Những phụ nữ Hà Giang tiên phong phát triển kinh tế

10/10/2020
Chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đưa giống cây trồng vào thử nghiệm, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế… đó là những tấm gương tiên phong phát triển kinh tế của tỉnh Hà Giang
Chị Mua Thị Sày chăm sóc đàn bò.

Tiên phong chăn nuôi theo hướng hàng hóa (5/10)

Ở thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi (Mèo Vạc), ai cũng biết đến gia đình chị Mua Thị Sày – một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc, được bà con trong thôn học tập.

Thôn Mã Pì Lèng có 97 hộ, 100% dân tộc Mông. Chăn nuôi bò đã gắn với người Mông từ bao đời nay, phục vụ đắc lực trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, kinh nghiệm chăn nuôi bò của người Mông đã được đúc kết qua nhiều thế hệ. Nếu như trước đây, chăn nuôi bò chủ yếu để cày kéo và làm nhu yếu phẩm cho gia đình khi cần thiết, thì nay, người Mông ở thôn Mã Pì Lèng nói riêng, xã Pả Vi nói chung đã chuyển đổi tư duy sang chăn nuôi hàng hóa để phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Chị chia sẻ: Tôi lấy chồng rồi ra ở riêng từ năm 2014. Thời điểm đó cuộc sống gia đình rất khó khăn, mấy năm liền là hộ nghèo của thôn, xã. Nhận thấy chỉ có chăn nuôi gia súc mới có thể cho cuộc sống khấm khá hơn. Hai vợ chồng tôi quyết định vay mượn tiền của anh em để mua và nuôi bò sinh sản. Khi có Nghị quyết 209, 86 của HĐND tỉnh, chúng tôi tiếp tục vay vốn để mở rộng chăn nuôi. Để đảm bảo đàn bò khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, tôi tích cực trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn và thực hiện nghiêm việc tiêm phòng dịch bệnh và phòng, chống đói, rét cho đàn bò theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Vì thế, đàn bò của gia đình luôn duy trì ổn định và đem lại thu nhập khá.

Chị Mua Thị Sày chia sẻ kinh nghiệm trồng cỏ với chị em trong thôn.

Được biết, trước đây phương thức chăn nuôi của gia đình chị Sày cũng như các hộ dân trong thôn là sáng thả bò, tối lùa về, vừa phải có người chăn dắt, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ bò bị ngã núi; mùa Đông cỏ tự nhiên khan hiếm, đàn bò dễ bị ốm, chết do đói, rét. Tuy nhiên những năm qua, được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp và tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, chị Sày đã tích cực trồng cỏ Voi làm thức ăn để nuôi bò nhốt. Hiện nay gia đình chị có gần 1 ha cỏ; đảm bảo đủ thức ăn cho đàn bò cả trong mùa Đông. Vì vậy, đàn bò luôn phát triển ổn định. Hiện gia đình chị có 3 con bò cái sinh sản, mỗi năm xuất bán được từ 1 – 2 con, thu về từ 25 – 30 triệu đồng. Giờ đây gia đình chị đã thoát nghèo.

Bí thư Chi bộ thôn Mã Pì Lèng, Vừ Thị Mỷ, cho biết: Chị Sày không chỉ đi đầu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, chị còn là Hội trưởng Chi hội phụ nữ tích cực giúp đỡ các hội viên. Với kinh nghiệm chăn nuôi bò sinh sản, chị thường xuyên hướng dẫn các hội viên trong thôn phương pháp chăn nuôi, chăm sóc đàn gia súc, nhất là việc duy trì đàn, trồng cỏ và phòng, chống đói, rét cho gia súc. Vì vậy, hiện nay đàn bò trong thôn chúng tôi duy trì tốt với trên 300 con, bình quân 3 con/hộ. Lĩnh vực chăn nuôi đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn chỉ còn trên 40%.

Đưa giống chanh tứ mùa lên đất Phương Tiến

Chị Nguyễn Thị Bi, thôn Sửu, xã Phương Tiến (Vị Xuyên) là người đầu tiên đưa giống chanh tứ mùa về trồng thử nghiệm, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.

Vườn chanh tứ mùa của chị Nguyễn Thị Bi.

Xây dựng gia đình và ra ở riêng năm 1999. Khi ấy vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Thị Bi phải cùng chồng sống tự lập với một mảnh đồi nhỏ. Sau bao năm lam lũ với nương ngô, sắn mà cái  đói, cái nghèo vẫn đi theo mãi gia đình. Với ý chí vươn lên thoát nghèo và bản tính cần cù chịu thương, chịu khó, năm 2017, chị mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được 20 triệu đồng để lập nghiệp. Sau đó, chị lặn lội đến các nhà vườn trồng cây ăn quả xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) mua cây giống chanh tứ mùa về trồng. Sau 2 năm, 500 gốc chanh cho thu hoạch với giá bán 15.000 đồng/kg; mỗi cây cho sản lượng 90 kg/năm lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/năm. Để tăng thêm thu nhập, chị Bi nuôi thêm gà ri, vịt bầu, ngan Pháp; 8 con trâu, 20 lợn nái, 25 con lợn thương phẩm… mỗi năm đem lại thu nhập 200 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Bi tâm sự: Lúc đầu tôi mang cây chanh tứ mùa lên trồng, ai cũng bảo liều, lỡ thất bại thì lấy đâu tiền trả ngân hàng. Nhưng may mắn thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên cây lớn nhanh, ít tốn công chăm sóc, đề kháng sâu bệnh tốt và ra nhiều quả. Hiện nay người dân trong thôn, xã đang tích cực nhân rộng diện tích trồng chanh tứ mùa, nhằm tăng thu nhập.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phương Tiến, Nguyễn Thị Hường cho biết: Chị Nguyễn Thị Bi, luôn tích cực ủng hộ các phong trào ở địa phương và tự nguyện đóng góp kinh phí cùng với thôn xây dựng các công trình phúc lợi; là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Thời gian tới, Hội tăng cường tuyên truyền, vận động, định hướng hội viên học hỏi, nhân rộng mô hình của chị Bi.

baohagiang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video