Những thân phận nơi “địa ngục trần gian”

21/12/2009
Không chỉ đánh đập, ngược đãi, trong nhiều gia đình, các ông chồng còn có những “món” đòn tàn ác không thua gì những biện pháp tra tấn thời trung cổ.

Nhiều năm trở lại đây, dư luận không ngừng lên án các vụ bạo hành gia đình. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong vòng 5 năm từ 2003 đến 2008, các tòa án địa phương đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ việc ly hôn, trong đó có đến 186.954 vụ có hành vi đánh đập, ngược đãi, chiếm 53,1% các nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Trên thực tế đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.

Những trận đòn thù từ rượu: Thích dùng vũ lực khi say xỉn

Nông thôn được coi là nơi “nóng bỏng” nhất về tình trạng bạo hành gia đình, nơi vẫn còn quan niệm “chồng chúa, vợ tôi”. Hầu hết các vụ việc bị lên án trên báo chí đều ở vào mức độ nghiêm trọng, gây tổn hại nặng nề về tinh thần và sức khỏe cho nạn nhân.

Suốt 23 năm lấy chồng là 23 năm chị Chu Thị Trà (SN 1962), vợ Phạm Văn Luyến (SN 1964) ở Văn Nhuệ, huyện Ân Thi, Hưng Yên phải chịu những trận đòn roi, đánh đập tàn nhẫn của người chồng vũ phu. Cả nhà chỉ sống dựa vào nghề nông với ba sào ruộng khoán, vì thế kinh tế vô cùng khó khăn. Chồng chị dù không rượu chè, cờ bạc, nhưng đánh vợ gần như thành… thói quen. Những cái tát, cú đấm, hay tiếng mắng chửi vô căn cứ là chuyện thường ngày, đến nỗi hàng xóm quanh nhà cũng quen thuộc với chuyện này. Rất nhiều lần chị Trà phải đi viện cấp cứu vì “no đòn”. Ngày 27-10-2008, cũng như mọi ngày, khi chị đang lúi húi dọn cơm, Luyến không ngớt lời mắng chửi chị. Khi bê mâm cơm lên nhà, người chồng tàn nhẫn đã thẳng tay dội cả nồi nước sôi vào người, khiến chị bị bỏng nặng. Tại Bệnh viện Xanh-Pôn Hà Nội, khắp cơ thể chị Trà quấn đầy bông gạc. Vết bỏng khiến chị chỉ có thể nằm sấp, vì toàn bộ phần lưng bị bỏng nặng.

Không chỉ đánh đập, ngược đãi, trong nhiều gia đình, các ông chồng còn có những “món” đòn tàn ác không thua gì những biện pháp tra tấn thời trung cổ. Từ lâu, người dân ở tổ dân phố 3, thị trấn Đức Phổ, Quảng Ngãi đã quá quen thuộc với việc Nguyễn Hoàng Đức (42 tuổi) đánh vợ là chị Phan Thị Liệp. Cứ vài ba hôm người ta lại thấy chị sưng tím mặt mày, nhưng hễ ai hỏi chị đều nói là do bị té ngã. Thế nhưng, sự việc xảy ra ngày 15-4-2009 đã khiến tất thảy mọi người đều phải hãi hùng ghê sợ. Tối hôm ấy, khi đang bán bánh xèo tại khu Gò Hội (tổ dân phố 5, thị trấn Đức Phổ), chị Liệp liên tục bị chồng điện thoại gọi phải về nhà ngay lập tức.

Biết là chồng đang say xỉn, nhưng đang có khách nên chị cố nán lại bán cho hết bánh rồi về nhà. Vừa vào tới nhà, chị bị chồng chờ sẵn, lao vào đấm đá liên hồi, khiến chị ngã nhoài xuống đất. Tên chồng độc ác còn túm tóc lôi chị ra ngoài sân, sau đó lấy con dao thái thịt xẻo da đầu của vợ. Nghe tiếng hai đứa con chị khóc lóc la lớn, hàng xóm vội vã chạy sang thì thấy chị đang ôm đầu quằn quại trên sân, máu từ đỉnh đầu chảy ra ướt cả người. Trong khi đó, người chồng vẫn thản nhiên đứng nhìn. Bà con vội vã đưa chị đi cấp cứu tại Bệnh viện Đặng Thùy Trâm, rồi chuyển lên Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, sau nhiều ngày điều trị, chị mới dần tỉnh lại.

