Những nội dung đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2005

13/12/2005
Luật Doanh nghiệp đã được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-11-2005 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2006. Dưới đây là những điểm mới của luật này.

Về nguyên tắc, việc tổ chức quản lý các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt nguồn gốc và cơ cấu sở hữu sẽ thực hiện theo Luật Doanh nghiệp.

 

Việc ban hành Luật Doanh nghiệp xuất phát từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế, của hội nhập kinh tế quốc tế và khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đặc biệt là sự chia cắt, tách biệt áp dụng theo thành phần kinh tế.

 

Luật Doanh nghiệp bao gồm 10 chương với 172 điều. So với Luật Doanh nghiệp 1999, nội dung của Luật Doanh nghiệp 2005 có những điểm đáng lưu ý sau đây:

 

1. Mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng

 

Luật Doanh nghiệp điều chỉnh và áp dụng thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế, đó là công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được quyền tự chủ lựa chọn loại hình doanh nghiệp để kinh doanh, không bị bắt buộc phải sử dụng duy nhất hình thức công ty TNHH như hiện nay; doanh nghiệp nhà nước sẽ được chuyển đổi theo thời hạn cụ thể để tổ chức quản lý dưới hình thức công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

 

2. Đơn giản và rõ ràng hơn trong thành lập và đăng ký kinh doanh

 

- Bổ sung thêm khiến loại hình doanh nghiệp được đa dạng hơn để các nhà đầu tư lựa chọn bằng việc cho phép thành lập công ty TNHH có một thành viên là cá nhân.

 

- Rút ngắn hơn thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đồng thời, quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với từng loại hình doanh nghiệp.

 

- Quy định cụ thể hơn, rõ hơn trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh; điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đặt tên doanh nghiệp để tránh trường hợp trùng tên hoặc gây nhầm lẫn trong đặt tên doanh nghiệp.

 

- Thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh. Điều này tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của loại hình doanh nghiệp được coi là khá mới và chưa phổ biến này ở Việt Nam.

 

3. Hoàn thiện quản trị doanh nghiệp

 

Khung quản trị doanh nghiệp được hoàn thiện hơn, rõ ràng hơn và bảo vệ mạnh mẽ hơn quyền và lợi ích của thành viên, cổ đông thiểu số, cụ thể:

 

- Khung quản trị được thiết kế tùy theo loại hình doanh nghiệp và được áp dụng thống nhất đối với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp có sở hữu tư nhân, doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước.

 

- Xác định rõ hơn các nghĩa vụ của người quản lý, nhất là đối với thành viên HĐQT và giám đốc, đặc biệt là nghĩa vụ trung thành, trung thực và cẩn trọng; quy định rõ điều kiện và tiêu chuẩn của một chức danh quản lý quan trọng trong công ty.

 

- Tăng thêm quy định yêu cầu công khai và minh bạch hóa, nhất là đối với những người quản lý.

 

- Nâng cao, tăng cường và quy định cụ thể hơn vai trò, vị trí và trách nhiệm của Ban kiểm soát.

 

- Tăng cường thêm các quy định về quản lý vốn, hạn chế nguy cơ lạm dụng trách nhiệm hữu hạn.

 

4. Bổ sung quy định về nhóm công ty

 

Thực chất, quy định về nhóm công ty nhằm mục đích tăng cường sự công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh cũng như hạn chế chế độ trách nhiệm hữu hạn và bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số. Đó là các quy định trách nhiệm đền bù của công ty mẹ đối với công ty con, hay nghĩa vụ lập báo cáo tài chính hợp nhất của nhóm công ty.

 

5. Tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp

 

- Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp được tăng cường và cụ thể hơn. Điều này được thể hiện bằng các quy định về cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước, quy định rõ và cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước, cấp chính quyền trong quản lý doanh nghiệp, quy định cụ thể điều kiện giải thể doanh nghiệp, quy định cụ thể các hành vi bị cấm, bổ sung thêm trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

 

- Đổi mới cơ bản cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó, tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý hành chính nhà nước, thực hiện tập trung và thống nhất các quyền chủ sở hữu, đồng thời tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

(Báo Đầu tư)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video