Những thay đổi tích cực từ mô hình câu lạc bộ Nuôi dạy con tốt ở Long An

16/07/2015
Xã An Ninh Đông, An Ninh Tây (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là hai xã điểm triển khai Đề án Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt của Hội LHPN Việt Nam. Sau hơn 3 năm triển khai đề án đã mang lại những kết quả thiết thực, góp phần thay đổi cách nghĩ và cách làm của người dân nông thôn nơi đây không chỉ trong việc nuôi dạy con, mà còn cả trong vấn đề hướng nghiệp, định hướng tương lai cho con mình.

Đây là hai xã nghèo của tỉnh Long An, trình độ, kiến thức của người dân trong việc nuôi dạy con vẫn còn nhiều hạn chế. Khi đề án được triển khai, ngoài việc chỉ đạo cơ sở thành lập nhiều câu lạc bộ “Nuôi dạy con tốt” tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ các ông bố, bà mẹ về cách nuôi dạy con tốt, Trung ương Hội LHPN Việt Nam còn phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ Kỹ thuật vùng Flamăng, vương quốc Bỉ (gọi tắt là VVOB Việt Nam) hỗ trợ công tác hướng nghiệp cho các địa phương thực hiện đề án.

Thông qua sinh hoạt, các thành viên trong CLB Nuôi dạy con tốt đã cùng cởi mở trao đổi, đưa ra các quan điểm cá nhân của mình trong việc định hướng tương lai, nghề nghiệp cho con, từ đó có cái nhìn thực tế hơn, bớt đi những định kiến nặng nề đối với lựa chọn nghề nghiệp cho con.Anh Trương Văn Dây, ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây cho biết, việc hướng nghiệp cho con hiện nay là rất quan trọng. Với tình trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay ở nước ta thì con đường vào đại học không phải là con đường duy nhất đối với tất cả các bạn trẻ, việc chọn trường nghề vừa phù hợp với năng lực của con mình, vừa giảm áp lực cho con, đặc biệt sau khi học nghề, các con có công ăn việc làm ổn định, cóthu nhập còn yên tâm hơn học đại học mà không có cơ hội tuyển dụng. Chị Lý Thị Nhàn, thành viên CLB “Nuôi dạy con tốt” tâm sự, sau khi sinh hoạt CLB, chị hiểu ra rất nhiều điều và luôn khuyên nhủ con nên chọn ngành phù hợp với năng lực, không nhất thiết phải theo những ngành nghề thời thượng.

Chị Cao Thị Kim Dung, ấp An Thuận, xã An Ninh Đông luôn quan tâm đến việc học của các con và có những định hướng đúng đắn để con lựa chọn ngành học và có được công việc tốt khi tốt nghiệp. Hiện cô con gái đầu của chị vừa tốt nghiệp ngành dược, đang theo làm ở một Công ty dược. Con gái thứ hai lại thích làm nghề giáo viên. Chị Dung tâm sự: “ Từ nhỏ, em nó đã thích tụ tập những đứa trẻ trong xóm để dạy học. Vài năm nữa, con mình thích nghề này tôi cũng tôn trọng sự chọn lựa của cháu.

Chị Lý Thị Nhàn ở ấp An Thạnh là một điển hình hướng nghiệp cho con thành công. Người con lớn của chị không đậu tốt nghiệp THPT, cháu khéo tay có năng khiếu về cơ khí. Không ép con phải cố thi vào các trường văn hóa, chị cho con theo học trường nghề ở Đức Hòa. “Khi đó, tôi nghĩ cho con mình theo học trường nghề là phù hợp nhất vì con mình sẽ có một nghề trong tay, phù hợp với sở thích của cháu và gia đình cũng đỡ chi phí cho con ôn thi lại”- chị Nhàn chia sẻ. Vì có tay nghề tốt nên cháu đi hợp tác lao động bên Nhật và mỗi tháng nhận được mức lương gần 20 triệu đồng.

Chị Nguyễn Kim Dự, Phó Ban chỉ đạo đề án 704 xã An Ninh Tây, Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Ninh Tây cho biết, trước đây, việc học của con em ở xã An Ninh Tâykhông được các bậc cha mẹ quan tâm nhiều, do đó những gia đình có con học hết cấp 3, hay vào đại học, cao đẳng là rất ít. Từ khi triển khai đề án 704, nhiều bậc cha mẹ đã thay đổi suy nghĩ, ngày càng quan tâm hơn đến việc học cho con. Nhiều bậc phụ huynh đã biết cách hướng nghiệp cho con một cách khoa học, dựa trên năng lực và sở thích của con, điều kiện hoàn cảnh gia đình mình chứ không áp đặt như trước đây. “Từ các buổi sinh hoạt CLB, các thành viên lại đi tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm với những người khác, vì vậy ngày càng có nhiều cha mẹ có thêm cách hướng nghiệp đúng đắn cho con mình. Giờ đây, việc gia đình có con em vào đại học, cao đẳng không còn là chuyện hiếm ở xã An Ninh Tây nữa” chị Dự chia sẻ.

Bà Huỳnh Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Long An cho biết, đề án 704 thật sự đang mang lại hiệu quả trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho các bậc cha mẹ trong nuôi dạy, giáo dục và hướng nghiệp cho con. Bà Huệ hy vọng trong thời gian tới, đề án tiếp tục được đẩy mạnh và nhân rộng để các bậc cha mẹ, hội viên phụ nữ có cơ hội được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong việc giáo dục, hướng nghiệp cho con cái.

Võ Mạnh Hảo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video