Những phụ nữ xứ Thanh nỗ lực hết mình vì phong trào quê hương

01/07/2021
Với vai trò là đảng viên, cán bộ thôn bản, chi hội trưởng phụ nữ, các chị đã luôn nỗ lực, tận tâm trong công tác xã hội, đưa các phong trào của địa phương, đoàn thể lan tỏa vào cuộc sống, xây dựng làng quê ngày càng khởi sắc, văn minh, tốt đẹp hơn
Chị Dương Thị Hoa (ở giữa) cùng các hội viên chi hội phụ nữ thôn 6, xã Thọ Thế (Triệu Sơn) tham quan mô hình cây ăn quả tại địa phương (Nguồn ảnh Báo Thanh Hóa)

- Chị Dương Thị Hoa - chi hội trưởng phụ nữ năng nổ, tận tâm

Với những hành động cụ thể “nói đi đôi với làm”, chị Dương Thị Hoa, đảng viên, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn 6, xã Thọ Thế, huyện Triệu Sơn luôn gương mẫu, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, tận tâm với công việc, hết lòng với hội viên, phụ nữ và phong trào địa phương.

Để thực hiện hiệu quả các phong trào, trong đó có phong trào “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, chị Hoa đã tuyên truyền, vận động 60 hội viên phụ nữ tham gia tích cực đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn, tham gia góp ngày công dọn đường... Trong chi hội, chị luôn tìm cách đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, chị phân công nhiệm vụ cho các tổ đảm nhiệm công việc hoạt động theo tuần, tháng, sinh hoạt định kỳ, hàng năm để các kỳ sinh hoạt ngày càng thiết thực, bổ ích, tạo cơ hội cho các hội viên học hỏi lẫn nhau, chia sẻ cách làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Chi hội đã thành lập CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, chi hội kiểu mẫu 5 không, 3 sạch, chia hội viên làm 4 tổ gắn với các đoạn đường hoa và công tác vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, chị đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chị em cùng tham gia học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vận động hội viên tham gia nuôi lợn nhựa tiết kiệm lấy tiền tương trợ cho chị em vay để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Trong 4 năm qua, bằng các hình thức giúp hội viên vay vốn, giới thiệu việc làm, tư vấn kiến thức đã giúp được nhiều hội viên thoát nghèo.

Với vai trò là chi ủy viên, chị luôn xác định rõ trách nhiệm của mình, kịp thời tuyên truyền cho hội viên phụ nữ các chủ trương, kế hoạch của chi bộ, vận động hội viên phụ nữ và người dân thực hiện tốt các phong trào của địa phương.

Chị Hoa còn là tấm gương tiêu biểu trong làm ăn, phát triển kinh tế gia đình từ mô hình trồng bưởi da xanh và cấy lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với những nỗ lực của chị Dương Thị Hoa, phong trào phụ nữ và hoạt động của chi hội phụ nữ thôn 6 nói riêng và Hội phụ nữ xã Thọ Thế nói chung đã có nhiều khởi sắc, cá nhân chị Hoa nhiều năm liền được các cấp ghi nhận, khen thưởng.

- Người phụ nữ “vác tù và hàng tổng” ở bản vùng cao

Chị Hà Thị Tự, sinh năm 1961, người dân tộc Mường, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao (Bá Thước, Thanh Hóa) luôn năng nổ, nhiệt tình với công việc. Không ít người nói, chị “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng chị luôn tâm huyết rằng việc gì tốt cho dân, cho bản là còn nỗ lực hết mình.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Kịt, lấy chồng về làm dâu ở thôn Cao Hoong, chị Tự thấu hiểu sự khốn khó ở hai thôn vùng sâu, vùng xa của huyện vùng cao Bá Thước này. Với vai trò là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Cao Hoong, chị luôn gắn bó với việc làng, việc nước với tâm thế mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé để giúp bà con nơi đây vơi bớt khó khăn.

Đập tràn và mương Nặm Oong được xây dựng năm 2019 có công sức đóng góp của chị Tự (nguồn ảnh Báo Thanh Hóa)

Chị Tự chia sẻ: “Để hoàn thành công việc được giao thì chỉ có 10 ngày làm việc gia đình, 20 ngày làm việc tập thể. Nhiệm vụ không chỉ là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, mà còn phải giải thích cặn kẽ, rõ ràng, chính xác thì dân mới hiểu, mới tin và làm theo. Đơn cử như việc vận động bà con chấp hành chủ trương về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên ở vùng lõi, việc tuyên truyền phải khéo léo, lựa lời động viên, kiên trì theo cách “mưa dầm thấm lâu” thì bà con mới thấm, hiểu được rằng bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên chính là bảo vệ cuộc sống cho đời con, đời cháu sau này, nếu không bảo vệ rừng, không còn rừng thì mất hết...”.

Khi địa phương triển khai xây dựng một số công trình thiết yếu trong thôn, chị hiểu rõ thực tế không thể vận động các hộ đóng tiền bởi họ còn quá nghèo, do đó chị đã vận động người dân góp đất, góp công, gom góp, dành dụm tiền khen thưởng bảo vệ rừng hàng năm của tập thể để đóng góp cùng chính quyền xây dựng các công trình phục vụ đời sống.

Năm 2014, chị Tự cùng cán bộ thôn Cao Hoong đứng ra vận động người dân trong thôn hiến đất, san đất, dựng hàng rào, xây nên một khu sân trường tại thôn để trẻ con có chỗ vui chơi an toàn. Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ bảo vệ rừng, các thôn, bản đã bàn bạc, thống nhất gom góp lại để tổ chức xây dựng đập tràn Nặm Oong và con mương dài 200m, phục vụ nước tưới cho 4,8 ha diện tích trồng lúa của người dân. Công trình mang lại hiệu quả thiết thực khi đảm bảo nguồn nước để bà con có thể trồng được 2 vụ lúa, tăng thêm lương thực cho người dân. Chị cũng cùng cán bộ thôn vận động phụ nữ và người dân hiến đất vườn, hiến công lao động để đào đắp đất thành đường sân bóng dài 500m và hai tuyến đường nội đồng dài 310m...

Những công trình đó đã giúp vơi đi nỗi vất vả trong đời sống, sản xuất của người dân ở thôn bản vùng cao. Đó còn là kết quả, thể hiện những phẩm chất đáng quý, tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm vì bà con của bà Tự- người nữ bí thư chi bộ, trưởng thôn gương mẫu, trách nhiệm.

VP Thanh Hóa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video