Những tấm gương phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế

27/06/2012
Họ là những người phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm, vượt qua chính bản thân để trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế

Người phụ nữ tay ngang “bạo gan” làm thuỷ điện

Chuyện “làm điện” lẽ ra dành cho giới mày râu, nhưng công việc này lại được một người phụ nữ chưa học về ngành điện ngày nào quản lý điều hành. Đó là bà Trần Thị Chanh- Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thủy điện Cà Đú, huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi.

Trước khi gặp bà Chanh, trong tôi tôi cứ nghĩ bà là người rắn rỏi, mạnh mẽ và chắc chắn phải có tố chất gì đó của người đàn ông mới dám “làm điện”, nhưng thật bất ngờ bà Chanh hoàn toàn khác so với ý nghĩ của tôi.

Thoạt đầu nhìn dáng vẻ của bà thì không ai dám nghĩ bà Chanh là người đi tiên phong đầu tư công trình thủy điện ở Quảng Ngãi.
Lân la hỏi mãi, bà Chanh mới tiết lộ: “Trước đây tôi là nữ sinh Trường nữ trung học Quảng Ngãi, tôi đậu tú tài toàn năm 1972 rồi tha phương tận Sài Gòn, cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu sao mình lại về vùng núi rừng xa tít này để làm công việc, mà trước đó chưa bao giờ nghĩ đến”.
Nghe bà Chanh bộc bạch tôi lại liên tưởng đến chuyện học hành, thi cử trước năm 1975 mà cha tôi thường kể tôi nghe. Cha tôi kể rằng: “Trước năm 1975 ở Quảng Ngãi có hai trường trung học có danh tiếng là Trần Quốc Tuấn, dành cho nam giới và Trường nữ trung học. Thi đậu vào trường đó là đã là oách rồi, chứ chưa nói học lực như thế nào. Còn ai mà đậu Tú tài toàn (tương đương tốt nghiệp THPT-PV) là “xịn” lắm. Bởi vì mỗi năm có hàng trăm sĩ tử nhưng chỉ có vài chục thí sinh thi đậu.  
“Quê tôi ở Bình Mỹ, huyện Bình Sơn nhưng xa quê cũng lâu rồi”- bà Chanh cho hay. Năm 1972, bà vào Sài Gòn sinh sống. Tại đây bà Chanh đi dạy được một thời gian rồi lập gia đình.
“Tưởng rằng mình lấy chồng rồi vẫn theo nghề giáo nhưng lại rẽ sang ngã khác: Sản xuất và kinh doanh đất đèn (đá cạc bin). Thời điểm này làm nghề “đất đèn” khá lắm. Nhưng sau thời gian, đất đèn một số nước tràn vào Sài Gòn giá rẻ hơn nên cạnh tranh không nổi. Trong khi đó, điện ở Sài Gòn thiếu trầm trọng, giá thành cao nên sản xuất không có lãi. Tôi bàn tính với gia đình chuyển nghề này ra miền Trung, chủ yếu là về quê, vì nghề này ở quê mình còn sơ khai. Hơn nữa tôi nghe ở Trà Bồng có thủy điện Cà Đú hình thành nhưng chưa khai thác  hiệu quả nên tôi quyết định về quê”.
Nghĩ là làm. Năm 2002, bà Trần Thị Chanh bỏ lại sau lưng đất Sài thành hoa lệ để lặn lội tìm đến rừng núi hoang sơ có công trình thủy điện Cà Đú và thuê hẳn công trình này để sản xuất đất đèn- bà Chanh bộc bạch.
Công trình thủy điện Cà Đú được xây dựng từ năm 2000 do Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) làm chủ đầu tư. Đây là công trình thủy điện đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Lúc đầu, công trình thủy điện này có công suất 300 kWh/năm, nhưng sử dụng không mấy hiệu quả.
Năm 2004, bà Chanh mua hẳn công trình thủy điện này và đầu tư nâng công suất lên 1 mê-ga-woát/năm.
Bà Chanh cho biết, mục đích nâng công suất máy chủ yếu là để phục vụ sản xuất đất đèn, nhưng do sử dụng điện chưa tới 1/3 công suất máy nên bà xin tham gia bán điện cho ngành điện.
Năm 2005, nguồn điện từ thủy điện Cà Đú chính thức được đưa lên lưới của ngành điện lực. Công ty TNHH xây dựng thuỷ điện Ca Đú do bà Trần Thị Chanh làm giám đốc là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Quảng Ngãi sản xuất điện và bán điện cho ngành điện.
Trò chuyện với nữ giám đốc Trần Thị Chanh tôi hỏi đi hỏi lại: Sao chị không biết về điện mà dám bạo gan làm điện vậy? Bà Chanh không trả lời mà cười tươi. Nhưng tôi biết, đằng sau nụ cười đó chắc hẳn bên trong chứa những uẩn khúc. Nhà máy thủy điện Cà Đú nay đã nâng công suất lên 2,6 MW/năm và đang chạy ổn định. Năm 2011, Nhà máy sản xuất hơn 10 triệu kWh, doanh thu hơn 9 tỷ đồng.
Để có được kết quả này, trước đó nữ giám đốc Trần Thị Chanh đã nếm trả nhiều cay đắng, bầm dập từ chuyện mua thiết bị đến việc chạy vốn đầu tư lớn nhưng không hiệu quả và kể cả sự không đồng thuận của gia đình.

