Những "đảo vàng"...

03/12/2005
Anh Đặng Văn Hiếu, một ngư dân đảo Phú Quí (tỉnh Bình Thuận) đã từng có ý nghĩ phải bỏ đảo vào đất liền vì cuộc sống khó khăn và bấp bênh sau những năm đất nước mới thống nhất. Thế mà nay, anh đã trở thành một trong những người giàu lên ở Phú Quí nhờ nuôi cá mú.

Anh Hiếu tâm sự “cách đây vài năm, chính quyền huyện khuyến khích người dân nuôi cá mú và cho vay một số vốn để làm bè, tôi liền gom góp toàn bộ số vốn có được làm một bè cá. Chỉ sau 1 năm tôi đã trả xong nợ và hiện bè cá đang mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm…”.

Con số gần 1.000 tỷ đồng doanh thu của trên 30 cơ sở chế biến hải sản tư nhân có thể phản ánh được sự sung túc của huyện đảo xa bờ nhất miền Trung này. Diện tích chưa đầy 17km2, Phú Quí mang trên mình 22.000 cư dân, đã đóng góp một phần không nhỏ cho kinh tế tỉnh Bình Thuận.

Năm 2003, Phú Quí đã khai thác trên 11.000 tấn thủy hải sản (chiếm 20% tổng sản lượng của cả tỉnh), tăng gấp đôi so với năm 1999 (chưa đến 6.000 tấn), đóng góp ngân sách cho tỉnh gần 7 tỷ đồng. Nếu tính theo đầu người thì người dân đảo Phú Quí có tỷ lệ đóng góp ngân sách cao nhất tỉnh. “Con số này còn thấp xa so với tiềm năng đánh bắt và chế biến hải sản của huyện cũng như tiềm năng của đảo…” ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quí nói.

 

Khác với Phú Quí, Cù Lao Chàm (thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam) không có nhiều lợi thế về khai thác hải sản nhưng là điểm du lịch đã được nhiều du khách biết đến. Nằm trong khu vực được xem là năng động nhất miền Trung mà đầu tàu là thành phố Đà Nẵng cùng Khu Kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất, Cù Lao Chàm kết hợp với Phố cổ Hội An sẽ là điểm du lịch lý tưởng.

Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch thị xã Hội An nói: “Cù Lao Chàm với nhiều bãi biển còn hoang sơ, những rặng san hô được đánh giá là đẹp nhất miền Trung cùng vài chục hécta rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú, đặc biệt là hệ thống hang yến… là điểm du lịch, nghỉ ngơi lý tưởng. Trong 3 năm trở lại đây, lượng khách du lịch đến với cù lao tăng rất nhanh”.


Theo anh Nguyễn Văn Hưng, một trong những người tiên phong làm du lịch tại cù lao: “Nếu như 3 năm trước, chỉ cần vài phòng trọ cùng mình tôi hướng dẫn là đủ thì nay tôi đã phải xây thêm nhiều phòng trọ và thuê thêm vài người phụ việc. Công việc làm ăn hiện rất khả quan, cứ đà này chắc thời gian tới tôi phải thành lập công ty mới đáp ứng được yêu cầu phát triển...”.

 

Trong khi Phú Quí và Cù Lao Chàm được biết đến nhiều và được đánh giá cao về tiềm năng khai thác hải sản, du lịch thì huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại được biết đến như là đất tỏi nổi tiếng của cả nước. Hàng năm, chỉ riêng cây tỏi đã mang lại cho người dân đảo hàng chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, sản lượng khai thác hải sản hàng năm ở đây cũng rất cao (năm 2003 trên 10.000 tấn), gần bằng Phú Quí. Theo ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, đảo là điểm trung gian để các tàu đánh bắt xa bờ ở khu vực biển Nam Trung bộ ghé vào. Đó là một lợi thế để huyện phát triển ngành thu mua, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tàu trong vùng.

 

Biển, đảo miền Trung chứa đựng trong nó bao hy vọng tràn trề về một ngày mai tươi đẹp.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video