Những phụ nữ vượt lên số phận

07/07/2008
Chiến tranh, thiên tai đã bòn rút tuổi xuân và hạnh phúc của hàng trăm phụ nữ đơn thân ở xã Ngư Lộc. Nhưng sau những giọt nước mắt tủi hờn, đắng cay là nghị lực sống mạnh mẽ...

* Những số phận không may mắn...

Căn nhà bé tí teo, chủ nhân thì gầy gò, mỏng manh. Ở tuổi đôi mươi, chị Trần Thị Bản cũng có một tình yêu đẹp với người thanh niên cùng làng. Năm 27 tuổi, hoàn thành nghĩa vụ Thanh niên xung phong từ chiến trường trở về thì hay tin người yêu đã hy sinh ngoài mặt trận. Xuân thì đã qua, tinh thần suy sụp, kèm theo bệnh tật đã bòn rút hầu như toàn bộ sức lực của chị. Nghĩ mình phận bạc nên chị từ chối tất cả những lời đề nghị xây dựng mái ấm. Khi còn sức thì dựa vào con cá, con mắm, buôn đầu chợ bán cuối chợ để sống. Đến nay, ốm yếu, bệnh tật thì nhờ vào trợ cấp của Nhà nước và sự đùm bọc của bà con chòm xóm. Nước mắt ngân ngấn cứ chực trào ra cùng những lời tâm sự ngắt quãng của chị: - Căn nhà tôi ở trước kia che đằng trước chắn đằng sau mà lúc nào cũng muốn sụp xuống. Đến năm 2003, tôi được Huyện đoàn Hậu Lộc hỗ trợ 5 triệu đồng, bà con làng xóm người góp công, người góp của, làm cho ngôi nhà vững chãi. Tôi cảm động vô cùng...

Có được mái nhà, cuộc sống của người phụ nữ đơn thân đặc biệt khó khăn này đã bớt phần long đong.

Có hàng trăm phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đáng thương như chị Bản ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Vào những năm từ 1997 đến 2005, Ngư Lộc đã từng có những “xóm không chồng” - một dạng sinh hoạt câu lạc bộ do chị Đồng Thị Bốn, nguyên là Thường vụ Hội LHPN xã Ngư Lộc chủ trương thành lập. Cả xã có hơn 180 chị em đơn thân, chia làm 7 tổ, sinh hoạt định kỳ dưới sự điều hành của ban chấp hành hội phụ nữ xã. Mục đích là để chị em có điều kiện nương tựa, chăm sóc động viên lẫn nhau về mặt tinh thần, hỗ trợ về vật chất để cuộc sống bớt phần vất vả. Chị Bốn nay đã mất, và cái tên “xóm không chồng” cũng lùi dần vào quá khứ. Từ năm 2005, xã đã giúp đỡ, tuyên truyền, vận động chị em tham gia vào các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong xã để chị em có thể nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt hơn. Chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Đến nay, toàn xã đã có khoảng 2.500 hội viên, trong đó số hội viên là phụ nữ đơn thân khoảng trên 100 người. Mỗi chị có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu chung lại đều hết sức đáng thương. Do đặc trưng là xã ngư nghiệp, nên các gia đình ở Ngư Lộc đặc biệt coi trọng con trai. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nam, nữ chênh lệch, khiến không ít phụ nữ trong xã khó khăn trong việc lấy chồng và xây dựng gia đình. Trong khi ở nông thôn, con gái 25, 26 tuổi mà chưa có “bến đỗ” đã bị coi là quá lứa lỡ thì. 3 chị em ruột Đặng Thị Nhàn, Đặng Thị Thót, Đặng Thị Vạnh không lấy được chồng mà bị gia đình coi như gánh nặng, phải dắt díu nhau rời quê hương bản quán phiêu bạt nơi đất khách quê người. Có người chưa kịp cưới thì người yêu hy sinh, có người tuổi xuân bỏ lại chiến trường như chị Bản. Có người chồng đi biển bị chết, mất tích, rồi mất chồng vì tai nạn giao thông, v.v... Lại có trường hợp như gia đình ông Nguyễn Văn Hảo do không có công ăn việc làm, kinh tế gia đình kiệt quệ mà cả 3 con gái và người vợ hai phải đi làm ăn xa để rồi bị lừa bán sang Trung Quốc. Đặc biệt, sau trận áp thấp nhiệt đới năm 1996 đã gây thêm nhiều hoàn cảnh góa bụa thương tâm. Vào thăm gia đình bà Trần Thị Bảy, thôn Thắng Tây, lúc bà Bảy đang ngồi lọt thỏm trong góc nhỏ của hiên nhà tráng bánh cuốn. Bà Bảy năm nay 73 tuổi, lưng đã còng sụm xuống vì gánh nỗi đau quá lớn. Trận áp thấp nhiệt đới đã cướp đi của bà 2 người con trai, 1 người con rể và 1 cháu trai; 2 con dâu và 1 người con gái của cụ mất chồng. Những người đàn ông mất đi, gia đình kiệt quệ về kinh tế và rơi vào hố sâu khủng hoảng tinh thần. Mất bao lâu nữa, buồn đau mới liền sẹo trong lòng những người phụ nữ gia đình bà?...