“Hai mưoi bảy năm trước, chồng tôi mất để lại 6 đứa con. Nhiều khi tôi tưởng mình đứng không vững để chăm lo cho chúng nó, nhưng rồi tôi vẫn bươn chãi nuôi nấng tụi nó thành đạt”- bà Chanh tâm sự. Những người con của nữ giám đốc làm điện này có người nay đã có học vị cao, hiện đang công tác ở nước ngoài. Hiện gia đình bà Chanh đang ở Sài Gòn. Những người con của bà không hề muốn bà tiếp tục công việc gian truân này mà ở nhà để phụng dưỡng nhưng bà Chanh từ chối.
Bà bảo: “Tôi có việc vào Sài Gòn ở mấy ngày là nhớ nhà máy. Nghe tiếng máy nổ quen rồi, thiếu nó như thiếu cái gì đó lớn lắm. Nhất là buổi sáng từ chỗ ở đi bộ lên nhà máy nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy dường như đã đi vào tiềm thức của tôi rồi. Vì vậy, tôi ở Sài Gòn vài ngày là ra ngay”.
Từ một người không biết gì về làm điện nay nữ giám đốc Trần Thị Chanh rành rọt về thủy điện. Nữ giám đốc này không chỉ giữ vai trò của một quản lý mà còn là người rất am hiểu về kỹ thuật máy móc.
Bà Chanh trăn trở: Đầu tư thủy điện cần nguồn vốn lớn nhưng nguồn thu nhỏ giọt mà vay ngân hàng thì không chịu nổi. “Tui cố gắng ổn định nhà máy hoạt động vài ba năm nữa lấy lại ít vốn đầu tư, nếu thiếu tôi bán luôn ngôi nhà ở Sài Gòn để đầu tư vào nhà máy này”- bà Chanh nói chắc nịch.

 

Người phụ nữ Hrê sử dụng vốn vay để thoát nghèo

Trong những năm qua, Hội phụ nữ huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho nhiều chị em phụ nữ khó khăn thiếu vốn sản xuất vay vốn với lãi suất thấp, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. Chị Phạm Thị Đi, ở thôn 3, Nước Nẻ, xã Ba Vinh (Ba Tơ) đã sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Trước đây hoàn cảnh gia đình chị Đi rất khó khăn, gia đình chị có 2 sào ruộng nhưng mùa màng thất thường, không đủ nuôi con ăn học, chị phải đi làm thuê cho người khác cải thiện thu nhập vừa lo cho cả nhà đủ 4 miệng ăn, vừa lo tiền cho con ăn học. Nhưng mỗi ngày chị được người ta thuê và trả công chỉ từ 70 đến 80 ngàn đồng, không đủ trang trải cho sinh hoạt của cả nhà, công việc lại không thường xuyên, bữa có bữa không, cuộc sống gia đình rất vất vả.

