Ninh Bình: Giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn

18/12/2013
Những năm qua, các cấp, các ngành đã dành sự quan tâm tới lao động nữ, giúp chị em nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội. Nhưng công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Bấp bênh nghề phụ

Theo Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, hiện lao động nữ của tỉnh ta chiếm tỷ lệ trên 50%. So với phụ nữ khu vực thành thị, phụ nữ nông thôn chưa có việc làm ổn định chiếm số lượng lớn. Đời sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào nghề nông. Vào thời điểm nông nhàn, nhiều chị em lâm vào cảnh khốn khó. Bởi vậy, dù cuộc sống ngày càng trở nên hiện đại thì lại có nhiều hơn những người phụ nữ lấy việc mò cua, bắt ốc làm kế sinh nhai. Thậm chí, nhiều chị em làm những công việc nặng nhọc như bốc vác, phụ hồ … Trong khi đó, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nói chung, lao động nữ nông thôn nói riêng còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Theo thống kê, tỉnh ta có khoảng 3.000 doanh nghiệp, gần 70% số đó có ngành nghề phù hợp với lao động thôn thôn. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Do vậy, những năm qua công tác đào tạo nghề đã đạt kết quả khả quan. Trong 3 năm qua (2010-2012), trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 1.289 lớp dạy nghề cho 49.615 người lao động nông thôn. Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của các ngành chức năng, tỷ lệ lao động duy trì nghề còn thấp.

Theo lãnh đạo Phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, những nghề tiểu thủ công nghiệp luôn thu hút một lực lượng lớn lao động nữ nông thôn tham gia học và làm nghề. Bởi đây là nghề đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật, trình độ cao, lại có thể làm tranh thủ mà không ảnh hưởng tới việc đồng áng hay việc gia đình. Tuy nhiên, những nghề tiểu thủ công nghiệp lại hoàn toàn phụ thuộc vào sức thu mua của doanh nghiệp. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp tham gia đào tạo những nghề này đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chịu tác động rất lớn từ sự biến động về kinh tế, thị trường. Chưa kể, vì tính đến lợi nhuận doanh nghiệp chỉ cân nhắc thu mua ở những điểm gần để đỡ chi phí đi lại, đảm bảo lợi nhuận … Bởi thế, khi doanh nghiệp ngừng thu mua thì những lao động này cũng đành chấp nhận bỏ nghề.

Hơn 400 lao động nữ của xã Gia Hòa may mắn là lớp lao động đầu tiên thụ hưởng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những nghề được lựa chọn để đào tạo cho lao động địa phương là: đính hạt cườm, móc sợi, đan cói trên khung sắt. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian làm việc có hiệu quả, đến nay, 400 lao động này đã không có việc làm. Chị Sự, một trong những người tham gia học nghề cho biết: Nghề đan cói, móc sợi có mức thu nhập không cao, làm chăm cũng chỉ cho thu nhập 600.000-800.000đồng/tháng. Tuy nhiên, khoản tiền này góp phần giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống, đây lại là nghề thủ công, làm tranh thủ lúc nông nhàn nên bà con ai cũng phấn khởi. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, chúng tôi không duy trì được nghề nữa vì doanh nghiệp không cấp đủ nguyên liệu và cũng không thu mua sản phẩm. Thời điểm nông nhàn, chẳng có việc làm thêm nên cuộc sống của chúng tôi cũng khó khăn.

Một nguyên nhân nữa khiến nghề phụ còn bấp bênh, đó là giá trị ngày công lao động còn thấp. Những đơn hàng có mức giá cao hơn thì người lao động lại không đảm đương được trước những đòi hỏi cao về kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm và mẫu mã… Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận một thực tế, đa số lao động nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa có trình độ văn hóa không cao, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, quen với tập quán sản xuất truyền thống nên không tha thiết với học nghề hoặc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Họ thiếu tự tin để tìm việc làm phù hợp hoặc tự tạo việc làm cho bản thân.