* Nghị lực sống mạnh mẽ

Nhưng như bao người mẹ, người vợ khác, sau những giọt nước mắt tủi hờn, cay đắng là nghị lực sống mạnh mẽ. Chị Bản dù ốm yếu vẫn tích cực tham gia hoạt động hội và các phong trào khác của xã. Chị lạc quan, trân trọng mái ấm mà cộng đồng, xã hội đã xây dựng cho mình và hạnh phúc trong sự đùm bọc, sẻ chia của bà con chòm xóm. Được Hội LHPN làm đầu mối, tạo điều kiện cho vay 5 triệu đồng tiền vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Bảy và con dâu thứ đã đầu tư chăn nuôi lợn, làm bánh đa, bán bánh cuốn. Vất vả, tất bật đủ kiếm mươi, mười lăm nghìn đồng mỗi ngày nuôi con cháu ăn học và để khỏa lấp đi nỗi đau cứ hàng đêm lại nhen nhói trong lòng. Chị Đặng Thị Thúy, ở thôn Thắng Tây, khi chồng mất để lại 5 đứa con mọn, một mình chị tần tảo buôn bán nuôi cả 5 con khôn lớn, trong đó có 2 cháu đã tốt nghiệp đại học. Chị Ngô Thị Khánh, thôn Bắc Thọ, dù chỉ một thân một mình nhưng bằng nghị lực và khả năng quản lý kinh tế giỏi, đã tổ chức được một tổ hợp chế biến hải sản, tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho từ 5 đến 7 lao động. 2 trẻ mồ côi được chị nhận nuôi dưỡng từ bé nay đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Chị Phạm Thị Thanh, Phó chủ tịch Hội LHPN xã có chồng mất do tai biến mạch máu não, con trai chị đang học cao đẳng phải bỏ dở do bị suy thận giai đoạn 2. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, lận đận nhưng chị vẫn nhiệt tình, tâm huyết và có nhiều đóng góp cho công tác hội, không mưu cầu lợi ích cá nhân... Tôi chợt nghĩ về nghị lực sống của họ như “sợi cáp bằng thép” mà Coleen Mc Cullough trong tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” đã viết: “... ở một số người lòng ham sống rất mạnh, ở một số khác lại yếu hơn. Ở Mecghi điều đó mảnh mai và chắc chắn như sợi cáp bằng thép...”

Ngoài nghị lực của bản thân, trong những năm qua, những phụ nữ đơn thân ở xã Ngư Lộc luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần của cấp ủy, chính quyền xã Ngư Lộc. Hội LHPN xã đã cố gắng tiếp cận với nhiều nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Dự án phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, vốn vay cho học sinh, sinh viên nghèo để hỗ trợ chị em sản xuất, kinh doanh; đồng thời, vận động các hội viên tham gia đóng góp gây quỹ để hỗ trợ những chị em là phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn để phát triển sản xuất. Đến nay đã có trên 10% chị em phụ nữ đơn thân thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá giả. Những phụ nữ đơn thân đã và đang có một mái nhà chung ấm áp trong cộng đồng xã hội. Từ sự hỗ trợ của cộng đồng, xã hội, dần vượt lên khó khăn ổn định cuộc sống. Tuy nhiên hầu hết chị em phụ nữ đơn thân vẫn thuộc diện hộ nghèo. Do đó cần có sự quan tâm giúp đỡ hỗ trợ thiết thực hơn từ phía cộng đồng, xã hội.

Theo www.thanhhoa.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video