Nhưng từ khi có chương trình cho phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, chị Đi được Hội phụ nữ xã Ba Vinh xét thuộc diện được vay vốn, nhờ vậy mà gia đình chị có vốân để chăn nuôi, trồng keo nguyên liệu, dần cải thiện kinh tế gia đình. Chị Phạm Thị Đi chia sẻ: Gia đình tôi được Hội phụ nữ cho vay 15 triệu đồng làm vốn phát triển kinh tế, ban đầu tôi sử dụng vốn đầu tư chăn nuôi heo, sau đó có vốn nhiều hơn một chút tôi mua trâu nuôi, vừa để bán, vừa dùng làm sức kéo làm đất trồng lúa. Có vốn tôi trả hết nợ, còn dư lại tôi tiếp tục tận dụng đất đồi để trồng keo, bây giờ cuộc sống gia đình đã khá giả hơn, hai đứa con tôi cũng có điều kiện học đến nơi đến chốn, không phải thất học vì không đủ tiền.
Hiện tại, gia đình chị Đi không còn khó khăn như trước nữa. Nhờ có nguồn vốn phát triển kinh tế, chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái được học hành, tích luỹ vốn từ chăn nuôi chị đầu tư trồng keo nguyên liệu. Đến nay chị Đi sở hữu trên 8 ha keo, giờ keo nhà chị cũng sắp cho thu hoạch. Ngoài ra, gia đình chị còn nuôi được 4 con trâu, 4 con heo, hàng năm chị cũng có thu nhập ổn định từ 30 đến 40 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Thuyền, Chủ tịch HLHPN xã Ba Vinh nhận xét: Chị Phạm Thị Đi là một trong những gương điển hình làm kinh tế giỏi của phụ nữ xã Ba Vinh, trong những lần sinh hoạt phụ nữ tại các tổ hội tôi đều lấy chị Đi làm gương để các chị em khác học tập làm theo. Chị Đi còn nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các chị em phụ nữ khó khăn khác cùng làm theo. Những chị em nào gặp hoạn nạn khó khăn, chị Đi không ngần ngại giúp đỡ, chị còn cho các chị em mượn vốn để làm ăn.
Chương trình cho phụ nữ nghèo vay vốn phát triển kinh tế không còn mới đối với chị em, nhưng đầu tư sử dụng nguồn vốn vay như thế nào để phát huy hiệu quả, giúp chị em từng bước thoát nghèo là điều cần phải chú trọng. Chị Đi đã sử dụng vốn vay hiệu quả đầu tư phát triển kinh tế, có tinh thần vượt khó không đầu hàng trước sự nghèo đói. Chị đã mạnh dạn lấy ngắn nuôi dài, kết hợp giữa chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương để xây dựng kinh tế gia đình ổn định.

 

"Nữ chủ" trại rắn lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long

Lần đầu tiếp xúc, tôi cứ đinh ninh chị là người phụ nữ Nam Bộ "rặt ròng". Có lúc thân tình, tôi buột miệng hỏi chị có sợ... rắn không? Chị cười rất hồn nhiên: "Sợ chớ, hồi nhỏ ở rừng chị sợ rắn lắm, thấy con nào chị cũng vác cây dọa chúng bỏ chạy. Không làm vậy, gặp phải rắn độc nó cắn mình chết sao. Nhưng bây giờ thì chị... thương!". Tôi cũng bật cười và nghĩ thầm, làm Giám đốc trại rắn lớn thế này, chị không "thương" rắn thì ai... thương. Chị là Đại tá, Dược sĩ Trần Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu (Trại rắn Đồng Tâm) Quân khu 9.

Sau này tôi mới được biết chị Hà có lý lịch xuất thân đặc biệt: Quê nội ở tỉnh Nam Định, quê ngoại thuộc Hưng Yên, nhưng chị sinh ra và lớn lên ở Pnôm Pênh, nước bạn Campuchia. Gia đình chị vốn là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng. Đầu năm 1970, tại Campuchia xảy ra sự kiện Lon Nol tổ chức đảo chính, lật đổ Hoàng thân Norodom Sihanuok, thành lập chính phủ thân phương Tây, tiến hành nhiều hoạt động đàn áp phong trào cách mạng.

"Năm đó tôi mới 12 tuổi, cũng như bao đứa trẻ Việt kiều khác, phải bỏ dở việc học nơi xứ người. Gia đình tôi được tổ chức thu xếp đưa về nước. Đến địa phận huyện Paemchor, tỉnh Preyveng của Campuchia, nơi giáp với vùng chiến khu của ta, chúng tôi được các lực lượng thuộc Quân giải phóng miền Nam bao bọc. Tôi chính thức tham gia bộ đội từ đó, ban đầu làm dược công (phụ dược) cho Đội dược K15T thuộc Xưởng dược X9 khu Trung Nam Bộ (Quân khu 8).

