Những tấm gương phụ nữ Cao Bằng

16/11/2020
Các chị không chỉ làm kinh tế gia đình giỏi mà còn tích cực, tiên phong trong các phong trào của địa phương
Chị Lý Thị Kiều chăm sóc vườn thanh long.

Người phụ nữ dân tộc Dao gương mẫu

Chị Lý Thị Kiều, dân tộc Dao, ở xóm Bản Luộc - Thôm Sẳn, thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình) là nhân viên y tế thôn bản nhiệt tình, đồng thời là tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Năm 2004, chị được xóm đề cử tham gia lớp học nhân viên y tế thôn bản, sau đó phụ trách công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong xóm. Năm 2007, chị được phân công làm cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình. Là người sinh ra và lớn lên ở Thôm Sẳn, xóm có 100% hộ là dân tộc Dao, chị tích cực vận động bà con trong xóm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; làm tốt các công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con.

Vận động 100% phụ nữ xóm trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, nhiều năm liền trong xóm không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3, không trường hợp nào vi phạm tảo hôn, nhiều năm liền không có tệ nạn xã hội.

Năm 2012, chị vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, sau đó tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Nguyên Bình. 2 năm 2018 - 2019, chị được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng xóm. Sau khi sáp nhập xóm, chị tiếp tục làm nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình kiêm chi hội trưởng phụ nữ xóm.

Trên cương vị Trưởng xóm, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gia đình chị tự nguyện hiến trên 600 m2 đất làm đường liên xóm, đồng thời vận động các gia đình trong xóm hiến đất, đóng góp công lao động, vật liệu... mở rộng, xây dựng đường về xóm khang trang, sạch đẹp.

Chị Kiều còn là một tấm gương sáng trong việc phát triển kinh tế. Chị luôn nỗ lực tìm tòi các mô hình hay, các gương điển hình làm kinh tế giỏi, tham khảo trên sách, báo, qua mạng Internet về ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tham gia các hội, nhóm trồng cây ăn quả để chia sẻ thông tin về biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Năm 2016, chị trồng 300 trụ thanh long. Sau khi thấy hiệu quả chị mở rộng lên hơn 1.200 trụ thanh long, thu hoạch từ 2 - 3 tấn quả/năm, mỗi năm thu nhập khoảng 50 - 70 triệu đồng. Đầu tư mua máy cày bừa, máy phát cỏ phục vụ cho gia đình và bà con lân cận theo mùa vụ; mua thêm phương tiện vận tải phục vụ cho việc buôn bán hoa quả cho thu nhập khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, chị còn đầu tư nuôi thêm gà, lợn thịt theo mô hình khép kín, mỗi năm xuất chuồng từ 1 - 2 lứa, trung bình thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Gương mẫu trong các phong trào thi đua, tích cực trong công tác tuyên truyền thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, chị Kiều xứng đáng là tấm gương sáng để bà con, hội viên phụ nữ học tập, làm theo.

Chị Thảo làm kinh tế giỏi

Chị Hoàng Thị Thảo,  hội viên Chi hội Phụ nữ xóm Nà Kéo, xã Thống Nhất (Hạ Lang) năng động phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả, được chị em phụ nữ học tập, noi theo.

Chị Hoàng Thị Thảo (thứ hai từ trái sang) sản xuất bánh nướng.

Trước đây gia đình chị rất khó khăn về kinh tế, thu nhập chính chỉ phụ thuộc vào làm ruộng. Qua tìm hiểu thông tin trên báo chí, chị học hỏi kinh nghiệm làm bánh nướng. Năm 2005, vợ chồng chị vay ngân hàng 7 triệu đồng mua máy làm bánh nướng, xây dựng xưởng làm bánh. Nguyên liệu được mua tại địa phương. Dần dần bánh nướng tạo được thương hiệu, người đến mua từ các huyện khác tăng lên.

