Những tấm gương phụ nữ tiêu biểu Sóc Trăng

25/09/2018
Chị Võ Thị Kiều Phương – Chi hội trưởng Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà
Bà Kim Thị Ngọc - Người giữ “lửa” xóm giềng
Nguyễn Thị Ngọc Chăm - cô học trò nghèo vượt khó học giỏi

Chi hội trưởng Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà

Với 10 năm làm Chi hội trưởng phụ nữ, 3 năm là Phó trưởng Ban nhân dân Khóm 2, Phường 5 (TP. Sóc Trăng), dù ở cương vị nào chị Võ Thị Kiều Phương cũng luôn năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm 2015, được sự tín nhiệm của người dân, chị đảm nhận nhiệm vụ là Phó ban nhân dân khóm. Không quản ngày nắng, ngày mưa, người phụ nữ dân tộc Khmer với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn vẫn thường xuyên đến từng gia đình thăm hỏi người dân, nhất là với những gia đình có phụ nữ làm chủ hộ, động viên họ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 

Toàn khóm hiện có 1.015 hộ dân, trong đó đồng bào Khmer chiếm trên 70% dân số, người dân sinh sống chủ yếu dựa vào buôn bán nhỏ và làm nghề nông. Chị cùng với các ban ngành, đoàn thể khóm thường xuyên vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và giúp bà con được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế. Từ đó, có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, chị còn vận động bà con trong khóm tích cực tham gia phòng, chống các loại dịch bệnh, đăng ký đổ rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh và thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Vốn là người sống nhiệt tình, trách nhiệm nên chị không nề hà bất cứ việc gì. Chị luôn gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như giải quyết những vấn đề vướng mắc, tranh chấp một cách thấu tình, đạt lý. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ là Phó ban nhân dân khóm, chị còn là tổ trưởng tổ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội và là cộng tác viên dân số.

Trong cuộc sống thường ngày, chị là người vợ, người mẹ mẫu mực. Mặc dù việc công bận rộn đã chiếm hầu hết thời gian của chị, nhưng mỗi khi có thời gian chị cũng không để mình nghỉ ngơi mà cùng chồng phát triển nghề truyền thống của gia đình - đó là nghề làm lò than đá. Tuy công việc có vất vả so với sức của người phụ nữ nhưng chị luôn cố gắng. Chị Phương chia sẻ: “Tôi suy nghĩ nếu muốn vận động mọi người làm việc gì đó, bản thân mình trước hết phải gương mẫu đi đầu thì người ta mới nghe và làm theo. Do đó, bản thân tôi luôn cố gắng vượt khó vươn lên để bảo đảm cuộc sống ấm no cho gia đình và cũng từ đó dành nhiều tâm huyết với công tác xã hội hơn”. Từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, chị luôn ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt vai trò Phó ban nhân dân khóm, đoàn kết giúp đỡ xóm làng, đi đầu trong mọi phong trào, vì vậy chị luôn được bà con trong khu dân cư quý mến.

Với những việc làm thiết thực, cụ thể, chị đã góp phần cùng với chính quyền địa phương đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn. Chị Võ Thị Kiều Phương xứng đáng là người nữ Phó ban nhân dân khóm giỏi việc nước, đảm việc nhà để chị em học hỏi và noi theo. Nhiều năm liền, chị được UBND Phường 5, Sở Y tế, Hội LHPN tỉnh tặng giấy khen. 

 

Bà Kim Thị Ngọc – Người giữ “lửa” xóm giềng

Nếu có dịp ghé qua Khóm 3, Phường 5 (TP. Sóc Trăng) hỏi thăm “dì Ngọc”, ai ai cũng biết và rất nể trọng. Họ xem bà là “liều thuốc” chuyên trị những bất đồng trong gia đình, mâu thuẫn hàng xóm… và dần dần bà trở thành người giữ “lửa” cho tình làng, nghĩa xóm lúc nào không hay.