Cần thêm nhiều cách làm hay

Năm qua, tỉnh ta đã phân cấp quản lý công tác đào tạo nghề cho các địa phương. Do đó, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo và phát huy hiệu quả thực tiễn, điển hình như huyện Nho Quan. Theo đó, thay vì loay hoay tìm nghề mới, địa phương đã chú trọng tập huấn, chuyển giao kiến thức để nâng cao hiệu quả nghề sẵn có, phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán canh tác và trình độ của người lao động như: trồng trọt, chăn nuôi, làm nấm, thủ công mỹ nghệ… Những lớp học này được tổ chức vào khoảng thời gian phù hợp nên thu hút đông đảo lao động nữ tham gia. Sau khi kết thúc lớp học, với tay nghề được nâng cao, nhiều chị em còn mạnh dạn tập hợp lại để mở rộng sản xuất thành các HTX cơ sở sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động khác, góp phần hình thành “làng nghề”, “xã nghề”.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối tháng 10-2013, các địa phương trong tỉnh đã đào tạo được trên 12.000 lao động nông thôn, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ cao. Nhờ cải tiến, đổi mới phương pháp dạy và học, lý thuyết gắn với thực hành nên chất lượng đào tạo được nâng cao. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo là 75,2% với mức thu nhập bình quân từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng/người/tháng...

Cùng với đó, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) đã có nhiều giải pháp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”. Theo đó, công tác dạy nghề được cụ thể hoá trong các kế hoạch công tác hàng năm, việc đào tạo nghề cho phụ nữ được gắn với triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương tổ chức khảo sát số lao động nữ, đặc biệt là lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ đó tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật, các biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng gia đình, từng đối tượng. Trung tâm đã định hướng ngành, nghề khá sát với nhu cầu của lao động và thị trường, trong đó hướng mạnh đến việc đào tạo những loại hình công việc mà chị em có thể làm tại nhà hoặc tại địa phương. Đến nay, nhiều nghề đã phát triển mạnh, đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, điển hình như nghề chẻ tăm hương.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 49 lớp dạy nghề chẻ tăm hương, đan cói cho 1.619 lao động nữ các huyện Gia Viễn, Yên Khánh và Yên Mô, trong đó có 374 phụ nữ nghèo, 30 phụ nữ khuyết tật. Sau học nghề, 100% số lao động nghề chẻ tăm hương duy trì nghề, thu nhập trung bình từ 300.000 đến 500.000 đồng/tháng, cao nhất đạt 2 triệu đồng/tháng (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn).

Hiện, ở những địa phương có nghề chẻ tăm hương đã thu hút thêm hơn 1.000 lao động, trong đó có cả nam giới, người già, trẻ em…, đưa sản lượng tăm hương lên trên 600 tấn/năm, doanh thu đạt 3,4 tỷ đồng. Ngoài ra, tính riêng năm 2013, Hội phụ nữ 70 xã, phường, thị trấn phối hợp với các ngành tổ chức 109 lớp dạy nghề về may công nghiệp, đan cói, bèo bồng, móc sợi, đính hạt cườm, thêu ren... cho 3.708 người. Sau học nghề, 70-80% lao động tìm được việc làm, thu nhập bình quân 500.000-700.000đồng/người/tháng.

Mặc dù đã có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên, để công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra thì bên cạnh việc dạy nghề, đào tạo lao động có tay nghề, chuyên môn thì các cấp, ngành, đơn vị cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề giải quyết việc làm, tạo “đầu ra” thông thoáng để lao động nói chung và lao động nữ nói riêng có cơ hội thể hiện được tính năng động, tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất. Có như thế, chương trình đào tạo nghề cho lao động nữ tại nông thôn mới có thêm nhiều cơ hội cất cánh, và giảm áp lực về an sinh xã hội lên các cơ quan quản lý.

Baoninhbinh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video