Những nữ ngư phủ trên biển Sơn Trà

25/06/2009
Với những nữ ngư phủ Sơn Trà, cuộc sống mưu sinh gắn liền với chiếc thúng, vài tấm lưới và một chiếc đèn gió. Họ ngủ trên biển còn nhiều hơn ngủ ở nhà, có người 30 năm gắn với nghề, một tay nuôi sống cả nhà.

Hình dung về họ là: những người phụ nữ đi biển, chèo thúng giỏi, thả lưới khéo, nắm rõ hướng đi của luồng cá mà chịu đựng nắng sương lênh đênh trên biển không thua kém gì cánh đàn ông sức dài, vai rộng. Đó là những nữ ngư phủ ở Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).

18 giờ, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống cũng là lúc những nữ ngư phủ ở Sơn Trà bắt đầu chuyến ra khơi của mình. Khác với việc đánh bắt của cánh đàn ông trên những chiếc tàu công suất lớn, phương tiện đánh bắt của những nữ ngư phủ Sơn Trà đơn giản chỉ là một chiếc thúng, vài tấm lưới và một chiếc đèn gió.

Hôm nay biển hơi động, thế nhưng những nữ ngư phủ ở đây vẫn quyết định ra khơi để bủa lưới, bởi mấy ngày qua các chị đã phải ở nhà vì sóng biển quá lớn. Nhìn các chị ngồi trên thúng, tay chèo uyển chuyển, lướt đi trên sóng biển, tôi không khỏi khâm phục.

Phải năn nỉ lắm, một lão ngư mới chịu dùng ghe đưa tôi ra biển theo những chiếc thúng của những nữ ngư phủ, tuy nhiên sau gần 30 phút ra khơi, do trời quá tối nên chúng tôi đành phải quay về đợi sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình. 5 giờ sáng, tôi đã có mặt tại bãi biển Sơn Trà. Trước khi đi, lão ngư chủ ghe dặn chừng, hôm nay biển hơi động đấy, nếu không chịu được say thì để hôm khác hãy đi. Tôi trả lời chắc nịch: Không! Mặc dù tôi rất lo.

Sau hơn 45 phút đồng hồ đi trên chiếc ghe máy (cách bờ khoảng 3 hải lý), xa xa chúng tôi thấy trên những chiếc thúng, những phụ nữ vừa chèo, vừa kéo lưới một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển mặc cho sóng biển nhấp nhô, uốn lượn. Họ thật nhỏ bé giữa đại dương mênh mông, nhưng cũng thật đẹp và mạnh mẽ.

Không khó để chúng tôi tiếp cận chiếc thúng của chị Huỳnh Thị Thành (Ba Thành). Đêm qua chị ngủ ngoài biển, bởi bủa lưới xong biết làm gì đâu đành phải ngủ trên thúng, đợi sáng kéo lưới rồi về. Chị bơi thúng ra đây lúc 19 giờ tối qua. Vẻ mặt đầy rạng ngời, chị cho biết: “Hôm nay đánh bắt cũng được tương đối em à, mặc dù biển động, nhưng ghẹ, cá dính lưới cũng nhiều”.

Chị Thành là một trong những người đầu tiên ở xóm Sơn Trà này đi biển. Năm nay chị đã ngoài 50 tuổi, nhưng chị đã đi biển hơn 30 năm rồi. Với chị, thời gian ngủ ngoài biển nhiều hơn ở nhà. Chồng chị không may mất sớm, một mình chị phải ở vậy nuôi con và lo việc gia đình.

Tôi hỏi, đêm nào cũng lênh đênh trên biển vậy, chị không sợ sao? Chị Thành cười nói: Lúc đầu thì sợ, nhưng riết rồi quen. Mỗi thúng đều có một chiếc đèn gió, đèn này chủ yếu là để báo cho các ghe tàu biết đường mà tránh không đâm phải thúng và không chạy vào khu vực thả lưới. Thế nhưng, chuyện bị mất lưới do các tàu vướng phải là chuyện thường tình. Bởi có lúc, trời bỗng dưng nổi mưa dông, đèn gió bị tắt, nhiều tàu đâu thấy đường mà tránh nên chạy vào khu vực chị bủa lưới, thế là lưới bị tàu kéo mất luôn, nếu không mất thì lưới cũng rách đôi. Cũng may là không đâm phải thúng, nếu không thì giờ không có ở đây mà bủa lưới rồi.

