Những phụ nữ tiên phong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

15/09/2016
Ở những trang trại tươi xanh ở Shibar thuộc một tỉnh miền Trung Afghanistan, phụ nữ đang đi tiên phong trong làn sóng mới của các hiệp hội nông trang quy mô nhỏ. Đây là sự thay đổi lớn, đảo ngược lại truyền thống và thay đổi bộ mặt của một khu vực nghèo khó.

Các hiệp hội đã thiết lập chuỗi cung ứng ra thị trường tại tỉnh miền Trung Bamian. Chỉ trong vài năm, họ đã giới thiệu khá nhiều sản phẩm mới nhằm cải thiện bữa ăn truyền thống vốn khiêm tốn. “Ngày trước, ở đây chỉ trồng khoai tây và lúa mì. Hiện tại, chúng tôi có thêm bắp cải, súp lơ, cà chua, đậu và các loại rau khác”, Zainab Husseini, một giáo viên sinh học bán thời gian ở trường trung học, nhà lãnh đạo hiệp hội nông trang tại làng Iraq-ulya, cho biết.

Những hiệp hội này nhờ cải tổ nông nghiệp truyền thống, đã góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm tin cậy và bền vững trong một khu vực thường xuyên xảy ra nạn đói. Trong quá trình ấy, phụ nữ tham gia các hiệp hội đã nâng cao được vị thế của mình nhờ được trao quyền. Họ không phải được đón chào theo kiểu “mẹ của Ahmad hay vợ của Mahmoud” mà là “lãnh đạo hiệp hội Gul Bahar” hay “phó lãnh đạo Reza Gul”.

Hiệp hội đã đưa người phụ nữ của Bamian đứng lên hàng ngũ tiên phong trong làn sóng định hình nền kinh tế Afghanistan tránh phụ thuộc và viện trợ nước ngoài. Vì thế, nông nghiệp rõ ràng là một phần không thể thiếu trong chương trình đó. Gần 40% dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ (1,35 USD/ngày). Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 80% dân số Afghanistan và 90% dân số nghèo sống ở các cộng đồng nông thôn. Nông nghiệp trở thành trung tâm không chỉ trong cuộc chiến chống suy dĩnh dưỡng mà còn tạo ra việc làm ổn định.

Theo các nhà phân tích kinh tế Afghanistan, nếu nước này có thể quản lý tốt tài nguyên nước và thiết lập mối liên kết bền vững giữa các nông trang và thị trường thì lĩnh vực nông nghiệp có thể tạo ra 2-5 triệu việc làm mới ổn định hoặc tăng gấp đôi tỷ lệ ngành này tính về GDP. Tuy nhiên, ở vùng xa xôi như Bamian, địa hình là một cản trở lớn để mang sản xuất đến với thị trường. Sau khi Taliban phá hủy bức tượng Phật khổng lồ năm 2001, tỉnh Bamian hầu như chỉ còn kết nối với thế giới bên ngoài bằng một thứ duy nhất: Khoai tây. Trong năm 2015, Bamian sản xuất được gần 350.000 tấn khoai tây, chiếm 65% tổng lượng tiêu dùng của quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, việc chỉ có một sản phẩm duy nhất khiến nông dân ở Bamian dễ bị tổn thương và thiệt thòi trong giao dịch, rất khó khăn để đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cần thiết cho cả năm.

Vị thế thay đổi

Trong mùa thu hoạch, giá khoai tây rẻ như bèo, gần 150 USD/tấn (tương đương 3,3 triệu đồng). Nông dân không có cách nào để giữ lại khoai tây đến mùa đông, khi giá có thể tăng gấp đôi. Gần 500 cơ sở làm lạnh được xây dựng tại Bamian với sự giúp đỡ của chính phủ trong những năm gần đây là không thể đáp ứng đủ. Cơ sở nhỏ nhất lưu giữ được 15 tấn, cơ sở lớn hơn là khoảng 60 tấn.

Thực tế này buộc chính phủ Afghanistan và các đối tác quốc tế phải thúc giục người dân tìm ra các sản phẩm gieo trồng mới. Những phụ nữ như bà Husseini đã nhanh chóng nắm bắt, trở thành người tiên phong. Khoảng 5 năm trước, Husseini tham gia một nhóm nữ quyền địa phương và thành lập các hiệp hội nông dân nhỏ, tìm kiếm sự giúp đỡ từ Bộ Nông nghiệp Afghanistan. Bộ này đã cung cấp các dự án thí điểm, giúp nông dân cải thiện giống cây trồng và học hỏi công nghệ kỹ thuật mới như hệ thống tưới nhỏ giọt hay chuẩn khoảng cách giống cây trồng.

“Trước đây, khoai tây khi thu hoạch có kích thước khá nhỏ. Khi lái buôn tới, họ thường gạt bỏ tới một nửa. Giờ đây, họ thu mua tất cả, trọng lượng mỗi củ khoai tây trung bình là 1kg”, bà Husseini, lãnh đạo hiệp hội ở Iraq-ulya, cho biết. Hiện có 8 hiệp hội nông dân ở Bamian, mỗi hiệp hội có khảng 30 phụ nữ. Ngoài cải thiện sản lượng khoai tây, họ còn gieo trồng các loại rau củ mới, cây ăn quả.

Trên mảnh vườn nhỏ, Najia, Phó chủ tịch hiệp hội ở Iraq-ulya, trồng bắp cải, rau diếp và cà chua. Rau diếp mang lại thu nhập 70 USD, cà chua khoảng 80 USD còn bắp cải là 40 USD. Najia còn đảm nhận việc kết nối hiệp hội với thị trường ở thủ phủ tỉnh Bamian, cung cấp rau sạch đến 6 cửa hàng. Mỗi lần các thành viên hiệp hội thu hoạch sản phẩm đều mang đến để Najia vận chuyển bán ra thị trường. Khi hoạt động kinh tế gia tăng, nắm giữ thu nhập, bản thân người phụ nữ cho biết, họ nhận thấy sự thay đổi về vị thế của mình với cộng đồng. “Mọi người mời tôi tham dự các bữa tiệc, thậm chí họ hỏi ý kiến của tôi về một số vấn đề”, một thành viên hiệp hội cho biết.

(Theo Thái Thanh - Báo phụ nữ Việt Nam số 109 ra ngày 09/09/2016)

Theo: Thái Thanh, Báo PNVN (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video