 

 Bà Kim Thị Ngọc cùng các thành viên tổ hòa giải khóm bàn bạc trước khi đưa ra các giải pháp hóa giải mâu thuẫn trong dân


Tuổi 75, đôi gò má đã hóp, lưng còng, mái tóc bạc phơ nhưng lòng nhiệt huyết của bà Kim Thị Ngọc lại đối lập với hình dáng bên ngoài. Vòng quay của bánh xe đạp và dấu chân bà hằn khắp những con đường, ngõ xóm. Và hình ảnh bà Ngọc với chiếc xe đạp đã dần trở nên quen thuộc, thân thương đối với bà con Khóm 3, nhất là chị em phụ nữ. Mỗi lần thấy bà Ngọc đi ngang nhà là họ biết đâu đó có chuyện cần đến bà “hòa giải”.

Chia sẻ về những việc làm của mình, bà Ngọc từ tốn kể: “Tôi tham gia công tác bên phụ nữ từ năm 1983, tôi biết rõ hoàn cảnh của từng người, từng chị em. Là phụ nữ mình không bênh vực phụ nữ thì ai lên tiếng giúp họ đây? Vì vậy, mỗi khi chị em nào có chuyện buồn, vợ chồng cãi nhau, họ lại tìm tôi giúp. Rồi hàng xóm tranh chấp ranh đất, mâu thuẫn nhau trong lời ăn tiếng nói… họ cũng nhờ mình hòa giải. Với kinh nghiệm trong cuộc sống và chút hiểu biết về pháp luật, tôi giúp vợ chồng trong ấm ngoài êm, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, nên bản thân thấy rất vui. Riết rồi quen, bà con chòm xóm có gì nhờ là tôi giúp ngay”. 

Bà Ngọc vẫn còn nhớ như in, cách đây vài năm có đôi vợ chồng anh Thạch Phươl và chị Sơn Thị Ngọc Châu thuộc diện hộ trung bình khá của khóm. Nghe theo lời bạn bè, người chồng rượu chè, đá gà, cá độ bóng đá, sinh ra bạo lực gia đình, chửi đánh vợ con. Khuyên mãi không nghe, cuối cùng người vợ đành dắt các con ra ở trọ nhưng việc học của các cháu bỏ ngang, chi phí tốn kém, chị Châu nhờ đến bà Ngọc can thiệp. Bằng những lời lẽ sắc bén và đặt mình vào vị trí của người cô, người dì trong gia đình, bà phân tích đúng sai, phải trái trong cách đối xử giữa vợ chồng với nhau, trách nhiệm của cha mẹ đối với việc chăm sóc con cái… để khuyên răn, giúp vợ chồng anh Phươl gương vỡ lại lành. Hiện gia đình anh sống rất hạnh phúc, chăm chỉ làm ăn, con cái chăm ngoan, học giỏi. 

Bắt đầu tham gia công tác hòa giải ở cơ sở từ năm 2011 với vai trò là tổ trưởng nhưng thực tế, công việc này đã được bà Ngọc thực hiện từ rất lâu. Bà cũng không nhớ hết những lần giải quyết xích mích giữa hàng xóm với nhau trong lời ăn tiếng nói, tranh chấp ranh đất hay mâu thuẫn trong thân tộc. Và để hóa giải tất cả những “nút thắt” đó bà không dùng lời nói suông mà phải tìm hiểu ngọn ngành nguyên nhân, rồi mới đưa ra các giải pháp xử lý dựa trên pháp luật và phải đảm bảo cái lý, cái tình. Chính vì vậy, mỗi lần nhắc đến dì Ngọc ai cũng thương yêu, nể trọng và xem bà là tấm gương sáng để noi theo.

Chia sẻ về dì Ngọc, bà Ngô Thị Liên thẳng thắn cho biết: “Nói về đạo đức thì hàng xóm thường lấy chị Ngọc làm gương, từ cách dạy bảo con cái, đối nhân xử thế; tác phong chuẩn mực nhưng gần gũi, thân thiết dễ chia sẻ và công bằng trong xử lý tranh chấp, mâu thuẫn; đặc biệt chị Ngọc hay giúp đỡ người khác, trong xóm phần lớn bà con Khmer, chữ nghĩa không rành, họ muốn làm giấy tờ gì cũng lại nhờ chị viết dùm, ai gửi tiền, quà nhất định không nhận, bà con trong khóm ai cũng thương hết”.

