Những phụ nữ ba đảm đang ngày ấy, bây giờ

16/03/2015
Trong không khí sôi sục của những ngày “Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động, phụ nữ Vĩnh Linh, Quang Trị - lũy thép anh hùng vừa là hậu phương trực tiếp của chiến trường Trị Thiên, vừa là tuyến đầu vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.... Những người chị, người mẹ ngày ấy giờ đây đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, tiếp tục là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Người cán bộ Hội kiên trung

Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, đã gần 90 tuổi nhưng bà Hoàng Thị Thơn vẫn rất minh mẫn. Trưởng thành qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, người con gái đất đỏ Vĩnh Trung ngày ấy là một nữ cán bộ năng nổ, tháo vát. Người ta luôn gặp hình ảnh bà đi lại như con thoi dưới làn đạn của kẻ thù để đến với phụ nữ, vận động chị em chiến đấu, sản xuất đảm bảo thực hiện tốt vai trò vừa chiến thắng kẻ thù và là hậu phương vững chắc của miền Nam. Ngày ấy, với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Biến mỗi làng thành một pháo đài chống giặc, giữ làng với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, người dân Vĩnh Linh mà hầu hết là phụ nữ vừa chiến đấu, vừa sản xuất để có lương thực tại chỗ. Công việc sản xuất phải thực hiện trong những khoảnh khắc giữa các đợt oanh tạc của kẻ thù, khi máy bay Mỹ đến là cầm súng dựa vào bờ ruộng, ngách hào đánh trả quyết liệt, khi giặc đi là lại lao vào sản xuất. Bà Thơn bùi ngùi nhớ lại: Có chị, chồng trực chiến hy sinh trên trận địa, chị và con trai xông vào trận địa chỉ kịp vuốt mắt cho chồng rồi để để anh nằm đó, tiếp tục cầm súng đánh trả máy bay địch. Ban thân bà Thơn lúc đó là mẹ của ba đứa con gái nhỏ, chồng là bộ đội trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Bà Thơn gửi con cho mẹ già để làm nhiệm vụ. Ngày nhận giấy báo tử của chồng, con gái út của bà chưa đầy tháng tuổi. Sợ bom địch oanh tạc trúng hầm sẽ mất luôn một lúc 3 đứa con thân, bà gửi 3 đứa con ở 3 nơi, nhờ bà con và hàng xóm nuôi giúp, cứ cuối tuần bà lại đội bom đạn hàng chục cây số tranh thủ tìm hết hầm nhà này đến hầm của nhà khác để thăm 3 con. Năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ác liệt, Vĩnh Linh có nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn, Khu ủy Vĩnh Linh chủ trương sơ tán người già và trẻ em ra các tỉnh miền Bắc, mẹ và các con lần lượt đi, một mình bà ở lại để tiếp tục nhiệm vụ của một người đứng đầu tổ chức Hội của đặc khu. Không quản ngại gian khổ, ngày cũng như đêm, bà hết lòng với phong trào của Hội động viên chị em sản xuất và chiến đấu. Kết thúc chiến tranh, đón các con từ miền Bắc trở về, nhờ bà con hàng xóm giúp đỡ, mấy mẹ con dựng tạm căn nhà bằng tranh tre nứa lá để trú nắng mưa, bà tiếp tục lãnh đạo phong trào phụ nữ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, trải qua nhiều cương vị công tác: từ Bí thư Hội phụ nữ thôn đến thẩm phán TAND rồi Hội trưởng Hội Phụ nữ đặc khu Vĩnh Linh (sau này là huyện Bến Hải), bà luôn là người cán bộ đầy bản lĩnh, kiên định với con đường đã chọn, trung thành với Đảng, tận tụy một lòng với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, với nhân dân. Do có nhiều công lao và thành tích được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp Hạng nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ Hạng nhất; Huân chương Độ lập Hạng Ba và nhiều huy chương, huy hiệu khác; Năm 2014, Bà được tặng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Sau hơn 35 năm công tác, nghỉ hưu trở về địa phương, cho đến nay tuy tuổi già sức yếu nhưng bà luôn là người tích cực, gương mẫu và là cây cao, bóng cả trong các phong trào, hoạt động ở địa phương, luôn dìu dắt cán bộ trẻ, tâm huyết với phong trào.

“Nữ tướng” chỉ huy trên mặt trận nông nghiệp.

 Ảnh minh họa

 Hồ Thị Dung

  Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, người con gái quê lúa Vĩnh Long (Vĩnh Linh) sớm giác ngộ cách mạng, luôn hăng hái trên mọi phong trào của xã, 23 tuổi bà Hồ Thị Dung được đứng vào hàng ngũ của Đảng và đảm nhận nhiều cương vị lãnh đạo ở xã từ UVBCH Hội Phụ nữ xã, Phó Chủ tịch - Trưởng Công an xã rồi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã... ở vị trí nào bà cũng thể hiện trách nhiệm của người đảng viên, tiên phong trong mọi nhiệm vụ.

