Những sai lầm của cha mẹ khi dạy con cái

16/11/2012
Không có ai muốn vấp phải sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng thực tế, đôi khi bản thân các bậc làm cha làm mẹ cũng không biết được rằng mình đang sai lầm, từ trong những việc nhỏ nhất.

Một bà mẹ thấy con bị ngã đau và khóc, liền chạy lại đỡ dậy, lấy tay đập xuống đất vừa nói: “Đất này, mày hư này, mày làm em ngã… Nín đi con, đất làm con ngã hả? Mẹ đánh đất rồi đó…”. Thế là đứa bé nín khóc. Tuy nhiên, cách hành xử như vậy là không nên. Trẻ có thể nín khóc lúc đó, nhưng vô tình người mẹ đã sai lầm khi đổ thừa tác nhân gây ra việc té ngã là đất chứ không phải do con mình chạy nhanh nên vấp ngã. Điều này có thể làm trẻ trở thành người trốn tránh trách nhiệm khi lớn lên. Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tâm lý học ứng dụng tại TP. Hồ Chí Minh, tính tự tin của trẻ sẽ phát triển tùy vào sự chăm sóc và hướng dẫn của gia đình từ những năm rất sớm của cuộc đời. Khi trẻ chạy chơi chẳng may bị ngã, đau và khóc. Cha mẹ hãy để cho trẻ tự đứng dậy. Chỉ khi nào trẻ cần, mới đưa tay giúp bé đứng dậy. Chỉ cần nói “đau lắm không con. Con biết vì sao con té không”. Có như vậy, trẻ mới nhận ra do mình chạy nhanh nên vấp ngã và biết chính mình là chủ nhân của việc làm vừa rồi. Dần dần, trẻ sẽ nhận ra được liên hệ nhân - quả trong hành động và lời nói của trẻ. Với cách dạy như thế, trẻ học từ những trải nghiệm của bản thân để từ đó, học được cách tránh lỗi lầm và tự bảo vệ mình.

Hiện nay, nhiều gia đình nuông chiều con quá mức. Nhiều bà mẹ sợ con làm việc nhà không có thời gian học tập nên thường làm hết. Lâu dần, đứa con không có thói quen lao động, trẻ chỉ muốn người khác phục vụ. Chị Ngọc Bính ở đường Lê Hồng Phong (TP. Vũng Tàu) tâm sự: “Đến bữa ăn, con trai tôi không biết xới cơm mời cha mẹ, ông bà. Khi ăn thì chọn món ngon nhất ăn hết”. Cũng có gia đình bao bọc con quá mức. Không cho con tự tắm vì sợ không sạch, làm trẻ dù đã 11, 12 tuổi mà không biết tự tắm và vệ sinh cá nhân. Rồi do sợ con ra đường một mình sẽ gặp nhiều nguy hiểm nên không đưa con đi chơi, không cho con tham gia các hoạt động tập thể khiến con mình trở nên nhút nhát, đi đâu cũng phải có mẹ...

Theo diễn giả Trần Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần TGM, sự thành công và niềm hạnh phúc phụ thuộc rất nhiều về cách cư xử của cha mẹ. Đến với con, cha mẹ nên là một người bạn và hãy giảm bớt quyền lực, tạo không khí để con chia sẻ thật lòng, tiếp thu ý kiến của cha mẹ trong tinh thần cởi mở; và quan trọng nhất là các em tự tin rất nhiều khi thấy mình được tôn trọng. Với những việc làm sai trái của con, cha mẹ không tấn công vào con người mà hãy dùng những câu hỏi nghi vấn đối với những sai trái của trẻ. Như khi con mình ham chơi, lười học và bị xếp loại học lực kém, cha mẹ có thể đặt câu hỏi: “Con ơi, có phải con lựa chọn học kém hay không?” thay vì la mắng trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cần tập cho con biết quản lý thời gian, sắp xếp thời khóa biểu làm việc cho chính mình và cả việc quản lý chi tiêu. Hãy tạo ra môi trường cho trẻ có cơ hội va chạm với thực tế để có thêm nhiều vốn sống và rèn luyện tính tự tin. Bao bọc trẻ như búp bê trong tủ kính sẽ khiến trẻ dễ “vấp ngã” và dễ mất niềm tin trong cuộc sống.

Nguyên Chương, báo Bà Rịa – Vũng Tàu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video