Sợ chồng hơn chết

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trong các gia đình ở nông thôn Việt Nam thì rượu chè say xỉn luôn là nguyên nhân được nhắc đến đầu tiên. Trong men rượu, nhiều ông chồng đã không kiểm soát được hành vi của mình, hậu quả là nhiều người vợ đã phải mất mạng. Cách đây hơn chục năm, Dương Như Độ (46 tuổi) và Nguyễn Thị Lan (43 tuổi) ở xã Thượng Đình, Phú Bình, Thái Nguyên đến với nhau bằng tình cảm chân thành, sâu sắc. Dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian đầu cuộc sống vợ chồng khá êm ấm, hạnh phúc. Theo thời gian, nhờ chịu khó làm ăn, gia đình anh chị dần khấm khá lên. Không ngờ từ khi cuộc sống bớt vất vả, người chồng lại nảy sinh tính xấu, chuyển sang làm bạn với ma men. Rượu vào, người chồng hiền lành, chịu thương chịu khó xưa kia lại biến thành một người khác. Chị Lan cũng tỏ thái độ khó chịu ra mặt. Chính vì vậy, mỗi lần Độ uống rượu là hai vợ chồng lại cãi nhau, và việc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay cũng tăng dần từng ngày. Đêm 29 rạng sáng 30-11-2008, sau một chầu nhậu “quắc cần câu”, hai vợ chồng Độ - Lan lại lớn tiếng cãi nhau. Trong cơn say, Độ đã dùng gạch đập liên tiếp vào đầu và mặt chị Lan, khiến chị bị thương nặng phải đi cấp cứu và qua đời tại bệnh viện.

Trong nhiều trường hợp, vì quá uất ức bởi những trận đòn vô cớ của chồng, người vợ đã phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát khỏi cuộc đời quá nhiều khổ đau và bi thảm. Đó là trường hợp chị Nguyễn Thị Lựu (33 tuổi, ở xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà nội). Lấy chồng là Nguyễn Văn Doanh (34 tuổi) từ năm 1994, đã có hai mặt con, hai vợ chồng ngoài làm ruộng còn đi làm thuê cho bà con trong xã. Trong nhiều năm trở lại đây, chồng chị bỗng giở chứng liên tục hành hạ chị cả về thể xác lẫn tinh thần. Chị thường xuyên bị chồng dùng mũ cối đập vào mặt, đấm đá túi bụi, có khi dùng cán cuốc thúc vào cổ, hay lấy đòn gánh, dây cua-roa đánh đập… Có lần Doanh còn đổ xăng vào đống rơm, châm lửa đốt rồi đẩy chị vào. Khi chị chạy thoát, hắn lại dùng dây cua-roa đuổi đánh. Ngày 31-5-2009, sau một ngày đi cắt lúa vất vả, về nhà chị lại bị chồng chửi bới, đánh đập bằng các loại “đồ nghề” quen thuộc, thậm chí hắn còn đe dọa giết chị. Sự việc như giọt nước làm tràn ly. Đến gần 23 giờ đêm, cả gia đình phát hiện chị Lưu đã uống thuốc chuột tự tử. Kết quả giám định cho biết chị Lưu chết do ngộ độc Natri và Xyanua.

Bạo hành trong các gia đình trí thức

Đó là những câu chuyện đau lòng của những người lao động nghèo ở nông thôn, những tưởng đối với tầng lớp trí thức, có trình độ văn hóa cao, giao tiếp rộng mọi chuyện sẽ khác. Nhưng ít ai ngờ tỷ lệ bạo hành gia đình trong tầng lớp này vẫn tồn tại ở mức cao. Điều đáng nói là trình độ văn hóa càng cao, biểu hiện của bạo hành càng tinh vi, âm ỉ, khó phát hiện và nhiều biến tướng khó lường. Một trong những biểu hiện đó chính là “bạo hành tinh thần”, “bạo hành tình dục”… Không có nắm đấm, không có vũ lực nhưng rất nhiều người vợ đã bị những vết thương lòng khó quên, mãi mãi không lành. Với người phụ nữ, bạo hành tinh thần do người chồng thương yêu gây ra còn dữ dội hơn cả nỗi đau thể xác.