Như một cuộc hội ngộ được sắp đặt, lúc ấy Đội dược bỗng dưng có hơn 1 tiểu đội chiến sĩ tí hon, tuổi từ 12 đến 15. Chúng tôi đều từ Pnom Penh trở về, hỏi ra mới biết tất cả học cùng trường nhưng khác lớp, đều là con em các cơ sở hoạt động bí mật. Chúng tôi quyết ở lại chiến khu, tham gia sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không đứa nào muốn "hồi hương" sống dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Nhiều đứa viết huyết tâm thư, đề đạt nguyện vọng trực tiếp cầm súng ra trận tham gia chiến đấu, mặc dù chưa biết mặt mũi cây súng nó ra làm sao. Các anh, các chú ở chiến khu cười bảo: Tụi bây được học Pháp văn từ nhỏ, công tác ở ngành dược phù hợp rồi, cũng là tiếp nối con đường mà cha ông đã chọn!" - Chị Hà nhớ lại.

Đại tá Lê Thị Hồng Thủy (nguyên Chủ nhiệm Khoa Dược, Bệnh viện 7A Quân khu 7) ở cùng tiểu đội với chị Hà lúc ấy cười bảo: "Thật ra với suy nghĩ non nớt ban đầu, cùng sự ảnh hưởng của môi trường giáo dục, sinh hoạt nơi đất khách, chúng tôi không hiểu lắm về lòng tự hào dân tộc. Chúng tôi chỉ cảm nhận mơ hồ về quê hương Việt Nam đang bị chia cắt, xâm lăng của Mỹ - ngụy, sự tàn ác của chúng đối với đồng bào mình qua những câu chuyện mà các cô, các chú hoạt động bí mật trao đổi với nhau. Bắt đầu cuộc đời bộ đội ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chúng tôi phải học nghe tiếng pháo đề-pa, pháo bay gần, bay xa để biết có nên chui vào công sự hay không. Học nghe tiếng máy bay để biết phân biệt đâu là trực thăng, đâu là máy bay do thám, máy bay oanh kích, máy bay đổ quân. Học lặn nước kiểu "chém vè", học lao động cuốc đất tăng gia sản xuất đến chai cả hai bàn tay, học cách dựng nhà, lợp mái lá, rồi hành quân mang vác nặng, thồ lương thực, thuốc men... làm tất cả mọi việc như người lớn thực thụ. Phải nói lúc đó chúng tôi luôn cố gắng hết sức mình để luôn được bằng anh, bằng chị. Song bố mẹ đang công tác ở nơi khác không tin tưởng lắm vào khả năng của chúng tôi, bố mẹ thường viết thư dặn dò, nhắc nhở phải biết phát huy truyền thống gia đình, vượt mọi khó khăn, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ".

Đầu năm 1975, chị Hà được theo chân đoàn quân trở về vùng Đồng Tháp Mười. Niềm tự hào lớn nhất của chị là được tham gia cứu thương, tải đạn, vận chuyển thuốc men phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiền thân của Trại rắn Đồng Tâm hôm nay là Xí nghiệp dược 408 Quân khu 9, được thành lập cuối tháng 10 năm 1979 trên vùng đất ngổn ngang dây kẽm gai, trái nổ do quân đội ngụy Sài Gòn để lại. Theo quyết định của Bộ Quốc phòng, năm 1988, Xí nghiệp dược 408 được nâng cấp thành Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9.

Người có công sáng lập, tập trung hết tâm sức vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Trại rắn là Đại tá Trần Văn Dược (Tư Dược, 1929 - 1989). Trong dân gian miền Tây Nam Bộ, cuộc đời và sự nghiệp của ông Tư Dược đã ít nhiều nhuốm màu huyền thoại.

Đại tá Trần Thị Hà cho biết, từ lúc còn là nhân viên cho đến khi đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Dược, Bệnh viện 120 Quân khu 9, chị luôn hâm mộ nhân cách và tinh thần hết lòng vì công việc của "chú Tư". Năm 2009, cầm quyết định điều động về làm Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, chị Hà vẫn còn bỡ ngỡ. Đến mình là người thứ tư được cấp trên phân công lãnh đạo trại rắn này. Mình hiểu các chú, các anh cùng bao cán bộ, chiến sĩ đã đầu tư nhiều công sức xây dựng mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay, là người kế thừa nên mình thật sự rất lo âu, trăn trở.

Mỗi năm, Trại rắn Đồng Tâm thu dung điều trị khoảng 1 nghìn trường hợp không may bị rắn cắn, riêng năm 2011 lên đến 1.157 trường hợp, trong đó tỉ lệ bị rắn độc cắn gần 60%. Đội ngũ y, bác sĩ luôn niêu cao tinh thần trách nhiệm trong cấp cứu, điều trị, chăm sóc nạn nhân, tỉ lệ điều trị thành công là 100%, với phương châm làm việc được thể hiện bằng khẩu hiệu trực quan ngắn gọn: "Đến niềm nở tiếp đón, ở tận tình chăm sóc, đi ân cần dặn dò".

