Những thị dân Sài thành “xanh”

17/02/2021
Với niềm đam mê cây cối, vườn tược, họ đã thu vén cái không gian tưởng chừng chật chội, ngột ngạt nơi phố thị, để có một khoảng trời trong lành của riêng mình.

Tinh mơ, chị lên vườn cắt mớ rau rồi bật công tắc hệ thống tưới tự động; thong dong đi giữa những dãy kệ nhiều tầng, đón bình minh với đủ sắc màu... Chị ở đây là một người cụ thể, cũng có thể là ai đó trong hàng ngàn người ở Sài Gòn đã và đang dan díu với niềm đam mê trồng trọt nơi đất chật người đông.

Mỗi mái nhà là một mảng xanh

Ngoại trừ tầng trệt cho thuê, bốn tầng còn lại của gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt Anh - ở phường 13, quận Bình Thạnh - đều có ban-công trồng cây. Thay vì lợp ngói, mái nhà trở thành vườn chính. Ngoài những trái bí đao, bầu hồ lô “khủng" lủng lẳng trên giàn, những cóc, khế, xoài, bưởi cũng trĩu trái dù chỉ trồng trong bồn, chậu nhỏ hẹp.

Cũng trồng nhiều loại cây khác nhau, nhưng chị Nguyễn Thị Bình - ở phường Thới An, quận 12 - lại mê trồng cải cuộn một cách đặc biệt. Với khuôn viên rộng 400m2, vợ chồng chị Bình dành tới 250m2 làm sân, vườn rau, chuồng nuôi gà, vịt và hồ cá. Khi xây nhà, chỉ có một mặt xây tường gạch, ba mặt còn lại đều lắp kính cường lực để lấy ánh sáng trời. Khi kéo rèm, đứng ở tầng nào cũng nhìn ra khoảng vườn xanh mát. Mỗi tầng nhà đều có hai khoảng sân để trồng rau và hoa, bao quanh sân là bồn trồng đủ thứ cây ăn trái.

Không phải cứ có diện tích nhiều mới trồng được cây. Nhà chị Nguyễn Thị Thu Nga - ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân - ngang 4m, dài chỉ 8m nhưng chị cũng có tới bốn mảnh vườn ở các ban-công, sân thượng và mái nhà. Hay như nhà anh Trần Trung Hải - ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức - chỉ có sân thượng 3,8 x 3,8m và mái nhà 3,8 x 2m nhưng cũng chi chít cây, quanh năm hoa lan, hoa hồng, hoa sứ khoe sắc, ớt, cà ra trái đặc cành.

Mê ở cùng cây lá

Mỗi ngày, chị Bình tốn hai tiếng rưỡi cho khu vườn trên cao. Hễ rảnh, chị lại ra chuồng gà, chuồng bồ câu, chuồng cút lượm trứng hoặc lên vườn tưới cây, dọn vườn, trồng lứa cây mới. Chị Bình quê ở Nam Định, hồi nhỏ sống với ruộng vườn quen, thành ra bây giờ cứ ghiền ở với cây, thích nghe tiếng gà, vịt, ngửi mùi đất, mùi phân. Chị nói: “Cứ ở trong vườn là người khỏe ra, không thấy cây là cảm giác thiếu thiếu”.

Ở Sài Gòn, nhà cửa san sát nhau, dễ khiến người ta thèm những khoảng xanh mát. Đó là lý do mà mỗi sáng, anh Hải khởi động ngày mới bằng cách lên vườn, tưới cây, nhổ cỏ. Tối đến, anh lại lên vườn, ngồi một mình uống trà, ôm cây đàn luyện ngón, trút bỏ mọi mệt nhọc của một ngày làm giám đốc kinh doanh.

Anh Nguyễn Văn Huynh - ở đường Đặng Thúc Vịnh, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn - có khu vườn trên sàn mái rộng đến 300m2, khiến bao người mơ ước. Ngoài 50m2 làm một hồ sen, phần còn lại đặt bồn trồng đủ loại rau thân thẳng, thân leo, cắm lên đó những thanh tre dài chéo nhau và làm bảng đặt tên cho từng khu: Xóm Đồng, Xóm Ngoài, Xóm Chằm Mọn, Xóm Trại, Xóm Vực, Bảng Điền, Bỏi Bà Đo, Đồng Diệc, Đồng Gạo, Kẽ Đá… Hệt một góc nào đó nơi thôn dã.

Hỏi ra mới biết, anh Huynh quê ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội. Bươn chải lao động 20 năm ở Đông Âu, chọn Sài Gòn làm nơi ở, nhưng vẫn thương nhớ đất cũ. Những bảng tên ở trên đều gợi nhắc những địa danh ở quê mà phần lớn nay đã không còn do đô thị hóa.

Những nhà nông thực thụ ở xứ... Sài Gòn

Với lợi thế vườn rộng, anh Huynh trồng gối đầu nhiều giống rau, trái, để lúc nào cũng có thứ để thu hoạch. Bồn này cải đang cho thu hoạch thì bồn kia anh bắt đầu trồng lứa cải mới. Giàn kia mướp sắp tàn thì bên giàn này mướp bắt đầu ra bông, nên cứ cắp rổ lên là có cải, có mướp để hái quanh năm. 

