Những "luật gia" tay ngang

01/12/2010
Họ là những người đưa pháp luật (PL) đến với đời sống của chị em phụ nữ (PN), là chỗ dựa về mặt pháp lý cho những người nghèo, dù khởi đầu của họ cũng là những người… “tay mơ” về luật.

“Cây nhà lá vườn”

Ngay bàn làm việc của chị Lưu Thị Cẩm Hồng - Chủ tịch Hội LHPN P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM, thành viên của câu lạc bộ “tư vấn pháp lý”, chốc chốc lại có vài “khách hàng” đến tư vấn. Tốt nghiệp trung cấp chính trị và không hề có bằng cấp nào liên quan đến luật, nhưng chị Hồng lại được mọi người đặt cho biệt danh “bà luật gia” của phường, bởi gần 10 năm làm công tác Hội, chị đã tư vấn thành công không ít vụ việc, giúp nhiều cặp vợ chồng đã đưa nhau ra tòa lại hàn gắn, không còn cảnh chồng đánh đập vợ, cha mẹ bạo hành con cái, giành giật tài sản sau ly hôn…


Bí quyết giúp chị Hồng tư vấn thành công là luôn tiếp cận “đối tượng” để hiểu được tâm tư nguyện vọng của chị em, từ đó vừa tuyên truyền những nội dung về luật, vừa trò chuyện để người trong cuộc nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Ngoài ra, chị còn thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn về PL; tổ chức các hội thi lồng ghép với việc xây dựng các tiểu phẩm từ những câu chuyện có thật trong đời sống mà chị trực tiếp đứng ra hòa giải, tư vấn để mọi người xem và rút kinh nghiệm.


Với chị Ây Sa - tổ trưởng PN tổ 32, KP2, P.1, Q.8, biệt danh “cứu tinh” của chị em trong KP khi “đụng chuyện” PL đã làm chị “chết tên”. Trong KP, nơi chị Sa sinh sống có gần 200 hộ người Chăm, trình độ học vấn còn hạn chế nên việc tìm hiểu PL của người dân khá khó khăn. Với vai trò vừa là tổ trưởng PN, Chi hội phó KP, Ủy viên Ban chấp hành Hội PN phường, chị quyết tâm đưa PL đến với chị em dân tộc. Ngày nào chị cũng cắp nón đi hết xóm trên xóm dưới, nhà nào cũng “bị” chị gõ cửa, lúc thì đưa tờ rơi về các thông tư nghị định, lúc thì nói chuyện về việc kế hoạch hóa gia đình, hòa giải ly hôn…


Theo chị Ây Sa, do các điều khoản về luật rất khô khan, người có trình độ còn thấy khó hiểu, huống gì chị em dân tộc trình độ còn hạn chế. Để tuyên truyền luật hiệu quả, chị đã nghĩ ra một cách độc đáo: dùng phương pháp “dân gian”, tức đơn giản hóa nội dung PL thành mẩu chuyện vui. 


Chị Phan Thị Ngọc Nga - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hóc Môn, TP.HCM cũng là một “luật gia” có tiếng của Hội trong khi chuyên ngành học của chị thuộc lĩnh vực địa lý - môi trường. Biết chị em trong thị trấn đa phần chỉ lo buôn bán, không có điều kiện tìm hiểu nhiều về PL, nên chị Nga không chỉ trang bị một tủ sách tại cơ quan làm việc mà còn cả một “kho” sách trong đầu để khi cần có thể “rút” ra rất nhanh các chương mục, điều khoản giúp chị em khi cần. Phương pháp tuyên truyền của chị Nga là lắng nghe thật kỹ, hiểu thấu đáo các tình huống với cả tình và lý cùng tâm tư nguyện vọng của chị em rồi mới phân tích, tuyên truyền. Không ít lần, chị Nga trực tiếp vận động, đứng ra giảng dạy cho chị em trong những buổi tập huấn về PL do cơ sở Hội tổ chức, nhờ vậy mà bây giờ, những vấn đề về luật không còn là chuyện xa lạ với chị em PN thị trấn Hóc Môn.


Gỡ rối từ cơ sở


Những ngày đầu làm công việc tuyên truyền luật này, các chị không khỏi mất ăn mất ngủ vì nhiều người không chịu hợp tác, có người còn xua đuổi vì ai cũng nói “lo chuyện bao đồng”. Chị Hồng rút ra một kinh nghiệm “xương máu”: “Muốn tuyên truyền PL đến chị em thành công, phải thật kiên trì và bền bỉ”. Chị kể, có trường hợp, anh em nhà kia tranh chấp tài sản khiến gia đình xào xáo, chị đến khuyên bảo nhưng vừa bước vào tới cửa đã bị người nhà đuổi thẳng. Thế là chị dùng chiêu "mặt dày", ngày nào cũng đến nhà họ nói chuyện. Cuối cùng, họ hiểu ra và nghe lời chị, phân chia tài sản theo di chúc đúng luật. “Rất may, chị Hồng đã khuyên tôi kịp lúc, nếu chuyện này đem ra tòa, không chỉ phiền phức mà còn mất anh mất em”- Chị Kim Loan, người trong cuộc tâm sự.


Việc vận động bà con sống và hành xử đúng luật của chị Ây Sa cũng trở ngại trăm bề. Đa số người Chăm còn bảo thủ, nhất là vấn đề kế hoạch hóa gia đình. Như trường hợp của chị Halimúlt, chị Sa khuyên không nên sinh con thứ ba nhưng lời nói của chị cứ như “gió bay”. Một lần, phát hiện chị Halimúlt lén đi phá thai, chị Sa nhân cơ hội này khuyên: “Phá thai là có tội hay phòng ngừa là có tội?”. Cuối cùng, chị Halimúlt đã thực hiện kế hoạch gia đình.


Theo đánh giá của Hội LHPN TP.HCM, những cán bộ Hội kiêm luật sư “tay ngang” này đã góp phần giải quyết tốt những “trục trặc” ngay từ ban đầu, giúp người dân đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức… Vì vậy, cần có những lớp tập huấn cho cán bộ Hội địa phương để họ nâng cao trình độ PL, và nhân rộng mô hình tư vấn PL ra từng phường, xã…

Theo phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video