Chị Ngô Thị Thu ở xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây xúc động kể: "Trong một lần đi cắt lúa mướn, tôi bị rắn hổ đất cắn vào chân, đau nhức không chịu nổi. Không dám đi bệnh viện vì gia đình quá nghèo, được các anh bộ đội chỉ dẫn nên tôi vào đây, nằm viện trên 30 ngày. Qua xác minh, tìm hiểu, chị Hà thường xuyên động viên tôi cứ an tâm điều trị, sẽ không phải trả bất cứ lệ phí nào".

Theo Đại tá Trần Thị Hà, một ca điều trị rắn độc cắn như trường hợp chị Thu, chi phí từ 30 đến 50 triệu đồng. Nhưng cấp ủy, Ban Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm đã có chủ trương không thu tiền viện phí đối với người nghèo. Hàng năm, Trại rắn miễn tiền khám, điều trị cho người nghèo gần 300 triệu đồng.

Hiện nay, Đại tá Trần Thị Hà đang trực tiếp chỉ đạo triển khai, áp dụng đề tài nghiên cứu khoa học "Khai thác và phát triển nguồn gen hai loại rắn hổ mang đất, hổ mang chúa làm nguyên liệu sản xuất thuốc", đồng thời thực hiện dự án bảo tồn nguồn gen rắn hổ hèo. Mỗi năm, Trại rắn đón tiếp trên 130 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Những năm qua, đời sống của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, lao động hợp đồng tại Trại rắn Đồng Tâm được chăm lo chu đáo. Đơn vị trích quỹ phúc lợi đưa vào bữa ăn trưa của mỗi người 15.000 đồng/ngày và tăng thêm 10% phụ cấp công vụ (ngoài tiêu chuẩn quy định của Nhà nước).

Mặc dù thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, giá cả thị trường luôn biến động, nguyên vật liệu ngày càng khan hiếm... nhưng sản phẩm của Trại rắn Đồng Tâm luôn bảo đảm chất lượng, số lượng ngày càng tăng và giữ vững uy tín với khách hàng. Thành tích đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới đã được Đại tá Trần Thị Hà cùng tập thể Trại rắn Đồng Tâm kế thừa, phát huy tương xứng, có hiệu quả.

 

Chị Hoài làm kinh tế giỏi

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nơi đất cằn sỏi đá, đến nay gia đình chị Trần Thị Hoài ở thôn Giả Dìa, Thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì đã có một cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt gia đình, đồng thời nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn.

Được đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ của Thị trấn Yến Lạc đưa đi thăm mô hình kinh tế trang trại tổng hợp mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng của gia đình hội viên Trần Thị Hoài, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí và nghị lực của chị trong việc thực hiện đa dạng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia, từng bước xóa nghèo bền vững và vươn lên làm giàu một cách chính đáng.

Năm 2000, chị cùng gia đình chuyển đến định cư tại thôn Giả Dìa. Với đồng vốn ít ỏi tích góp bấy lâu của gia đình, chị cũng mở được một sạp hàng tạp hóa phục vụ cho học sinh ngoại trú quanh khu vực sinh sống, thế nhưng buôn bán quanh năm mà cũng chẳng dư dật là bao. Có đất, nhưng lại không sản xuất nông nghiệp được, bởi chất đất khô cằn, không màu mỡ, lại thiếu nước tưới tiêu nên cũng chẳng thể trồng cây gì.

Vốn tính hay lam hay làm, chị Hoài bàn bạc cùng gia đình huy động toàn bộ số vốn mình đang có, đồng thời thông qua Tổ tiết kiệm của Hội Phụ nữ ở cơ sở, chị mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện để đầu tư vào mô hình nuôi lợn nái sinh sản, cung cấp cho các gia đình chăn nuôi ở trên địa bàn dân cư. Với 3 nái mẹ, một năm đẻ hai lứa bán ra thị trường, trừ chi phí đầu tư cũng cho thu nhập trên sáu chục triệu đồng.

