Những tấm lòng với Anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm

12/04/2006
Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản với số lượng trên 350.000 cuốn, trở thành một sự kiện nổi bật của ngành xuất bản và của dư luận, báo chí trong năm 2005. Từ khi cuốn nhật ký được xuất bản, sau khi được đọc những dòng chữ tâm huyết chị để lại, biết bao tấm lòng đã đến với bác sĩ Đặng Thùy Trâm và gia đình.

Khách tìm đến thăm gia đình liệt sĩ từ đủ mọi miền đất nước và có không ít người là khách nước ngoài. Nhiều người là bạn học, bạn chiến đấu của chị, nhưng rất nhiều người chưa một lần được gặp chị mà chỉ mới biết chị qua những dòng nhật ký chị để lại.

Có người từ TP HCM ra, có người từ Thái Nguyên xuống, có người đã ngoài 80 tuổi, nhưng cũng có không ít các cháu học sinh còn nhỏ tuổi, theo ông bà, cha mẹ để được đến tận nhà “bác Thùy Trâm”.

Có người đi xe máy từ Nam Định lên rồi về ngay, chỉ với một mục đích duy nhất là được “thắp một nén hương trước bàn thờ chị”.

Có người là cơ trưởng máy bay Boeing, công tác ở TP HCM, sau mỗi lần lái máy bay ra Hà Nội đều đến thăm gia đình liệt sĩ như một người con đi xa trở về.

Có người nước ngoài là nhà văn, nhà báo từ châu Âu, châu Mỹ xa xôi đến; có người là giáo sư đại học của Hàn Quốc; có vị là đại diện của cơ quan ngoại giao nước ngoài đóng tại Hà Nội...

Mỗi lần đến thăm gia đình, bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đều đưa cho tôi xem hai cuốn sổ, một cuốn bìa màu đỏ để ở gia đình và một cuốn bìa màu xanh để tại nghĩa trang liệt sĩ Tây Tựu, huyện Từ Liêm, ghi lại những dòng chữ đầy cảm phục, yêu thương của mọi người dành cho chị Đặng Thùy Trâm. Trong hai cuốn sổ đó, có không ít bản nhạc, bài thơ của nhiều nhạc sĩ, nhà thơ chuyên nghiệp và không chuyên dành cho chị.

Trang đầu của cuốn sổ bìa màu đỏ là chữ viết của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, đến thăm gia đình ngày 17/8/2005. Lần ấy, nguyên Tổng Bí thư kể lại với bà Doãn Ngọc Trâm về kỷ niệm được bác sĩ Đặng Ngọc Khuê, chồng bà, thân phụ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, chữa trị vết thương từ những ngày còn trong kháng chiến chống Pháp ở Thanh Hóa. Nguyên Tổng Bí thư rất xúc động khi đọc những dòng nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm được trích đăng trên báo Tuổi trẻ TP HCM từ lúc cuốn nhật ký chưa xuất bản; tự mình cắt những bài báo này đóng thành tập

để chuyển cho vợ con đọc.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không những ghi lại trong cuốn sổ của gia đình tình cảm của mình đối với liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và với các liệt sĩ mà còn có bài viết riêng trên báo, đánh giá cao sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú của đất nước đã “đi vào nơi ác liệt nhất của cuộc chiến đấu, phục vụ chiến đấu và bình thản dành những giờ phút hiếm hoi giữa hai trận đánh để ghi lại những dòng nhật ký sống động, chân thực, khẳng định tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh và bản lĩnh vững vàng của những người chiến đấu có mục đích, lý tưởng, biết rằng có thể hy sinh, đau buồn trước sự hy sinh của đồng đội nhưng không thể vì thế mà chùn gan, nhụt chí...”.

Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân khu V trong kháng chiến chống Mỹ, nơi có chiến trường Quảng Ngãi ác liệt, là địa bàn công tác của chị Đặng Thùy Trâm, đã ghi lại trong quyển sổ của gia đình: “Lúc bác sĩ Đặng Thùy Trâm hoạt động, chiến đấu ở Đức Phổ là thời gian diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt, căng thẳng, khó khăn nhất. Phổ Cường, Phổ Hiệp, Phổ Khánh là các địa danh mà Bộ Tư lệnh Quân khu V thường xuyên chú ý trong các buổi giao ban tác chiến...”. Đến thăm gia đình, Đại tướng xúc động nói với mẹ của liệt sĩ: Đặng Thùy Trâm là tấm gương sáng của tuổi trẻ Việt Nam trong chiến đấu và xây dựng đất nước. Những dòng nhật ký chị để lại là tài sản tinh thần quý giá cho mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước.

(Thanh niên)

Dương Đức Quảng
Thanh niên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video