Những phụ nữ nghèo vượt khó

29/10/2007
Thanh Hóa là tỉnh đông dân, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ còn tới 19%. Sau 3 năm thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho các hộ nghèo vay vốn, Hội LHPN các cấp đã giúp cho hơn 8.000 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo

Tin chị Vũ Thị Trúc, xóm Trung Sơn, phường Đông Sơn, được “lên tỉnh” báo cáo điển hình về phụ nữ vượt khó vươn lên làm giàu đã được truyền đi nhanh chóng trong các cấp hội phụ nữ ở thị xã Bỉm Sơn. Ai cũng chia vui với người phụ nữ tháo vát, chăm chỉ làm ăn. Chỉ mới 4 năm trước, cả gia đình 5 khẩu này nhọc nhằn, lam lũ, đầu tắt, mặt tối mà vẫn không đủ ăn. Năm 2003, được tổ phụ nữ thôn xét cho vay 4 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH để đầu tư phát triển kinh tế, gia đình chị mua một con bê và một con bò cái, “mở hướng đầu tư” vào chăn nuôi. Một năm sau, con bò đẻ được thêm một con bê, song nhà chị vẫn chưa thể thoát nghèo. Chị nghĩ, muốn thoát nghèo ở vùng đất này thì phải đầu tư theo mô hình trang trại. Thế là nhân lúc giá bò đang cao, chị bán cả 3 con bò được 16 triệu đồng. Cùng với vốn tiết kiệm, chị vay thêm 5 triệu đồng từ  NHCSXH và của một số bạn bè, anh em, chị mạnh dạn đầu tư sửa sang chuồng trại, mua 115 con lợn nhỡ, 4 mẹ lợn nái. 4 tháng sau, chị bán số lợn nhỡ được 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lại 60 triệu đồng. Số lợn nái đẻ ra, chị để nuôi thành lợn thịt. Có thêm vốn, gia đình lại đấu thầu thêm một số diện tích đập của phường thả 2 tấn cá giống; thầu thêm 2 ha đồi tạp, cải tạo  trồng mía nguyên liệu. Ngoài ra chị Trúc còn đầu tư chăm sóc 2 ha bạch đàn, keo tai tượng, chăn nuôi thêm 100 con gà, vịt, ngan, ngỗng... Với mô hình trang trại trên, cuối năm, gia đình chị Trúc có thu nhập trên 100 triệu đồng từ cá, lợn, gà, mía... Từ 2 bàn tay trắng, giờ đây chị Trúc đã có một căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, “thế chỗ” cho 2 gian nhà dột nát trước kia. Với cương vị là tổ trưởng tổ vay vốn, mỗi năm chị còn giúp con giống không tính lãi cho những phụ nữ nghèo trong phường phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

“Cảm ơn hội phụ nữ xã, NHCSXH huyện Quảng Xương, chị em phụ nữ thôn Phú Cường đã cho tôi cái “cần câu” để câu “con cá”...”. Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Thôn ở thôn Phú Cường, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương nói trong buổi tham luận về sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả do Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức. Chị Thôn sinh ra trong một gia đình nghèo ở Quảng Lĩnh, lấy chồng về xã Quảng Trường. Gia đình chồng đông anh em, ngoài vài sào ruộng khoán không có nguồn thu nhập nào khác. Khi hai vợ chồng ra ở riêng chỉ có căn nhà lá 2 gian trên mảnh vườn bố mẹ chồng chia cho. Chị chạy chợ, làm thuê khắp xã; chồng vào Nam, ra Bắc phụ giúp vợ kiếm tiền nuôi con nhưng vẫn bữa no, bữa đói. Năm 2003, chị tham gia sinh hoạt phụ nữ ở thôn và được chị em trong tổ vay vốn tạo điều kiện cho chị vay 3 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của NHCSXH, đầu tư mua một con bò sinh sản và lợn nái. Ngày qua ngày, công sức bỏ ra chăn nuôi đã cho chị kết quả. Chị Thôn trả hết số nợ cũ và được vay số vốn mới 5 triệu đồng đầu tư nuôi bò, lợn với số lượng nhiều hơn. Chị đầu tư 1 máy vò lúa, trừ chi chí mỗi vụ được lãi 1,5 tấn thóc. Năm 2006, trừ chi phí gia đình chị thu nhập được 15 triệu đồng và đã thoát được nghèo. Kinh tế dần khá lên, chị Thôn đã xây dựng được một ngôi  nhà mái bằng khang trang với các tiện nghi thiết yếu cho sinh hoạt gia đình. Chị Thôn được bầu chọn là hội viên xuất sắc tiêu biểu 5 năm của xã trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phú ”.

 Chị Trúc, chị Thôn chỉ là 2 trong số hơn 80 nghìn hội viên nghèo đang được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh cho vay vốn phát triển kinh tế  qua ủy thác của NHCSXH. Trao đổi với lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, chúng tôi được biết: năm 2004, Hội LHPN tỉnh đã tiến hành khảo sát trên diện rộng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Kết quả điều tra khảo sát đã cho thấy trong số hơn 27,5 vạn hộ nghèo trong tỉnh thì có hơn 5,2 vạn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ (chiếm hơn 19%). Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ này được biết: thiếu vốn là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến nghèo. Chính vì vậy cần tăng cường nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Việc NHCSXH và Hội LHPN ký hợp đồng ủy thác cho các hộ nghèo vay vốn là nhằm tăng cường các “kênh” tạo vốn cho chị em phát triển sản xuất.

Trong 3 năm thực hiện hợp đồng ủy thác với NHCSXH, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tổ chức tập huấn cho hàng trăm ngàn lượt cán bộ hội, từ tổ trưởng vay vốn đến ban chấp hành hội phụ nữ xã về cách quản lý vốn, theo dõi, ghi chép các loại sổ sách, công tác kiểm tra, giám sát... Ngoài việc được vay vốn, hội viên còn  được tập huấn ứng dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, được dạy nghề mới... Các thành viên trong tổ vay vốn thực hiện chế độ sinh hoạt định kỳ hàng tháng để được trao đổi kinh nghiệm, thông qua đó nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc của các hội viên để có biện pháp giải quyết kịp thời. Hầu hết phụ nữ vay vốn đều phát huy được hiệu quả đồng vốn, hoàn trả gốc, lãi đúng kỳ hạn. Năm 2004, tổng dư nợ là 229 tỷ 490 triệu đồng, đến tháng 3 năm 2007, tổng dư nợ tăng lên 404 tỷ 896 triệu đồng, cho hơn 80 nghìn hội viên phụ nữ nghèo vay vốn, trong đó có  8.375/51.780 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo.

Có thể nói, hiệu quả từ đồng vốn vay ủy thác đã rõ. Tuy nhiên, nhiều hộ nghèo đều chung kiến nghị được nâng mức vay lên trên 10 triệu đồng, tạo điều kiện cho họ có đủ vốn để sản xuất, chăn nuôi ở quy mô lớn hơn. Nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo tiếp tục muốn được vay thêm 1 chu kỳ nữa bởi vì thoát nghèo chưa thực sự bền vững, điều kiện kinh tế gia đình chưa thực sự ổn định, vẫn cần được vay vốn để tiếp tục phát triển kinh tế. Hiện tại vẫn còn khoảng 30% hộ nghèo chưa được tiếp cận với nguồn vốn  vay ưu đãi, những điều đó đang đặt ra cho các cơ quan chức năng cần nghiên cứu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho những phụ nữ nghèo vươn lên.  

Tô Dung
Thanh Hoá

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video