Mỗi lúc như thế thì xem như chuyến đi biển bị lỗ to, bởi một tấm lưới hiện có giá 400-500 ngàn đồng. Trong khi đó, mỗi đêm ra khơi, trung bình đánh bắt ghẹ bán được 80-100 ngàn đồng, nếu trúng thì được vài ba trăm.

Cũng như chị Ba Thành, chị Nguyễn Thị Dung, năm nay 29 tuổi nhưng chị đi biển từ lúc 15 tuổi. 14 năm đi biển, so với nhiều phụ nữ ở đây thì thời gian đi biển không thấm vào đâu, thế nhưng với chị 14 năm coi như đã đúc kết được khá nhiều kinh nghiệm, nhìn con nước chị có thể biết được nơi nào nhiều ghẹ, nhiều tôm cá…

Chị Dung tâm sự: Gia đình khó khăn nên phải nghỉ học nửa chừng. Lấy chồng từ lúc 19 tuổi, gia đình chồng cũng khó khăn nên sau khi cưới hai vợ chồng đều đi biển. Dù sao thì lênh đênh trên biển, có vợ chồng cũng đỡ hơn. Những năm gần đây, chồng chị nghỉ biển xin đi làm công nhân tại nhà máy đóng tàu, vì vậy việc đi biển lại giao lại cho chị. “Có chồng, nhưng thời gian ngủ trên biển nhiều hơn ở nhà với chồng con. Có lẽ, nghề đi biển chắc sẽ phải gắn bó với chị suốt đời” - chị Dung cười nói.

Điều kỳ lạ là những phụ nữ ở Sơn Trà này không những đi biển giỏi mà còn là người vợ, người mẹ đảm đang, quán xuyến hầu hết mọi công việc trong gia đình. Thông thường, sau một đêm ra khơi, những nữ ngư phủ lại lao vào công việc gia đình.

Buổi sáng, họ lại đi chợ, nấu cơm lo cho gia đình và buổi chiều lại vá lưới để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi mới. Và cứ thế, công việc của những nữ ngư phủ này xoay vần như một con thoi. Tuy vậy, với những phụ nữ nơi đây, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc, bởi họ thật sự làm chủ trong gia đình và không phải ngồi ngóng chồng đi biển về như những làng chài khác.

Buổi sáng, bãi biển Sơn Trà trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, bởi đây cũng là lúc những chiếc thúng của những nữ ngư phủ cập bãi. Trên bờ, những tư thương đang chờ để thu mua sản phẩm một đêm đánh bắt của những nữ ngư phủ. Chị Hai Hiệp, một người chuyên mua ghẹ trên bãi Sơn Trà cho biết: Những năm gần đây, các khu du lịch biển phát triển, nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ghẹ, mực tươi khá lớn. Hầu như sản phẩm đánh bắt của phụ nữ Sơn Trà không đủ để tiêu thụ, nhờ vậy mà giá ghẹ cao rất nhiều so với mấy năm trước đây.

Hiện giá ghẹ loại một được chị mua lại với giá từ 70-80 ngàn đồng/kg, nhiều lúc biển động lên tới trên 100 ngàn đồng/kg nhưng không có mà mua. Nhờ ghẹ, mực có giá nên đời sống của phụ nữ ở Sơn Trà đỡ hơn rất nhiều so với những năm trước. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân mà số lượng phụ nữ trong thôn đi biển ngày càng nhiều.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông, Phạm Tấn Lập, cho biết, xã Bình Đông chỉ có duy nhất xóm Sơn Trà là có phụ nữ đi biển. Không biết, nghề đi biển này có từ bao giờ, nhưng cách đây hơn chục năm, thôn chỉ có vài ba chục phụ nữ đi biển, dần dần chị em truyền cho nhau kinh nghiệm nên số lượng phụ nữ đi biển ngày càng nhiều và hiện lên trên cả trăm hộ. Ở những vùng biển khác, giải quyết việc làm cho phụ nữ nông nhàn đang là vấn đề đau đầu của địa phương, thế nhưng ở Sơn Trà, phần lớn phụ nữ đều có nghề... đi biển.

Chia tay bãi biển Sơn Trà hiền hoà, xinh đẹp, cầu mong trời mãi yên, biển lặng để những phụ nữ ngày ngày ra khơi và về với đầy tôm cá.

Theo Trà Giang (Vietnamnet)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video