Cũng như nhiều phụ nữ lúc bấy giờ, chồng đang tham gia chiến đấu chiến trường nam Quảng Trị, 2 con trai gửi cho 2 bà nội, ngoại ngoại theo kế hoạch K10, mình bà ở lại quê hương, chiến đấu trên cả 2 mặt trận: trực tiếp cầm súng và sản xuất nông nghiệp.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Khu ủy Vĩnh Linh chủ trương bằng mọi giá phải tổ chức sản xuất lương thực tại chỗ, hậu cần tại chỗ, nhiệm vụ sản xuất đặt ngang hàng với nhiệm vụ chiến đấu. Với khẩu hiệu: “Địch đến thì ta đánh, địch đi ta sản xuất, không để một tấc đất bỏ hoang”, bà cùng Đảng ủy xã Vĩnh Long chỉ đạo, tổ chức cho bà con tay cày vai súng, biến những hố bom, hố đạn trở thành lúa, khoai, sắn, rau màu. Bà nhớ lại: có những lúc địch đánh phá hết nhà cửa, cây cối, bà con tổ chức ra ăn ở tại ruộng, làm công sự và hầm trú ẩn ngay tại ruộng để cày cấy cho kịp thời vụ, có những phen tưởng chừng bị bom đạn vùi lấp, nhưng vẫn không rời tay súng tay cày dù gian khổ ác liệt vẫn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Bà cùng với tập thể lãnh đạo nhân dân trong xã thực hiện tốt phong trào cải tiến kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng năng suất; hướng dẫn các mẹ, các chị áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào trong nông nghiệp như cấy giống mới, giăng dây cấy thẳng hàng và đúng kỹ thuật; chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi gia đình và hợp tác xã...nhằm cải thiện đời sống của nhân dân, dự trữ lương thực để đảm bảo chiến đấu sản xuất và chi viện cho chiến trường miền Nam. Hòa bình lập lại, cùng với hành trang là kinh nghiệm và niềm tin sắt đá vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, bà cùng với nhân dân phấn khởi bắt tay vào công cuộc tái thiết quê hương, đưa Vĩnh Long hoang tàn ngày nào giờ thành vùng đất trù phú với những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những vùng rau tươi xanh mơn mởn, nhà cửa khang trang, cuộc sống khởi sắc. Giờ đây, tuy đã lớn tuổi, hàng ngày bên người chồng là bệnh binh trở về từ chiến trường B vui vầy cùng con cháu, bà vẫn nhiệt tình, tích cực, gương mẫu trong nhiều phong trào của địa phương và cộng đồng, luôn trăn trở với sự phát triển của quê hương.

Nữ xã đội phó dũng cảm ở địa đầu tuyến lửa

Nhắc đến những tháng năm quân và dân Vĩnh Linh gồng mình đấu tranh với kế hoạch đánh phá ác liệt của giặc Mỹ, người dân xã Vĩnh Giang và các xã giáp con sông Hiền Lương - nơi đầutuyến lửa Vĩnh Linh không ai là không biết đến O Dậu - Nữ xã đội phó mưu trí, dũng cảm từng chỉ huy hàng trăm dân quân, du kích trực tiếp chiến đấu với kẻ thù làm nên nhiều chiến tích ngày ấy. Bà Nguyễn Thị Dậu tham gia hoạt động cách mạng từ lúc 18 tuổi. Xung phong vào đội dân công hỏa tuyến, hăng hái tải đạn vào chiến trường, công việc không đơn giản đối với sức vóc của cô gái tuổi đôi mươi và còn rất nguy hiểm. Cùng với hàng trăm dân quân của xã, bà vượt qua làn đạn của giặc để kịp thời tiếp ứng đạn dược cho bộ đội, có những lúc thoát chết trong gang. Mưu trí, dũng cảm và những chiến tích suốt 4 năm làm dân công hỏa tuyến, bà được tin tưởng giao nhiệm vụ xã đội phó xã Vĩnh Giang, chỉ huy dân quân trực tiếp chiến đấu, mang vác hàng tấn đạn pháo phục vụ cho các đơn vị bộ đội chủ lực đồng thời đón nhận thương binh từ mặt trận chuyển về tuyến sau để chữa trị và đón nhận bộ đội hy sinh lo chôn cất, mai táng...Năm 1969, bà nhận nhiệm vụ mới làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Vĩnh Giang, vận động, tổ chức cho chị em vừa tham gia lao động sản xuất đảm bảo lương thực để phục vụ chiến đấu và chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong suốt những năm hoạt động của mình, bà không còn nhớ đã trực tiếp chỉ huy bao nhiêu trận đánh, mang vác bao nhiêu quả pháo vào chiến trường, tiếp nhận bao nhiêu thương binh và bộ đội hy sinh. Cuộc Bầu cử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 11/4/1971, bà vinh dự trở thành nữ Đại biểu Quốc hội duy nhất của Đặc khu Vĩnh Linh, từ đó đến năm 1975, bà gánh trên vai và hoàn thành xuất sắc trọng trách lớn, một sứ mệnh cao cả là mang tiếng nói, tâm nguyện của phụ nữ và nhân dân Vĩnh Linh đến với Đảng, với Quốc hội.

Trở về cuộc sống đời thường, bà Dậu tự hào, mãn nguyện bên cạnh chồng con và các cháu. Bà luôn là tấm gương tích cực trong các phong trào, hoạt động của các đoàn thể của xã Vĩnh Giang, xứng đáng với sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đã trao tặng: Huân chương chiến thắng Hạng Nhì; Huân chương kháng chiến chống Mỹ Hạng Ba; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương và Bằng khen của Hội LHPN Việt Nam.

Trần Thị Thúy Nga, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video