Nhận thấy sản xuất bánh nướng có tiềm năng, năm 2006 chị tiếp tục vay 14 triệu đồng đầu tư  thêm máy làm bánh nướng. Năm 2011, sau khi đã ổn định, chị đầu tư xây dựng lại xưởng sản xuất bánh, đến nay xưởng có hai máy làm bánh nướng, nguyên liệu làm bánh tăng lên 2 tấn/tháng. Với chất lượng sản phẩm đảm bảo uy tín, khách hàng không chỉ là người trong tỉnh mà các tỉnh lân cận cũng đến mua bánh nướng. Nhờ vậy gia đình chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 8 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng.

Năm 2016, chị vay tiếp ngân hàng 600 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi lợn, xây dựng chuồng trại với diện tích 400 m2, nuôi 20 con lợn thịt. Đàn lợn tăng lên mỗi năm, đến nay chuồng nuôi của gia đình chị có gần 100 con lợn thịt, 6 con lợn nái. Nhờ chú trọng phòng dịch, đàn lợn khoảng 100 con/lứa, mỗi năm xuất 2 lứa lợn. Từ chăn nuôi lợn và sản xuất bánh nướng, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 100 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Thảo còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm giàu của bản thân, tạo việc làm cho người dân trong xóm. Với kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, chị Thảo nhiều năm được xã và huyện khen thưởng làm kinh tế giỏi.

Chị Cha năng nổ với các hoạt động phong trào

Nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, chị Phê Thị Cha - Trưởng Ban công tác mặt trận bản Cư Nhà La (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) luôn nhiệt tình, năng nổ với công việc. Chị tham mưu cho cấp ủy lãnh, chỉ đạo bà con dân bản đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế; cùng các tổ chức đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua; hòa giải một số mâu thuẫn của bà con dân bản.

Chị Cha thu hoạch chè.

Với cách nghĩ, muốn bà con nghe, tin và làm theo, bản thân mình phải luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi phong trào. Chị luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Phát huy vai trò là Trưởng Ban Công tác mặt trận, chị tập hợp các đoàn thể, quy tụ quần chúng, duy trì tốt các phong trào thi đua. Nhờ đó, đời sống bà con ngày càng no ấm, tỷ lệ đói nghèo của bản hiện chỉ còn 12 hộ. Diện mạo nông thôn mới ở bản Cư Nhà La ngày càng khởi sắc. Các phong trào: “Thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới” của đoàn viên thanh niên, “5 không, 3 sạch” với lực lượng chủ công là chị em phụ nữ được duy trì tốt.

Thời gian qua, chị Cha đã vận động hội viên hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện và hoạt động phong trào tại địa phương. Trong đó, có một số chương trình như: đi bộ hưởng ứng phong trào những bước chân vì cộng đồng; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ; tổ chức sân chơi cho trẻ em trong dịp hè. Đặc biệt, chị đã vận động các đoàn viên thanh niên của xã làm nhà cho em Liều A Sô (ở bản Tả Chải).

Là cán bộ công tác mặt trận, chị Cha tham gia cùng Bí thư Chi bộ và Trưởng bản Cư Nhà La giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa bà con trong bản. Mâu thuẫn được giải quyết, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt, bà con đoàn kết, chung tay phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Không chỉ năng nổ với các hoạt động phong trào, việc nhà chị cũng luôn đảm đang, chăm lo cho gia đình. Con nhỏ, chồng thường xuyên phải công tác xa nhà nhưng mọi việc trong nhà đều được chị chăm lo chu đáo. Phụ giúp gia đình làm kinh tế, chị cũng chăm sóc tốt diện tích chè. Mỗi năm thu khoảng 6 lứa chè, mỗi lứa 8-9 tạ, thu nhập từ trồng chè được khoảng 22 triệu đồng/năm. Cải tạo vườn tạp, chị bàn với gia đình mở rộng diện tích trồng cây mắc-ca, trồng xen canh mắc-ca trên nương chè để phát triển kinh tế.

Năng động, nhiệt tình với hoạt động của địa phương, chị Phê Thị Cha còn là người vợ, người mẹ đảm đương việc nhà.

baocaobang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video