Anh Huynh còn bày kinh nghiệm làm đất, luân canh, bố trí cây trồng để cây tốt, phòng ngừa được sâu bệnh: “Nhà tôi có nuôi gà ở dưới đất. Muốn trồng cây, tôi xới đất lên phơi, sau đó rải phân gà đã ủ lên, lại rải lớp vôi trên cùng rồi dùng tấm ni-lông to phủ lại, diệt trừ nấm, trứng côn trùng, sau vài ngày mới dỡ ra, trộn đất để gieo, trồng. Những cây cần ra nhiều hoa, trái thì tôi trồng nơi nắng to, rau ăn lá thì trồng nơi nắng ít hơn. Trong một bồn, lứa này mình trồng đậu đũa thì lứa tới mình trồng dưa leo, vì trồng mãi một giống cây thì sâu bọ sẽ thích nghi, phát triển”.

Làm nông dân ở xứ Sài Gòn nhưng anh Huynh tự hào: “Rất nhàn”. Đó là do anh đưa đất từ dưới lên bằng tời (một dạng như thang máy), sau đó đưa tới các bồn bằng một xe đẩy. Các bồn trồng cây được anh khoan lỗ thoát nước bên hông, cách đáy 7cm nên nước thoát xuống không mang theo đất, khiến sàn luôn sạch, không cần quét dọn thường xuyên. Ở mỗi góc vườn, anh đều bố trí một ống nước nên chỉ cần đứng ở bốn góc là tưới được nguyên cả khu vườn rộng.

Để cây trong vườn luôn tươi tốt, chị Nguyệt Anh phải đặt mua một xe tải đất thịt (lớp đất mặt trong tự nhiên) vì theo chị, đất thịt mới bền cây, nhiều dưỡng chất. Vườn chị lúc nào cũng có ba thùng phuy bằng nhựa để ủ phân bò, phân dê, rác nhà bếp, lại còn có thùng xốp hai đáy để nuôi trùn quế, lấy dịch trùn tưới cho cây. Bởi vậy, một cây ớt của chị mỗi mùa cho một ký trái là chuyện thường, bưởi trồng chậu mà trái to như trồng dưới đất.

Nhiều năm qua, anh Lê Bạch Thái Thuyên - ở đường Lê Văn Thọ, phường 14, quận Gò Vấp - liên tục xuất hiện trên báo do có khu vườn trên cao lủng lẳng dưa lưới. Dưa anh trồng trong thùng nhựa theo dạng bán thủy canh: trồng vào đất nhưng lại tưới bằng dung dịch thủy canh. Anh sắm cả máy đo độ ngọt (độ brix) của dưa và cho kết quả không thua gì dưa lưới trồng ở Nhật.  

Chị Thu Nga nói: “Bày ra chứ cũng cực lắm. Mà lỡ mê rồi. Không trồng cây là chịu không được. Cực thân nhưng nhẹ óc”. Vì mê, chị đã tự mày mò làm hệ aquaponics để kết hợp trồng rau - nuôi cá, nước đi qua khay đất nung trồng rau sẽ hồi lưu về nuôi cá, sau đó nước phân cá lại được tự động bơm lên để nuôi rau. Niềm đam mê trồng cây của chị Thu Nga đã lan qua em gái, lan qua những nhà hàng xóm, nên xóm chị bây giờ hầu như ai cũng có khu vườn trên cao. Trong khi đó, sau sáu năm làm vườn ở phố, chị Nguyệt Anh chốt gọn: "Làm vườn ở phố có nhiều cái lợi”.  Thường xuyên vận động nên dáng thon và săn chắc, sức khỏe dẻo dai; sống giữa thiên nhiên nên tinh thần thư thái; có rau an toàn để ăn và mang cho hàng xóm; có nơi để bạn bè cùng sở thích đến giao lưu.

Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook, có rất nhiều nhóm trồng cây sân thượng, trồng cây ở phố, nhóm nghiện hồng, mê lan, mỗi nhóm thu hút hàng trăm ngàn thành viên. Các chị Nguyệt Anh, Thị Bình, Thu Nga... đều chơi trên các nhóm đó, cùng nhau trao đổi cây giống, hạt giống để làm phong phú khu vườn của mình và lan tỏa niềm yêu thích trồng trọt.

Gương mặt nhẹ nhõm của những thị dân “xanh” ở Sài Gòn đất chật người đông

***

Một thị dân chính hiệu và một nông dân thực thụ, hai trong một, ở xứ Sài Gòn này, có gì mâu thuẫn nhau? Chắc chắn không! Với niềm đam mê cây cối, vườn tược, họ đã thu vén cái không gian tưởng chừng chật chội, ngột ngạt nơi phố thị, để có một khoảng trời trong lành của riêng mình. Để rồi, ở mỗi nếp nhà có những - người - đang - được - sống ấy, một Sài Gòn chan hòa với thiên nhiên đang tự thanh lọc mình trong cơn sốt đất kim tiền, lẫn những tòa cao ốc chọc trời, lạnh ráo.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video