Những phụ nữ Khmer vượt khó làm giàu

15/09/2006
Những năm gần đây, từ các phong trào chung của Hội Liên hiệp Phụ nữ, nhiều phụ nữ Khmer ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã tích cực tham gia công tác xã hội; tìm tòi, học hỏi khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... để tăng thu nhập cho gia đình và góp phần làm giàu cho xã hội. Có chị đã trở thành cán bộ khoa học kỹ thuật, có người giữ vai trò chính trong việc tổ chức sản xuất của gia đình...
Kỹ sư Nông học Thạch Thị Tiền

Chị Thạch Thị Tiền, ở ấp Đại Nghĩa, là người có ý chí phấn đấu học tập. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành nông học loại khá, chị Tiền về làm việc tại Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tam Bình. Với nhiệm vụ được giao, chị thường xuyên hướng dẫn bà con kiến thức về khoa học kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh phá hại cây trồng. Không chỉ có vậy, chị còn tích cực vận động nông dân trồng màu luân canh trên đất ruộng; khuyến khích nông dân trồng màu xen trong vườn cây ăn trái, cách cải tạo đất vườn… để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất.

Không chỉ là cán bộ giỏi, chị Tiền còn là người vợ, người mẹ đảm đang, chịu thương, chịu khó. Hàng ngày, cứ xong công việc của người cán bộ bảo vệ thực vật, chị về nhà chăm lo cho chồng và 2 con nhỏ. Chồng chị là thương binh hạng 2/4, vì vậy một mình chị phải bươn chải, gánh vác công việc nặng nhọc để lo cho cuộc sống gia đình. Từ đồng lương của mình, chị tiết kiệm chi tiêu để nuôi heo. Rồi từ đó tích lũy dần, chị sang thêm đất và trồng cỏ nuôi bò. Với cách tổ chức sản xuất như thế, hàng năm chị có thêm khoản thu nhập hàng chục triệu đồng.

Chị Nuôl VACR

Bà con ở ấp Cần Súc, xã Loan Mỹ quen gọi Chi Thạch Thị Nuôl bằng cái tên như vậy, do chị là người áp dụng thành công mô hình vườn – ao - chuồng – ruộng (VACR).

Năm1982, khi ra riêng, chị Nuôl được cha mẹ cho 4 công ruộng. Với tính cần cù và chịu khó, sau khi được dự các lớp tập huấn khuyến nông, chị áp dụng ngay mô hình VACR để sản xuất trên diện tích 4 công đất nhà . 2 công chị bố trí trồng cam, 1 công chuyên trồng rau, 1 công đất còn lại trồng lúa. Chị  còn tận dụng diện tích vườn và mặt nước ao mương xây chuồng nuôi heo và nuôi cá. Chị Nuôl cho biết: “Nhờ sản xuất kết hợp như vậy, tôi đã giảm được chi phí đầu tư rất nhiều, mà rủi ro do giá cả thị trường cũng rất ít”. Biết vén khéo trong chi tiêu, chị Nuôl tích lũy dần mua được 12 công ruộng.

Theo chị ước tính, giờ đây mô hình VACR của gia đình mỗi năm cho thu nhập trên 60 triệu đồng. Chị đã xây dựng xong một ngôi nhà khá khang trang, các con đều được học hành đàng hoàng.

Thạch Thị SaRin vượt khó

Cùng xóm với chị Nuôl, chị Thạch Thị SaRin, sinh năm 1966, được nhiều người mến phục về tính kiên trì vượt khó. Gia đình chị có 7 công ruộng, 5 công vườn. Đất nhiều, nhưng trước đây không có kỹ thuật canh tác nên công việc sản xuất của vợ chồng chị làm không đạt hiệu quả cao. Kinh tế gia đình của chị SaRin cứ ngày càng kiệt quệ thêm. Qua nhiều đêm suy nghĩ, bàn bạc cùng chồng, chị SaRin tìm đến Hội Nông dân xã để nhờ hỗ trợ vốn vay theo chương trình VAC  (chương trình hỗ trợ cho người nghèo, với lãi suất thấp). Chị được vay 2 triệu đồng và bắt tay vào cải tạo 5 công vườn trồng cam sành và nuôi thêm heo. Chị đăng ký học tập các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, qua đó biết cách áp dụng phương pháp sạ thưa theo chương trình “3 giảm - 3 tăng”. Chị SaRin nói: “Sạ lúa theo cách này vừa giảm được chi phí đầu tư mà lợi nhuận lại rất cao”.

Đến nay, chị đã mở rộng  được diện tích đất sản xuất lên 28 công. Gia đình chị cũng vừa xây xong căn nhà trị giá trên 200 triệu đồng. Nhờ quyết tâm vượt khó, giờ đây gia đình chị SaRin đã vươn lên giàu có.

Bài, ảnh: CHÍ CƯỜNG (Cần Thơ)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video