Qua các trung tâm tư vấn tâm lý, tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, nhiều phụ nữ đã tìm đến, chia sẻ những nỗi lòng đau xót của mình. Chị Q.H là thạc sĩ, giảng viên của một trường đại học ở TPHCM. Chồng chị cũng là kỹ sư ngành giao thông vận tải. Nhìn bề ngoài, gia đình chị được coi là chuẩn mực của một gia đình hạnh phúc, nhưng ít ai biết những câu chuyện đầy nước mắt bên trong cái vỏ bọc đẹp đẽ ấy. Với tư tưởng gia trưởng, chỉ muốn vợ ở nhà, quẩn quanh bếp núc lo cơm nước và chăm sóc con, chồng chị đã không ngớt lời sỉ nhục nghề nghiệp của chị. Mỗi lần đi dạy hợp đồng ở các trường ngoại tỉnh, về đến nhà chị lại được chồng “chào đón” bằng những cái bạt tai. Nhưng vì sĩ diện, vì uy tín của một giảng viên, chị không dám cho ai biết.

Không giống như chị Q.H, chồng chị T.T.Q (Q. Bình Thạnh, TPHCM) lại có “chiêu độc” để bạo hành vợ. Chồng chị có chức quyền, bản thân chị cũng là một giáo viên. Những năm trước đây, cuộc sống vợ chồng tương đối hòa thuận, hạnh phúc. Nhưng từ ngày gia đình có điều kiện hơn về kinh tế, chồng chị bỗng đổi tính. Đêm nào anh cũng bắt chị “phục vụ”. Chị không thoải mái, phản đối liền bị anh nói: “Đã là vợ chồng thì không có chuyện muốn hay không muốn”. Có lần chị cương quyết cự tuyệt, anh lại bắt chị phải khỏa thân cho anh ngồi nhìn và hút thuốc. Sợ ảnh hưởng đến con cái, sợ hàng xóm biết chuyện, rồi còn uy tín với phụ huynh và các học sinh chị đành cắn răng chịu đựng.

Những nỗi đau từ bạo hành trong các gia đình trí thức luôn để lại tổn thương nặng nề về tinh thần. Sự âm ỉ kéo dài hết ngày này qua ngày khác như một tảng băng đè chặn lên hạnh phúc gia đình. Những tổ ấm bỗng trở thành địa ngục đáng sợ. Và ly hôn là lối thoát duy nhất, nhưng đôi khi, sự khủng hoảng tâm lý đã khiến người phụ nữ không còn đủ tỉnh táo để đưa ra một quyết định sáng suốt. Sau một lần lầm lỡ, chị T.N (Hà Nội) quay về với hy vọng có thể gây dựng lại hạnh phúc. Anh L.M, chồng chị là một nghệ sĩ, hứa hẹn sẽ bỏ qua hết lỗi lầm. Thế nhưng hàng ngày, anh vẫn treo tấm ảnh vợ và bạn trai cũ ngay trong phòng ngủ của hai vợ chồng và rọi đèn vào ảnh suốt đêm. Quá ám ảnh, chị T.N đã uống thuốc ngủ tự sát.

Một nét chung dễ nhận thấy trong chuyện bạo hành gia đình là vì danh dự gia đình, thể diện của bản thân, người vợ hầu như không dám tố cáo chồng mình, thậm chí khi những người có trách nhiệm ra tay can thiệp, nhiều người vợ còn đứng ra bênh vực cho chồng. Hậu quả là những ông chồng được đằng chân, lân đằng đầu, lâu dần sẽ trở thành những thói quen khó chữa. Họ không thể ngờ rằng, chính sự im lặng và bao che của mình lại là sự dung túng cho tội ác, và trong rất nhiều trường hợp đã để lại hậu quả hết sức đau lòng.

Theo 24h.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video