Năm 2008, thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi ở địa phương, do Hội Phụ nữ cơ sở phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện tổ chức, chị Hoài mạnh dạn đăng ký tham gia để có bổ sung thêm kiến thức bảo vệ và chăm sóc cho đàn gia súc của gia đình phát triển và sinh sản tốt. Cũng từ các lớp tập huấn này, chị biết thêm về kỹ thuật nuôi nhím cho thu nhập cao tại thời điểm đó.

Sau khi đã tiếp thu được nhiều kiến thức chăn nuôi nhím qua sách báo, internet và các lớp tập huấn ở địa phương, chị Hoài cùng chồng lặn lội sang tận tỉnh Sơn La theo sự giới thiệu của nhiều người, tìm mua cho bằng được đôi nhím giống về để nuôi và chị đã thành công với mô hình này, trở thành cơ sở cung cấp nhím cho các hộ đầu tư chăn nuôi nhím ở địa phương. Từ mô hình nuôi nhím và lợn nái, kết hợp kinh doanh các mặt hàng tạp hóa, hằng năm đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Nhớ lại những năm tháng lăn lộn với các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, chị Hoài chia sẻ cùng chúng tôi: Không cam chịu cái đói, cái nghèo cứ đeo bám lấy gia đình, vợ chồng tôi đã “xoay sở” hết mình, từ vay mượn anh em, bạn bè đến thế chấp tài sản vay ngân hàng để có được đồng vốn, đầu tư vào các mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao. Sau nhiều năm làm lụng vất vả, đến nay cơ bản kinh tế của gia đình đã ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống thường ngày và nuôi các con ăn học đại học đầy đủ.

Khi đã có vốn trong tay, cộng thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi, chị Hoài lại ấp ủ đầu tư mô hình nuôi dúi trong năm 2012 này. Đây cũng là loài động vật hoang dã giống như con nhím, rất dễ nuôi, ít dịch bệnh mà nguồn thức ăn lại phong phú, chủ yếu là củ, quả các loại. Hiện nay trên thị trường tiêu thụ rất chuộng thực phẩm từ con dúi, nên hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao khi đầu tư chăn nuôi.

Thoát nghèo nhờ sức lao động cần cù, chịu khó và những hỗ trợ từ các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách và Xã hội. Chúc cho chị Hoài sẽ luôn thành công với các mô hình phát triển kinh tế của mình và là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, để nhiều hộ gia đình khác ở địa phương học hỏi và thực hiện làm theo.

“Chị Xũng xứng đáng là tấm gương”

Chị Dương Thị Xũng, người dân tộc Châu Ro (ở xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành) là một nông dân điển hình trong phong trào nông dân sản xuất giỏi. Trước năm 2005 vợ chồng chị vật vã suốt ngày với đồng ruộng, ai thuê mướn việc gì cũng làm nhưng cuối năm cũng chỉ đủ ăn. Năm 2005, vợ chồng chị được Hội phụ nữ xã Hắc Dịch đứng ra tín chấp vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn của ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với số vốn ít ỏi này chị mua được 1 con bò. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, bò của chị luôn khỏe mạnh và mỗi năm đều sinh thêm bê con. Đến cuối năm 2011, nhà chị đã có 9 con bò, vợ chồng chị quyết định bán bớt đi để trả tiền cho Nhà nước và mua sắm vật dụng trong nhà. Hiện nay, nhà chị đã có tivi, tủ lạnh, xe honđa và nhiều phương tiện sinh hoạt khác.

Từ nghèo khổ đi lên, chị Xũng hiểu hoàn cảnh của những chị em nghèo trong xóm nên sẵn sàng giúp đỡ họ khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Chị Nguyễn Thị Kim Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hắc Dịch nói: “Chị Xũng thật xứng đáng là tấm gương để các phụ nữ khác noi theo”.

Với những nỗ lực của mình, chị Xũng đã được bà con nhân dân địa phương tín nhiệm bầu vào đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011–2016. Đặc biệt, mới đây, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Những ngày mùa khô nắng nóng, nhưng vợ chồng chị Xũng vẫn không rời đồng ruộng. Hết trồng lúa thì lại quay sang trồng rau màu, dường như chẳng lúc nào chị cho đất được nghỉ ngơi. “Có được sức lực để làm việc là nhờ tôi luôn nghĩ đến mấy đứa nhỏ. Cả 3 đứa con tôi đều được học hành và năm nào cũng đạt kết quả cao, điều mà trước đây tôi không dám nghĩ tới. Với tôi đó là điều hạnh phúc nhất” – chị Xũng nói.

Theo Website Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bắc Kạn, BR -VT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video