì vậy chị em luôn nhắc nhở nhau thực hiện tốt công việc của mình để chăm sóc tốt bệnh nhân”. Cử nhân Đỗ Kiều Oanh, kíp trưởng nói.

Chỉ một sơ suất nhỏ là người thầy thuốc ở khoa Lao sẽ bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân, nhưng không vì áp lực đó các chị là bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở đây ngần ngại, trái lại họ luôn thương yêu bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân. Tại phòng bệnh, một điều dưỡng đang tìm ven lấy máu cho bệnh nhân N.V.Đ đến từ Quảng Bình để xét nghiệm. Chị điều dưỡng không cho biết tên, đeo khẩu trang kín mặt, chỉ để hở đôi mắt hiền từ, nhẹ nhàng nói với bệnh nhân: “Bác cứ thả lỏng tay bình thường, cháu đưa mũi kim rất nhẹ, không đau đâu”.

“Vi khuẩn lao lây nhiễm chủ yếu bằng đường hô hấp, và có ở khắp nơi trong phòng bệnh, trên cơ thể, trang phục của bệnh nhân. Chỉ một sơ suất nhỏ là bác sĩ và nhân viên khoa lao sẽ bị lây nhiễm từ người bệnh. Chị có sợ điều đó xảy ra không?” tôi hỏi. “Với chúng tôi, việc làm này là bình thường, chúng tôi còn phải đặt bình ôxy, thức cả đêm trực bên cạnh bệnh nhân. Có người còn phải gom cả đờm của bệnh nhân để xử lý, thay áo quần cho bệnh nhân. Bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bị lây nhiễm. Nhiều lúc cũng sợ, nhưng bệnh nhân đã tìm đến đây là tuyến cuối cùng rồi. Đa số đều bị bệnh nặng, họ trông chờ cả vào chúng tôi. Không tận tình với bệnh nhân, thấy mình mắc lỗi. Nếu sợ thì chúng tôi đã chuyển khoa khác, hoặc chuyển việc khác từ lâu rồi”, chị điều dưỡng trả lời vui vẻ.

Khoa Gây mê hồi sức A có 70% nhân lực là nữ (70/97 người), với lưu lượng bệnh nhân mỗi tháng khoảng 1.200. Bệnh nhân sau mổ thường không cử động được, có những bệnh nhân khoảng 5 ngày sau mới tỉnh. Do vậy cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Mọi công việc bơm ăn, bơm uống đều cần điều dưỡng viên chăm sóc đúng kỹ thuật mới không gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Ngoài ra, nhiệm vụ của họ còn đặt ống xông dạ dày, theo dõi tồn đọng nước tiểu, thay đổi tư thế nằm cho bệnh nhân, và đặc biệt theo dõi sát diễn biến sức khỏe của bệnh nhân (24/24 giờ) phát hiện bất thường, kịp thời cứu sống bệnh nhân. Hôm tôi đến làm việc tại khoa, đúng lúc bệnh nhân P.V.Đ bị tai nạn đa chấn thương, vỡ gan, đã bị chảy máu sau mổ. Do điều dưỡng phát hiện sớm nên bệnh nhân được cứu sống sau khi tiếp tục mổ cấp cứu lần thứ 2. “Khoa chúng tôi liên quan đến 10 khoa trong bệnh viện, nên khi các khoa khác triển khai các kỹ thuật mới, chúng tôi cũng phải học tập nắm bắt để đáp ứng công việc điều trị bệnh”, cử nhân Nguyễn Thị Hải Liên, điều dưỡng trưởng khoa cho biết.

Đó chỉ là những khoa tiêu biểu, chưa kể các chị là bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở các khoa Sản, Cấp cứu - khám bệnh, Ngoại nhi - cấp cứu bụng, nội tiêu hóa, Ung bướu… đang ngày đêm miệt mài điều trị, chăm sóc bệnh nhân, góp phần cứu sống, đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều người.

·Học hỏi, tiếp thu kỹ thuật mới, đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Quang, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức A luôn tự hào về các nữ điều dưỡng của khoa. Các chị không chỉ thực hiện tốt y đức, tận tụy phục vụ bệnh nhân, luôn được bệnh nhân và người nhà khen ngợi, mà họ còn có tinh thần học ngoại ngữ, kỹ thuật mới để có kiến thức phục vụ tốt hơn, ngang tầm phát triển của bệnh viện. Sự kiện đã làm chấn động cả thế giới đó là Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thành công ca ghép tim ở người chết não đầu tiên tại Việt Nam tháng 3 vừa qua. Điều dưỡng Khoa Gây mê hồi sức A đã góp phần lớn vào thành tích này. Liên tục 9 ngày đêm, họ đã tham gia hồi sức, nuôi dưỡng trái tim cho bệnh nhân chết não để cứu sống một trái tim khác trong thời gian hấp hối. Một tháng sau, tháng 4-2011, khoa tiếp tục triển khai kỹ thuật đo áp lực nội sọ trong hồi sức sọ não. Đây là ca ghép tim khó được thực hiện lần đầu tiên ở Bệnh viện Trung ương Huế cũng là lần đầu tiên ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Với kỹ thuật này, khoa đã nâng cao chất lượng điều trị, tăng tỉ lệ sống, giảm tỉ lệ tử vong hoặc tàn phế ở các bệnh nhân chấn thương sọ não nặng. Ngoài tài năng của bác sĩ, kỹ thuật, rất cần đến lực lượng điều dưỡng, vì họ là thành phần theo dõi, chăm sóc người bệnh trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật, phát hiện biến chứng để kịp thời xử lý, bảo đảm an toàn tính mạng cho bệnh nhân.

Làm việc ở cơ sở y tế Trung ương - tuyến y tế cao nhất của địa bàn miền Trung, các chị luôn ý thức được trách nhiệm cao cả của mình trước người bệnh nên đã luôn cố gắng rèn luyện, trau dồi không chỉ y đức mà cả lĩnh vực chuyên môn. Dù bận rộn với công việc gia đình, cơ quan, nhưng các chị vẫn dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, tham gia các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp bộ, các đề tài nghiên cứu chuyên sâu như nội soi, cận lâm sàng. Hiện bệnh viện có 69 chị có trình độ sau đại học; 32 chị thạc sĩ, chuyên khoa I; 18 chị chuyên khoa II và 3 chị là tiến sĩ, một chị đang làm hồ sơ xét công nhận Phó giáo sư. Họ luôn chăm chỉ học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng sự phát triển nhanh, hiện đại, tiên tiến của y học thế giới.

Báo Phụ nữ Thừa Thiên Huế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video