Với bà Ngọc được giúp đỡ là niềm vui tuổi già, vì vậy, dù hàng tháng bà nhận được tiền hỗ trợ hơn 500.000 đồng, số tiền này bà chưa bao giờ xài cho riêng mình mà dùng để giúp chị em lúc khó khăn và đóng góp cho quỹ mái ấm tình thương, hỗ trợ chị em phụ nữ nghèo xây dựng nhà ở.

Tất cả những việc làm của bà Ngọc đều xuất phát từ tấm lòng nhiệt huyết, sự yêu thương, mong muốn giúp ích cho bà con lối xóm bằng những việc làm trong tầm tay, trong khả năng của mình, tuy nhỏ nhưng thiết thực. Đó là những việc mà bà đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và bà tự hứa sẽ tiếp tục học theo Bác và cống hiến cho xã hội đến khi nào tim ngừng đập mới thôi.

Nguyễn Thị Ngọc Chăm - cô học trò nghèo vượt khó học giỏi

Tại Trường THPT Trần Văn Bảy (Thạnh Trị) có rất nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó, điển hình trong đó có em Nguyễn Thị Ngọc Chăm - học sinh lớp 12A. Tuy gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không vì thế mà em bỏ bê việc học hành, đến lớp em là trò ngoan, về nhà là một đứa con hiếu thảo, được mọi người xung quanh yêu mến.

 

 Em Nguyễn Thị Ngọc Chăm, tấm gương học sinh nghèo vượt khó trường THPT Trần Văn Bảy (Thạnh Trị)


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, em là con thứ hai trong gia đình có hai anh em, cha làm công việc phụ hồ, còn mẹ ở nhà nội trợ và chăn nuôi vịt để kiếm thêm thu nhập. Hàng ngày, sau mỗi lần đi học về, em phụ mẹ nấu ăn, giặt đồ, có khi thì đi bắt ốc cho vịt ăn, xong việc em mới ngồi vào bàn học bài và làm bài tập. Quãng đường từ nhà tới trường chỉ hơn 5km, nhưng không dễ dàng chút nào, do nhà em ở giữa đồng ruộng nên không có lộ xe tới nhà mà chỉ đi được một đoạn, đoạn còn lại phải gửi xe đạp ở nhà người quen rồi đi bộ về nhà. Vì vậy, ngày nào em cũng thức dậy từ khi trời tờ mờ sáng để kịp giờ đến trường. Khó khăn là vậy nhưng em học rất chăm chỉ, không vắng học một buổi nào. Chia sẻ về cách học, Chăm bộc bạch: “Ngoài thời gian học trên lớp, em về nhà tranh thủ tự học và xem bài mới trước, thời gian còn lại phụ giúp cha mẹ làm những công việc nhà. Em nghĩ bản thân phải cố gắng học tốt thì mới không phụ lòng cha mẹ và thầy cô”.

Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà em từ bỏ niềm đam mê và khao khát được học của mình. Bao nhiêu năm ngồi trên ghế nhà trường, em luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi, đó cũng là thành quả chứng minh nghị lực vượt khó trong học tập của em trong suốt những năm qua. Ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ làm lụng vất vả để cho em được tiếp tục đến trường, vì vậy em chưa bao giờ ngừng cố gắng học tập và nuôi dưỡng ước mơ trở thành cử nhân điều dưỡng để chăm sóc, giúp đỡ cho bệnh nhân - một ước mơ giản dị nhưng chứa chan ý nghĩa. Không chỉ học giỏi cho bản thân, Chăm rất nhiệt tình giúp đỡ các bạn trong lớp, những bài nào các bạn không hiểu rõ em giải thích lại bằng cách hiểu của bản thân giúp các bạn nắm rõ hơn, em luôn là một học sinh ngoan, gương mẫu trong lớp, được bạn bè, thầy cô yêu mến.

Qua bao khó nhọc, niềm mong ước lớn nhất của cha mẹ là được thấy con nên người, thành đạt, với em Chăm học chính là cách để đền đáp những yêu thương, kỳ vọng của mẹ cha và cũng vì tương lai của chính mình. Sự nỗ lực cố gắng đó, hy vọng một ngày không xa, em Nguyễn Thị Ngọc Chăm sẽ thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.

baosoctrang.org.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video